Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!

Join the forum, it's quick and easy

Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!
Quán Thời Gian
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH

Go down

ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH Empty ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH

Bài gửi  minhthanh Sun Sep 09, 2012 12:04 pm

ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH Image033
Sinh 15 tháng 6, 1924
Hải Phòng
Mất 15 tháng 11, 2001 (77 tuổi)
Hà Nội
Nghề nghiệp Nhạc sĩ

Đoàn Chuẩn (15 tháng 6, 1924 – 15 tháng 11, 2001) là một nghệ sĩ biểu diễn lục huyền cầm Hạ Uy Di, song được biết đến nhiều hơn cả như một nhạc sĩ Việt Nam với số lượng sáng tác ít ỏi nhưng đều trở thành những giai điệu thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ.
Sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng, ông lớn lên ở Hà Nội và là nghệ sĩ chơi đàn guitar Hawaii (Hạ Uy cầm). Người ta biết đến sáng tác năm 1948, ca khúc Tình nghệ sĩ của ông. Sau đó tiếp nối một loạt các bài với giai điệu đơn giản, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nhưng thực ra ông đã viết "Ánh trăng mùa thu" từ năm 1947, tại làng Đống Năm, Đông Hưng, Thái Bình. Ca khúc này gắn với một kỷ niệm về làng Khuốc (đất Chèo). Ông sáng tác cả thảy 18 ca khúc nhưng có 8 bài không phổ biến lắm, còn 10 bài kia đều rất nổi tiếng.
Tất cả ca khúc của ông đều được ghi tên tác giả là "Đoàn Chuẩn-Từ Linh". Thực ra Từ Linh (? – 1992) không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật. Từ Linh tên thật là Tạ Đình Thâu - một nhiếp ảnh gia. Cái tên chung mà người nhạc sĩ này đã chọn để sử dụng vẫn là một ẩn số đối với công chúng.
Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Sau đó, ông tỉnh lại nhưng mất tiếng nói, chỉ có thể bút đàm cho đến lúc qua đời lúc 22 giờ, ngày 15 tháng 11 năm 2001.

Giai thoại và cuộc đời

Đoàn Chuẩn, theo lời kể của con trai là Đoàn Đính, nổi tiếng về tính cách phong lưu và hào hoa có thể so sánh như công tử Bạc Liêu ở miền Bắc thời bấy giờ.
Ông đã từng thuê rất nhiều ô để che nắng cho một trong hai chiếc Cadillac ở Việt Nam thời đó khi đi tắm biển ở Hải Phòng, diện tích ô che phủ bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu. Cách ăn mặc của Đoàn Chuẩn cũng rất cầu kỳ: một ngày ông có thể thay vài bộ quần áo và hàng chục đôi giày; chỉ ăn tôm mới bắt 15' trước và đã được bóc nõn quấn mỡ kho.
Đoàn Chuẩn rất đa tình. Ông đã sáng tác tặng một người đẹp của miền Bắc lúc đó 6 bài hát trong khi với vợ mình, ông chỉ viết tặng bà vỏn vẹn hai bài. Thời trẻ, ông đã từng dành ba năm thuê người mỗi ngày mang một bông hồng đến tặng người con gái mà ông yêu.
Về sau, gia cảnh của nhà Đoàn Chuẩn có phần giảm sút nhưng ông vẫn sống rất vui vẻ và hạnh phúc bên vợ mình.

Tác Phẩm

Tác phẩm của ông đượm nét nhạc léo lắt, réo rắt của tiếng suối, tiếng gió nhẹ nhàng mà xa xa. Nhạc của ông nói nhiều về mùa thu. Ông tự nhận mình là "tay mơ" trong sáng tác nhạc và cả trong tình yêu. Hát nhạc Đoàn Chuẩn đầu tiên có Ngọc Bảo, Anh Ngọc, Ngọc Long, Mộc Lan, Thái Thanh, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương, và .. vài chục năm sau, ca sĩ Ánh Tuyết đã làm sống lại những ca khúc bất hủ này trong một tâm trạng mới, một luồng cảm xúc mới và một hơi thở mới...
Ánh Trăng Mùa Thu
Đây mới là ca khúc đầu tiên của Đoàn Chuẩn, sáng tác năm 1947, Tài liệu do Gia đình nghệ sĩ cung cấp.

Tình nghệ sĩ (1948)
Lá thư, 1948
Đường về Việt Bắc, hay "Tà áo tím", 1949
Thu quyến rũ, 1950
Chuyển bến, 1951
Gửi gió cho mây ngàn bay, 1952
Cánh hoa duyên kiếp (hay Dạ lan hương), 1953
Lá đổ muôn chiều, 1954
Tà áo xanh, Còn gọi là "Dang dở", 1954-1955
Chiếc lá cuối cùng1955
"Để có những chiều tắt nắng", 1955
"Một gói nho khô, một cánh pen sec". 1955
"Vàng Phai Mấy Lá (Vĩnh biệt)", 1955
Gửi người em gái miền Nam, 1956 *
"Khuôn mặt em" (Thơ Văn Cao), 1987
"Đường thơm hoa sữa gọi", 1988
"Màu nắng có bao giờ phai đâu",
Đây là nhạc phẩm cuối cùng, được sáng tác năm 1989.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Phan anh Dũng - Đoàn Đính


Được sửa bởi minhthanh ngày Sun Sep 09, 2012 12:19 pm; sửa lần 1.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH Empty Re: ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH

Bài gửi  minhthanh Sun Sep 09, 2012 12:17 pm

Hai chàng nghệ sĩ, một mối tình thu

Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, ai là người thực sự đã viết nên những khúc nhạc tình làm rung động trái tim người nghe ấy? Hai người cùng viết chung hay chỉ một người viết (người kia chỉ đứng tên cho vui)? Bài nào viết chung, bài nào viết riêng? Bài nào của người này mà không phải của người kia? Tại sao cũng bài nhạc ấy, khi thì ghi tên người này, khi lại ghi tên người khác? Người này viết nhạc, người kia viết lời, có phải vậy?... Những câu hỏi không có lời giải đáp hoặc có những lời giải đáp không giống nhau (của những người tự nhận quen biết tác giả hoặc am hiểu chuyện ấy).
Trong số những nhạc phẩm của ĐC-TL được các nhà phát hành nhạc Tinh Hoa và An Phú in lại ở miền Nam trước năm bảy mươi lăm, hai cái tên này có khi được tách riêng, chẳng hạn "Tà Áo Xanh" và "Lá Thư" được ghi là của Từ Linh, "Chuyển Bến" và "Thu Quyến Rũ" được ghi là của Đoàn Chuẩn. Không rõ những nhà phát hành ấy đã dựa trên những căn cứ nào để đánh rơi một trong hai cái tên, và chứng cứ ấy liệu có xác thực(?).
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên một tờ báo ở trong nước (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tháng 10/95), nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho biết là ông đã ký tên ĐC-TL cho bài nhạc đầu tiên của ông. (Từ Linh là em một người bạn khá thân của ông. Ông rất quý mến cậu em này và xem như bạn vậy). Bài nhạc ấy và cái tên ấy được nhiều người yêu thích, và thế là từ đấy về sau ông cứ ký tên chung như vậy cho những bài nhạc tiếp theo.
Tôi cũng được trông thấy ông Đoàn Chuẩn trong một băng ghi hình (năm 1997), và người ta cũng hỏi ông những câu hỏi nhiều người muốn biết. Tiếc rằng ông không thể trả lời được. Giọng nói của ông khi ấy chỉ còn là những lời thều thào một cách khó khăn, và chân trái ông bị liệt vì chứng áp huyết cao (bà vợ ông cho biết như vậy). Người trả lời thay cho ông là bà vợ yêu quý, có khuôn mặt và dáng vẻ hiền hậu, cho biết là "tất cả những bài nhạc ông Chuẩn làm, thường là ông và chú Từ Linh vẫn có trao đổi với nhau", mà không giải thích rõ "trao đổi" nghĩa là sao (bàn bạc, góp ý, nhận xét phê bình, khen chê hay dở, đề nghị thêm bớt sửa đổi, hay còn có nghĩa gì khác...). Chữ dùng của người miền Bắc đôi lúc khó hiểu! Về "nhân vật" Từ Linh (ngoài vài tấm ảnh đen trắng mờ mờ chụp chung với Đoàn Chuẩn thuở cả hai còn phong độ, đến nay vẫn cứ là dấu hỏi lớn), bà vợ cũng không cung cấp thêm được những thông tin nào mới mẻ, ngoài việc cho biết hai chàng nghệ sĩ này là đôi bạn tri kỷ, thường hàn huyên tâm sự rất là tương đắc, có khi hàng giờ không biết mệt, và "ngày chú Từ Linh mất, ông Chuẩn có ở cạnh giường cho đến lúc chú ấy đi..."
Có vẻ bà vợ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng không biết gì nhiều lắm về sự nghiệp sáng tác của ông chồng mình nên chỉ tiết lộ qua loa một vài điều (mà nhiều người cũng đã biết), chẳng hạn ông Đoàn Chuẩn rất là say mê âm nhạc, lúc nào cũng kè kè cây đàn bên cạnh, và "Tình Nghệ Sĩ" là sáng tác đầu tay từ thuở ông còn cắp sách đến trường. Bà cũng thú nhận là "không để ý lắm đến những bài nhạc ông Chuẩn làm", và mãi đến năm 1987, khi nhạc Đoàn Chuẩn được cho phổ biến lại ở trong nước, bà mới có cơ hội được... thưởng thức đầy đủ những bài nhạc ấy!
Vậy thì Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, biết ai là ai đây? Cứ theo như lời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được ghi lại trong bài phỏng vấn ở tờ báo trong nước (nếu được ghi lại trung thực) và các câu trả lời của bà Đoàn Chuẩn (không được rõ ràng, đầy đủ lắm) thì có vẻ như là Đoàn Chuẩn (tên đầu trong cái tên ghép chung "ĐC-TL"), chứ không phải Từ Linh, nhiều phần là tác giả chính, là nhân vật chính đã viết nên những tình khúc nổi tiếng được nhiều người yêu nhạc biết đến dưới cái tên ĐC-TL. Ông Từ Linh là người có "trao đổi", có "tham gia" đôi chút vào việc biên soạn những tình khúc ấy... Từ Linh lại qua đời trước Đoàn Chuẩn (năm 1987, nghe đâu vì ung thư cổ). Người chết thì chịu không thể lên tiếng gì được, nên mãi đến nay người ta vẫn chẳng biết gì nhiều về ông, ngay cả chuyện ông có phải là nhạc sĩ, có biết làm nhạc hay không, hoặc chỉ biết thưởng thức và bình phẩm về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc của ông bạn Đoàn Chuẩn, nghĩa là chỉ khiêm tốn đóng vai Tử Kỳ mà thôi. Thực hư thế nào, chẳng ai biết được!... Buồn thay và cũng trớ trêu thay, năm ông mất cũng là năm những nhạc phẩm của ĐC-TL được ký giấy phép cho phổ biến lại ở trong nước, vì thế không chắc là ông có đã dịp nào để nghe được những bài nhạc mà nếu ông không dự phần vào việc sáng tác thì cũng ít nhiều liên hệ. Ít ra thì Đoàn Chuẩn cũng có được may mắn hơn ông chút đỉnh (dù khá muộn màng) là vào những năm tháng cuối đời còn được người đời đến gõ cửa xin phỏng vấn ít câu, còn được an ủi là thân bại nhưng danh chưa liệt. Còn như Từ Linh, vì ít có ai biết rõ về ông, cũng chẳng ai kịp phỏng vấn, hỏi han gì đến ông như là Đoàn Chuẩn nên ông không có được cơ hội nào để bộc lộ và vì vậy chỉ như chiếc bóng mờ nhạt bên cạnh Đoàn Chuẩn.
Ngay đến những tin tức về năm tháng ông Từ Linh từ biệt cõi đời này cũng khá mơ hồ và không được đồng nhất, tin thì nói ông mất năm 1987, tin khác lại nói ông mất năm... 1992 (chênh lệch đến năm năm chứ đâu có ít!). Thành thử, ông Từ Linh này đến với cuộc đời thật âm thầm, mà ra khỏi cuộc đời cũng thật lặng lẽ, không ai biết chẳng ai hay!... Về những tin khác, chẳng hạn Từ Linh di cư vào Nam năm 1954 cũng chỉ là "nghe vậy thì biết vậy", và nếu đúng thế thì chắc phải có lý do gì đó khiến ông không muốn cho người đời biết mặt biết tên nên mới im hơi lặng tiếng kỹ như vậy. Ông quả là con người nghệ sĩ có lai lịch rất mù mờ và đạt thành tích khá cao về mai danh ẩn tích.

ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH Image049
Đoàn Chuẩn-Từ Linh 1950

ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH Image051
Từ Linh và vợ

ĐOÀN CHUẨN - TỪ LINH Image053
Đoàn Chuẩn-Từ Linh 1980

Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, ai tài hoa hơn ai? Nếu chỉ căn cứ vào những tấm ảnh hai chàng chụp chung với nhau thời còn trai trẻ ấy thì Đoàn công tử có nhiều phần đẹp trai hơn, nhưng chàng nào trông cũng có vẻ "nghệ sĩ đa tình" cả. Phong lưu hơn, chắc phải là Đoàn Chuẩn, vì chàng là công tử con nhà giàu. Thân mẫu chàng, góa phụ từ thời còn xuân sắc, một tay gây dựng cơ đồ, tạo được sản nghiệp lớn là hãng nước mắm "Vạn Vân" nức tiếng thời ấy (nghe chẳng có chút gì văn nghệ và lãng mạn cả), vẫn được truyền tụng trong câu "nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét". Chàng được nuông chiều hết mực và ăn xài rộng rãi, thoải mái. Một trong những cái thú chơi của chàng thời đó là sưu tập... xe hơi, một mình chàng có đến sáu bẩy chiếc ô-tô mới toanh. Theo nhạc sĩ Phạm Duy cho biết thì "đã vài lần được trông thấy công tử họ Đoàn lái chiếc xe Ford mui trần kiểu Vedette mầu trắng đi học đàn..." Cả Bắc kỳ thuở ấy chỉ có được hai chiếc bóng loáng thì chàng và ông thủ hiến chia nhau mỗi người một chiếc, và chàng cũng lấy làm tự hào về điều đó lắm. (Chắc là chàng cũng ít nhiều tiếc nhớ thời vàng son ấy nên trong "Đường Về Miền Bắc" mới có câu "tiếc đời gấm hoa ta đành quên"). Chàng được nuôi cho ăn học đàng hoàng, không rõ có học tới nơi tới chốn, chỉ biết là môn học mà chàng say mê nhất là âm nhạc, và chàng cũng sử dụng thành thạo các loại nhạc khí như vĩ cầm, tây ban cầm và hạ uy cầm. (Một trong những người thầy có uy tín của chàng là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, tác giả "Giáo Đường Im Bóng"). Vừa đẹp trai, con nhà giàu, lại vừa tài hoa lẫn phong lưu rất mực như vậy, chắc hẳn cánh "bướm đa tình" là chàng đã phải mặc sức mà "đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh" của Hà thành hay thành phố Cảng, chứ đâu có lý nào chàng lại than thở "thuyền tình không bến đỗ người ơi" và thở than "đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi", nghe mà thảm sầu!...
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ĐC-TL cũng khá khiêm tốn, được đâu khoảng chục bài nhạc, từ năm 1948 đến 1956, kể từ bài đầu tiên được trình làng là "Tình Nghệ Sĩ", nhưng cũng đủ để lại những dấu ấn đậm nét và được người đời mãi nhắc tên. Có người còn kể thêm ra một danh sách cũng đến gần chục bài nữa, gọi là những sáng tác của Đoàn Chuẩn chưa hề được phổ biến, không rõ có đúng vậy và cũng chẳng biết đâu mà kiểm chứng. Thực ra ai cũng biết, cái quan trọng đâu phải là ở số lượng, một chục hay mấy chục bài được viết ra, mà là những bài nhạc nào đã đến được và ở lại được trong lòng người yêu nhạc.
Tất nhiên, như hầu hết những nhạc sĩ sáng tác khác, không phải tất cả những bài nhạc ĐC-TL viết ra đều hay, đều là "tuyệt phẩm" như nhiều người vẫn gọi... Ở những bài như "Đường Về Miền Bắc" hoặc "Cánh Hoa Duyên Kiếp" và cả "Gửi Người Em Gái" nữa, ta thấy giai điệu và lời nhạc cũng đã kém hay so với những bài khác. Điều rõ ràng là, sau ngày nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời, người ta vẫn hay làm công việc giới thiệu lại những tình khúc gọi là "tiêu biểu" của hai ông, được hiểu là những bài hay nhất, được nhiều người yêu chuộng nhất, những bài kể trên đã không được hoặc ít được nhắc đến... Ngoài những bài nhạc được phổ biến từ trước, những bài khác nữa nếu có, cũng ít người biết đến, ít được giới yêu nhạc chú tâm và tán thưởng. Tôi có được nghe qua ít bài nhạc được giới thiệu là sáng tác của Đoàn Chuẩn những năm về sau này, qua giọng hát của vài ca sĩ tên tuổi, nhưng vẫn không nghe ra được cái xuyến xao, không bắt gặp được cái rung động "đoàn chuẩn-từ linh" như mỗi lần nghe lại những bài nhạc quen thuộc trước đó. Trong số những "tuyệt phẩm" ấy, có bài cả nhạc lẫn lời nghe qua thấy tầm thường, không thấy Đoàn Chuẩn đâu cũng chẳng thấy Từ Linh nào trong đó cả, tựa như những mặt hàng sản xuất được dán vào cái nhãn hiệu nhiều người ưa chuộng, nhưng người tiêu dùng vẫn cảm thấy không đúng là mặt hàng mình yêu thích. Lại có những bài không rõ xuất xứ và người tìm ra nó có lẽ đã đánh rơi đâu mất cái tựa, nên phải gán cho nó cái tên khác, "Vĩnh Biệt" hay "Xin Vĩnh Biệt" gì đó (ý nói đây là nhạc phẩm cuối cùng của nhạc sĩ trước khi nhắm mắt xuôi tay), rồi sau đấy chắc thấy hơi cải lương hay sao đó, bèn đổi cái tựa khác là "Vàng Phai Mấy Lá" cho có vẻ... Trịnh công Sơn hơn (cũng đại khái như "Vàng Phai Trước Ngõ" hoặc "Chiếc Lá Thu Phai" của ông nhạc sĩ này vậy, trong lúc ai cũng hiểu là thuở ấy làm gì có cái lối đặt tựa kiểu "hoa vàng mấy độ", "tóc xanh mấy mùa"... như thế). Nội dung bài hát mượn câu chuyện tình éo le ngang trái trong truyền thuyết thuở xưa để giải bày nỗi lòng (vốn là sở trường của Văn Cao, Phạm Duy hơn là ĐC-TL)... Có vẻ như là những bài nhạc ra đời những năm về sau này chỉ với tên Đoàn Chuẩn không thôi (mà không có Từ Linh bên cạnh) không phải là những bài nhạc hay như là những bài nhạc nổi tiếng từng được nhiều người biết đến.
Trở lại với cái tên ấy, Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, hai tên hay một tên, thiết nghĩ cũng đâu có gì là quan trọng để phải cố công tìm hiểu, vì chính người viết ra cái tên ấy cũng chẳng hề bận tâm, cũng chẳng xem chuyện gì là quan trọng. Cứ xem như một cái tên cũng được vậy, có sao đâu. Hai tên đã như một tên gọi đầy tình thương mến và ngưỡng mộ đối với người yêu nhạc. Người đời vẫn cứ nói "bài hát ấy là của Đoàn Chuẩn Từ Linh", chứ không nói "...là của Đoàn Chuẩn và Từ Linh". Tác giả của những bản tình ca đó đã muốn ghép chung hai cái tên ấy thành một, vậy thì ta cũng nên tôn trọng, cũng nên hiểu như vậy mà xếp hai cái tên ấy nằm cạnh bên nhau, gần lại với nhau. Hơn thế nữa, một khi đã xem "mối tình nghệ sĩ" chỉ "như giấc mơ" thôi và đã từng có những lúc quay lưng "lạnh lùng mà đi luyến tiếc thêm chi", thì có sá gì một cái tên mà hai chàng chẳng "gửi gió cho mây ngàn bay"...
Thực ra, nếu có ý định tìm hiểu, ca sĩ Đoàn Chính, con trai trưởng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, có thể nói thêm được ít nhiều về hai ông ĐC-TL. Ca sĩ Anh Ngọc chẳng hạn, cũng có thể bộc lộ một đôi điều (vì nghe đâu ca sĩ Ngọc Long là em của ông Từ Linh, mà theo nhạc sĩ Phạm Duy, Ngọc Long cũng lại là em của Anh Ngọc, vậy thì Anh Ngọc là anh em thế nào với ông Từ Linh này không rõ), tuy nhiên trước giờ vẫn không nghe ông này nói năng gì...
(Những giai thoại về hai chàng nghệ sĩ này có khá nhiều, chẳng biết đâu là hư là thực, chẳng biết đâu mà kiểm chứng, và phạm vi bài này cũng không có ý định tìm hiểu tính cách xác thực của những giai thoại ấy. Sau cùng có lẽ nên nói như nhạc sĩ Phạm Duy, "... trừ phi chính Đoàn Chuẩn viết ra những lời phủ nhận, Từ Linh vẫn không phải là người được ghép tên vào ca khúc").
Kể ra trong lịch sử âm nhạc và trong số những nhạc sĩ tên tuổi của chúng ta, thật hiếm thấy có đôi nhạc sĩ nào gắn bó với nhau thiết thân và tri kỷ đến như vậy. Khi cùng gắn bó với mùa thu, với những mối tình dang dở, hai chàng cũng đồng thời gắn bó với nhau; khi cùng yêu một mầu áo, cùng yêu những cung đàn, hai chàng cũng đã cùng chung một mối tình.

LÊ HỮU
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết