Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!

Join the forum, it's quick and easy

Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!
Quán Thời Gian
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY!

Go down

Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY! Empty Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY!

Bài gửi  minhthanh Mon Jan 28, 2013 8:01 pm

Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY! Pd12

14h30 chiều 27/1, nhạc sĩ Phạm Duy mất tại bệnh viện 115, TP HCM sau 3 ngày nhập viện cấp cứu. Hiện người nhà ông đang làm thủ tục để chuyển thi hài người nhạc sĩ tài hoa về nhà lo an táng. Chăm sóc ông những ngày cuối đời có con trai Duy Cường luôn túc trực cùng với một vài người thân. Phút lâm chung, ông cũng ra đi trong vòng tay người thân, gia đình và bạn bè.

Từ Pháp liên lạc về, Đức Tuấn khóc: "Tôi coi Phạm Duy như một người ông. Ông ra đi mà tôi không có bên cạnh. Thật buồn". Anh cũng chia sẻ cảm xúc trên facebook: "Nghìn trùng xa cách, Ông đã đi rồi..... Con xa quá không gặp được Ông lần cuối. Xin kính chúc nhạc sĩ Phạm Duy yên giấc. Một cuộc phiêu lưu mới Ông đang bắt đầu. Con sẽ hát mãi những bài hát của Ông cho một thế hệ mới".

Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY! Pham-duy-7-jpg-1350617291-500x0-jpg-1359277248_500x0
Nhạc sĩ Phạm Duy tại cuộc giao lưu mừng sinh nhật ông với chủ đề "Tạ ơn đời" diễn ra từ ngày 5 đến ngày 18/10. Chặng cuối cùng của "Tạ ơn đời" khép lại vào ngày 18/10/2012 tại Phòng trà Da Vàng, TP HCM với ca sĩ: Cẩm Vân, Đức Tuấn, Quang Linh, Thanh Thúy, Xuân Phú... Tâm sự trong đêm này, Phạm Duy cho biết, ông rất hạnh phúc khi ở tuổi 93 vẫn cảm thấy trẻ trung và những nhạc phẩm mình sáng tác sống được theo thời gian, được các ca sĩ trẻ chọn hát.
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.


Nhạc sĩ nổi danh qua đời chỉ hơn một tháng sau khi con trai cả Duy Quang của ông mất ở tuổi 62. Trước đó người nhà giấu tin Duy Quang mất vì sợ Phạm Duy buồn và ảnh hưởng đến sức khỏe vốn đã rất yếu của ông. Nhưng khi biết tin, Phạm Duy không quá đau buồn. Ông tâm sự với nữ danh ca Ánh Tuyết, ông biết con trai bệnh và sẽ không qua khỏi nên đã chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận. Nhạc sĩ Phạm Duy cảm thấy được an ủi hơn khi con trai mất trong tình cảm yêu thươngcủa khán giả, bạn bè và người thân.

Tuổi cao sức yếu, thời gian qua Phạm Duy vài lần vào viện cấp cứu rồi lại ra viện khi sức khỏe có dấu hiệu phục hồi. Khoảng 2 tuần trước khi qua đời, ông còn có thể đi dạo được. Những người gần gũi ông giai đoạn cuối đời đều nhận xét, ông luôn thể hiện sự lạc quan, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống như chính âm nhạc của mình. Khoảng một tuần trước khi mất, ông còn trao đổi thư từ qua email với ca sĩ Ánh Tuyết để góp ý cho chị về việc thực hiện những album nhạc của ông mà nữ danh ca đã ấp ủ kế hoạch từ lâu.

Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY! Anh-tuyet-1-jpg-1359277748-1359277858_500x0
Cuối tháng 12/2012, nữ ca sĩ Ánh Tuyết thực hiện đêm nhạc Phạm Duy để quyên tiền ủng hộ người nhạc sĩ tài hoa mà chị yêu quý khi ông đang nằm cấp cứu. Sau đêm diễn, Ánh Tuyết mang số tiền nhỏ đến biếu ông.

Sau 14 ca khúc được cấp phép biểu diễn vào tháng 4/2012 như: Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng… gần đây nhất, một loạt ca khúc khác của Phạm Duy tiếp tục được cấp phép trở lại, gồm có:Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Nước mắt rơi, Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Phố buồn, Tiếng hát trên sông Lô, Viễn du, Xuân nồng, Biển khúc, Em hát, Khúc ru tình, Nỗi nhớ vô thường, Tình qua tin nhắn...

Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

Từ sau năm 1975, ông sang Mỹ sống và định cư. Năm 2005, ông về Việt Nam sống an hưởng tuổi già. Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, phường 3, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1, lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.
Thoại Hà - Hoàng Dung
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY! Empty Hoa đã nở tràn trên bước trăm năm

Bài gửi  minhthanh Wed Jan 30, 2013 8:41 am

TT - LTS: Tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời ngày 27-1, Tuổi Trẻ trích đăng bài viết của GS Trần Văn Khê từ quyển sách sắp hoàn thành của ông về Phạm Duy - một người bạn thâm giao.

Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ PHẠM DUY! V_n_h_a_-_Gi_i_tr_-5f79db3272834f09854cfbe2fc6fde11

GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy trong ngày mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Duy năm 2010 - Ảnh tư liệu Trần Văn Khê

Ðối với tôi, Phạm Duy là một người nhạc sĩ có những khả năng rất đặc biệt trong âm nhạc mà không phải bất kỳ người nhạc sĩ nào cũng có thể hội tụ đầy đủ. Sự cảm thụ âm nhạc nghệ thuật của Duy cũng mang tính cách rất riêng, rất "Phạm Duy", nhưng cái riêng đó không hề lạc ra khỏi gốc rễ tình cảm chung của người VN.

Những cuộc phiêu lưu "chiêu hồn nhạc"

Nếu như trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều nhạc sĩ thường thiên về sở trường chuyên môn của mình: những ca khúc hoặc sáng tác nhạc không lời, hoặc viết về nhạc trữ tình quê hương, nhạc hành khúc, nhạc mang âm hưởng theo phong cách truyền thống hoặc theo quy luật sáng tác của phương Tây... thì với Phạm Duy, khả năng sáng tác âm nhạc - không, với tôi giờ đây Duy không sáng tác nữa, mà Duy đã làm những cuộc phiêu lưu "chiêu hồn nhạc" - hết sức đậm đà, huyền diệu, đầy thơ mộng mà cũng đa dạng và phong phú vô cùng! Duy "chiêu" được "hồn" ông thần nhạc và thành công trong nhiều thể loại, có lẽ bản thân ông thần âm nhạc cũng "mê" lối "chiêu hồn" của Duy rồi chăng?

Thành công - đối với Duy mà nói, không phải chỉ sớm nở tối tàn, "triêu như thanh ty, mộ như tuyết" (thơ Lý Bạch) mà phải nói rằng những nhạc phẩm đó đã và vẫn mang nhiều giá trị về ngôn ngữ âm nhạc lẫn ca từ không lẫn với bất cứ ai, đặc biệt là những nhạc phẩm ấy sống mãi trong lòng người Việt say mê âm nhạc nghệ thuật.

Có những thể loại nhạc đối với người nhạc sĩ này là sở trường nhưng với người khác nó lại không phải là thế mạnh. Còn Duy có thể làm cho những thể loại âm nhạc khác nhau "chịu" theo mình, nghe lời mình uốn nắn và đưa vào tâm hồn tình cảm của Duy. Những thể loại Duy làm đều được tán thưởng của giới mộ điệu âm nhạc, lấy được nhiều tình cảm từ công chúng. Ðiều đó không hề dễ có đối với một tác giả. Nó tồn tại cho tới bây giờ cũng đủ để thấy giá trị âm nhạc Phạm Duy mang một dấu ấn khó phai trong dòng chảy âm nhạc Việt, và hạnh phúc hiếm có nhất: vẫn vững chãi trước ba đào thời gian. [...]

Thán phục một tinh thần nghiên cứu

Trước khi sang Pháp để tiếp cận với âm nhạc (học tại lớp dạy âm nhạc học của thầy Jacques Chailley năm 1954) thì Phạm Duy đã là một nhà "dân tộc âm nhạc học" hẳn hòi rồi! Ở VN, Duy đã tự mình ghi âm, ghi hình, sắp loại các bài dân ca và các bài lý, những câu hò ở nông thôn VN... và tự ký âm ra các bài nhạc đó. Duy đã có cách nhìn rất khoa học trong việc phân loại, sắp xếp và ghi chép những vấn đề liên quan trong khi tìm hiểu về dân ca, dân nhạc VN.

Ngoài việc sưu tầm và nghiên cứu dân ca lúc đầu, sau này trong những chuyến đi xuyên Việt, Phạm Duy lại có dịp tiếp cận với nhiều bộ môn âm nhạc khác như: ca Huế, đờn ca tài tử, các điệu hát lý, điệu hò của Trung, Nam bộ, và đặc biệt hơn nữa là thể loại âm nhạc dân tộc thiểu số ít ai chú ý tới... Mỗi lần tiếp cận là mỗi lần Duy ghi chép rất kỹ lưỡng, sâu sắc để sau này có dịp cho ra đời cuốn Ðặc khảo về dân ca VN mà khi được đọc tôi rất ngạc nhiên, đồng thời cũng thán phục tinh thần nghiên cứu của bạn mình. Duy theo dõi nhiều và đi sát phong trào nhạc mới từ lúc khởi thủy cho đến những giai đoạn phát triển ra nhiều trào lưu. Duy cũng có được những điều kiện thuận lợi khi quen biết với những bạn bè, các bậc tiền bối văn nghệ sĩ, nhất là giới nhạc sĩ và từng nhiều lần trao đổi, trò chuyện với họ, biết được từng thời điểm ai làm gì, sáng tác như thế nào...

Từ những lợi thế như vậy, mỗi nhạc phẩm của Duy đưa ra đều mang tính cách thời sự, gắn liền với từng sự kiện xảy ra trong đất nước và không thiếu những hình ảnh rất chân thật sống động ở những nơi mà dấu chân Duy đã đi qua, in lại trong ký ức một cách sâu sắc rồi trở thành những hình tượng nghệ thuật đặc biệt trong âm nhạc.[...]

Con chim Việt lãng du từng bay khắp nơi dẫu chưa mỏi cánh nhưng bây giờ cũng đã tìm được nơi đất lành cho chim đậu. Dấu chân trên mặt đất lúc này không còn là dấu mộng trên đường về, giờ thì "tuyết đã tan trên vài mỏi mòn", Duy hãy tận hưởng đi cảm giác của đường trần trong hơi ấm tình quê. [...]

Duy thương mến!

Chúng ta đã đến, đã đi và đã về, đã làm và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc... suốt hai thế kỷ này. Nhưng Duy ơi! Một kiếp nhân sinh với bao năm tháng trôi chảy không ngưng nghỉ, có lúc này có lúc kia, nhưng câu chuyện cứ tiếp nối nhau không dứt, thì Khê cũng như Duy, Duy cũng như Khê, đều mỉm cười và mong rằng:

...Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần
Ðầu cành khô bỗng hoa nở tràn.


(*) Tựa nhỏ trong bài do Tuổi Trẻ đặt.

GS TRẦN VĂN KHÊ
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết