Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!

Join the forum, it's quick and easy

Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!
Quán Thời Gian
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Wed Sep 05, 2012 4:49 pm

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image002-2
Tân an ngày xưa (sông Vàm Cỏ Tây và rạch Bảo Ðịnh)

Tọa lạc sát nách Sài Gòn, Tân An là một tỉnh cố cựu của Nam Kỳ, nằm lọt vào giữa lưu vực hai sông Vàm Cỏ Ðông và Tây với một phần lớn Ðồng Tháp Mười. Những ai sinh trưởng ở miền Nam, tôi chắc rằng thế nào trong đời cũng có nhiều lần đi qua lại tỉnh Tân An vì tỉnh nầy nằm trên lộ đường về miền Tây và ngược lại.
Hơn nửa thế kỷ trước, con đường quốc lộ số 4 còn phôi thai, các ghe thương hồ từ lục tỉnh lên Sài Gòn đều qua lại trên sông Tân An, sông Bến Lức, dập dìu ngày cũng như đêm giống như các tỉnh khác của Nam Kỳ. Tuy cấu tạo bằng đất phù sa, địa thế bằng phẳng, nhưng Tân An cũng có những giồng đất cao ráo như Thủ Thừa, Khánh Hậu (Cái Én, Cần Giuộc) và ruộng đất ở Tân An không phải hầu hết đều phì nhiêu, lý tưởng như đất đai ven sông Tiền, sông Hậu. Diện tích chung tỉnh Tân An đã thay đổi nhiều lần, nhưng trước “năm 1975” [chữ do BBT thay thế], Tân An rộng độ 1.640 km2.
Phía Ðông là quận Cần Giuộc nước mặn từng mùa từ biển Ðông tới. Phía Tây có quận Thủ Thừa nhiều phèn từ Ðồng Tháp Mười chảy ra.Mùa nắng, con sông Vàm Cỏ nước trong như mắt mèo, có chỗ nhìn thấy cá lội nhởn nhơ dưới đáy. Cũng vào mùa nắng nước sông Tân An, Bến Lức chia làm hai dòng trong (ở giữa) và đục (hai bên bờ). Nhiều nơi làm rớt cục xà bông xuống nước, hôm sau vớt lên cũng chưa tan. Những buổi trời quang mây tạnh, ngồi xe đò chạy ngang qua cầu Tân An, Bến Lức nhìn về hướng Tây Bắc, núi Bà Ðen như một vệt mờ xanh thẩm phía chân trời xa.
Ðịa danh Tân An xuất hiện lần đầu tiên năm 1779 khi chúa Nguyễn Ánh chiếm lại thành Gia Ðịnh. Lúc đó, Tân An là một tổng của châu Ðịnh Viễn, thuộc dinh Long Hồ. Phủ Tân An chính thức chào đời dưới triều vua Tự Ðức, gồm hai huyện Cửu An và Phước Lộc, bây giờ sát nhập vào Gia Ðịnh.
Chiếm được Nam Kỳ rồi Pháp chia miền Nam ra làm thành nhiều đơn vị hành chánh nhỏ để dễ kiểm soát. Từ 6 tỉnh dưới triều vua Minh Mạng [Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên (1834)], Pháp chia làm 20 sổ tham biện, rồi sau đổi thành 20 tỉnh. Hủy bỏ tên tỉnh Ðịnh Tường, Pháp lập ra 3 tỉnh mới: Mỹ Tho, Tân An, Gò Công.
Năm 1899, tỉnh Chợ Lớn ra đời, lấy một phần đất của Tân An, gồm quận: Ðức Hòa, Gò Ðen (Châu Thành), Cần Giuộc, Cần Ðước. Chợ Lớn là tỉnh thứ 16 của Nam Kỳ, nhưng đến đầu thế kỷ thì bãi bỏ,một phần lớn đất đai nhập vào Tân An và Gia Ðịnh. Vào năm 1947, do yêu cầu về quân sự và an ninh, Pháp tách khu rừng Sác gồm 2 tổng An Thít và Cần Giờ, nhập với Vũng Tàu lập ra tỉnh Cap Saint Jacques.
Từ đó Nam Kỳ có 21 tỉnh.Lỵ sở Tân An đầu tiên đặt tại Châu Phê, nằm hướng Bắc sông Bảo Ðịnh. Vùng này do Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân có công khai khẩn, được chúa Nguyễn nhớ ơn, cấp cho một sở đất tự điền gọi là ruộng Châu Phê, nên dân chúng địa phương gọi vị trí đó là Châu Phê.Chỗ đó cũng còn gọi là chợ Cai Tài thuộc làng Huê Mỹ Thạnh. Ngày nay ở vùng này còn truyền tụng một câu hát xưa:
Bảng treo tại chợ Cai Tài,
Bên văn, bên võ (ai) có tài ra thi.

Năm sau, tỉnh lỵ Tân An dời về làng Nhựt Thạnh, nằm trên tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây.
Ðến năm 1868, tỉnh lỵ Tân An được đổi một lần nữa về vị trí châu thành Tân An ngày nay.
Hồi trước, chỗ này có bến đò nối liền với các làng Nhơn Thạnh, Huê Mỹ, Nhựt Tảo, Bình Lãng bên kia sông. Ghe tàu từ lục tỉnh lên Sài Gòn thường đi qua châu thành Tân An. Ghe nhỏ, từ Mỹ Tho qua sông Bảo Ðịnh, tàu lớn vô vàm Kỳ Hôn qua kinh Chợ Gạo, để vào sông Vàm Cỏ, rồi qua sông Bao Ngược về Cần Giuộc, hoặc đi ngang Tân An lên Thủ Thừa, qua sông Bến Lức lên Ba Cụm

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image004-2
Cầu sắt Eiffel Bến Lức

Sau khi thâu hồi độc lập, Tổng thống Ngô Ðình Diệm ký sắc lệnh 143/NV ngày 22/10/1956, đổi tên tỉnh Tân An thành Long An, cắt quận Mộc Hóa lập ra tỉnh Kiến Tường, lập thêm quận mới Bến Lức, Tân Trụ, và Rạch Kiến. Bây giờ, tỉnh Long An gồm 7 quận: Cần Giuộc, Cần Ðước, Rạch Kiến, Bến Lức, Thủ Thừa, Bình Phước (Tầm Vu), và Tân Trụ.
Lần sau cùng vào năm 1963, chính phủ cắt một phần quận Thủ Thừa của Ðức Hòa ngày nay, để lập ra tỉnh Hậu Nghĩa.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Wed Sep 05, 2012 5:02 pm

Vàm Cỏ Ðông với cầu Bến Lức,
Vàm Cỏ Tây với cầu Tân An


TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image006
Cầu Bến Lức do RMK-BRJ xây

Nói đến Tân An, người ta nghĩ ngay đến 2 con sông lớn, đã bồi đắp tạo ra đồng bằng Tân An, đều gọi là sông Vàm Cỏ. Vàm Cỏ Ðông dài chừng 300 km, xưa gọi là sông Thuận An, chảy từ biên giới Việt-Miên, thuộc quận Hiếu Thiện, tỉnh Tây Ninh, chảy xuống Trảng Bàng, Gò Dầu, đến khu vực nhà máy đường Hiệp Hòa, qua kinh Cầu An Hạ, rồi chảy ngang cầu Bến Lức. Tại Gò Dầu Hạ, có một cây cầu lớn bắc ngang qua sông nối quốc lộ 1 lên Cao Miên qua ngả Mộc Bài. Khúc sông này hàng ngày có tàu đò chạy từ Hiệp Hòa lên Gò Dầu và ngược lại.Người Pháp gọi sông Vàm Cỏ Ðông là Vaico Oriental, trong khi người địa phương quen gọi là sông Bến Lức, lý do ở chỗ vị trí bắc cây cầu Bến Lức ngày nay, hồi trước là một bến đò có nhiều cây lức, cao như cây lác, thân cứng, mọc theo mé nước. Theo mấy ông già bà cả ở miền Nam nói rằng rễ cây lức có thể làm thuốc trị ghẻ lác. Theo học giả Trương Vĩnh Ký, cây lức tiếng Miên gọi là Roluk. Sử cũ chép rằng khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn rượt chạy đến đây, họ gọi là “Lật giang,” thì cùng đường, không có đò ngang, nhưng nhờ một con cá sấu nổi lên chở ông qua sông thoát nạn. Cầu Bến Lức bằng sắt, do công ty Eiffel xây cất hồi cuối thế kỷ 19, được coi như cây cầu dài nhất ở Nam Kỳ.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image008
Cầu Bến Lức 1970

Sông Vàm Cỏ Tây phát nguyên ở ranh giới Miên, chảy qua sông Tháp Mười tại quận Tuyên Bình, Mộc Hóa, đến Thủ Thừa, rồi chảy về phía Ðông qua châu thành Tân An, chỗ đó trước gọi là sông Vũng Gù. Cả hai sông Vàm Cỏ gặp nhau ở phía đông quận Tân Trụ, rồi dòng sông mở rộng để nhập vào sông Nhà Bè, đổ ra cửa Soài Rạp. Trên sông Vàm Cỏ Tây có cầu Tân An, cũng là một công trình kiên cố. Cả hai cầu Tân An và Bến Lức bị “chiến tranh” [chữ do BBT thay thế] phá sập mấy nhịp giữa nhiều lần. Người Pháp gọi sông Vàm Cỏ Tây là Vaico Occidental.
Dưới thời Ðệ nhị Cộng Hòa (1967-1975) chính phủ cho công ty “Phương Nam Kiến Tạo” [BBT: đúng ra là do công ty RMK-BRJ của Mỹ xây] đứng ra xây cất thêm hai cây cầu Tân An và Bến Lức mới, bằng xi măng cốt sắt, với hai chiều xe xuôi ngược, được coi như những chiếc cầu dài nhất về miền Tây.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image010-1
Cầu sắt Eiffel Tân An

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image012
Cầu Tân An do RMK-BRJ xây

Hồi mới xây cất, cầu Tân An và Bến Lức chỉ dành riêng cho xe lửa, nên lót đà ngang rất thưa, cứ cách 1 m mới lót một cây đà nên các xe hơi (ô-tô) từ Sài Gòn về miền Tây phải qua đò trước châu thành Tân An. Trước khi tới cầu, các xe từ Sài Gòn xuống phải chạy vào một con lộ tẻ bên tay trái để xuống bến đò. Ngày nay, lộ ấy vẫn còn. Ở đây có một chiếc đò kéo tay, người địa phương gọi là chiếc đò rút. Mỗi chiếc đò có 8 người phu lực lưỡng, mỗi bên 4 người, dùng một thanh gỗ có khoét lỗ, kẹp vào giữa sợi dây cáp, rồi dùng thế đòn bẩy để kéo con đò từ từ qua sông.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image014
Ðò rút Chợ Gạo

Trước năm 1939, bến đò Mân Thít ở Vĩnh Long, bến đò Chợ Gạo xuống Gò Công, cũng dùng đò rút như thế, vì lẽ sông nhỏ, nhiều ghe chài qua lại hàng ngày, muốn bắc cầu phải bắc rất cao, tốn kém quá lớn. Ðầu mối bến đò ở Tân An là chỗ sông Vũng Gù gặp sông Bảo Ðịnh, kế bên là ngôi nhà lầu đồ sộ của ông Huyện Sĩ Lê Phát Ðạt. Sau khi vào châu thành Tân An, các xe hơi phải chạy ngang qua cầu quây, rồi ra quốc lộ 4, tiếp tục xuống Mỹ Tho.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Wed Sep 05, 2012 5:12 pm

Mộc Hóa

Mộc Hóa là một quận của tỉnh Tân An dưới thời Pháp thuộc, nằm ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, giữa Ðồng Tháp Mười. Hai bên bờ sông ở đây là những bụi dừa nước, lau sậy, tràm bần. Ngồi đò chạy trên sông Vàm Cỏ Tây lên Mộc Hóa, lâu lâu xuất hiện vài xóm nhà lá lụp xụp, cất trên khu đất mới khai phá. Nếu nhìn kỹ, thấy hầu hết nhà lá cất sơ sài, nền nhà và sân khô nứt nẻ về mùa nắng. Vườn cây quanh nhà cũng chỉ lèo tèo vài ba thứ cây ăn trái còi cọc, những bụi tre khô, những cây me keo thiếu nước. Có những khúc sông tàu chạy hàng giờ chỉ thấy đồng không mông quạnh, không làng mạc nhà cửa, trống vắng, buồn!
Vào thăm quận lỵ Mộc Hóa (thời điểm năm 1956) chỉ có vài công sở cất bằng gạch, lợp ngói hay lá. Chợ Mộc Hóa nhỏ, bán hàng hóa địa phương và các sản vật thông dụng, chưa bao giờ sung túc, vì ở vào vị trí bất lợi. Mới độ 10 giờ sáng, chợ đã tan. Nắng lên, trời nóng nực, người và súc vật uể oải… Muốn tìm quán ăn, quán cà phê, chợ Mộc Hóa cũng chỉ có vài ba quán lèo tèo của người Tàu, nằm trong hai dãy phố bên hông chợ cũ kỹ, tối tăm và đầy ruồi, trông mất vệ sinh, không biết ngày nay điều kiện sinh hoạt có khá hơn không?
Hồi Pháp thuộc, Mộc Hóa có nhiều người Miên nuôi heo, gà vịt thả rong vô số. Họ bán rẻ, gà giò hay mái đẻ cũng đồng hạng như nhau. Người Tân An hàng tuần theo chiếc đò khách của người Tàu lên Mộc Hóa mua heo, gà vịt về Tân An bán lại kiếm nhiều lời, nhờ dân Mộc Hóa còn chất phác, quê mùa. Tàu đò ngoài việc chở thư từ, chỉ có bạn hàng từ Tân An lên mua gà vịt, và vài ba công chức về thăm nhà, hoặc đổi lên nhiệm sở mới.

Thủ Thừa

Quận lỵ Thủ Thừa nằm trên chỗ giáp nước của con kinh nối liền hai sông Vàm Cỏ. Giáp nước là chỗ hai dòng nước chảy ngược chiều gặp nhau. Ở miền Nam, có rất nhiều giáp nước. Các ghe xuồng đi tới chỗ giáp nước phải đậu lại chờ con nước sau mới đi tiếp cho nhẹ chèo. Vì lẽ đó, chỗ giáp nước thường bao giờ cũng có một cái chợ nhỏ, hoặc thôn xóm, bán vật dụng cần thiết và thức ăn. Giáp nước cũng có thể gọi là cái ga tạm ở đường sông.
Chợ Thủ Thừa chiếm vị trí thuận tiện vì ở chỗ đầu mối các đường giao thông. Hồi 50 năm trước, khi mọi việc chuyển hàng hóa phải dùng ghe tàu, chợ Thủ Thừa rất sầm uất. Có lúc nhà cầm quyền tỉnh Tân An muốn dời châu thành Tân An về quận lỵ Thủ Thừa. Từ các vùng Châu Ðốc, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Mộc Hóa, các ghe thương hồ theo kinh Ðồng Tiến lên sông Vàm Cỏ Tây, kinh Thủ Thừa, sông Bến Lức vào Chợ Ðệm, lên Ba Cụm… cho nên, chợ Thủ Thừa rất sung túc. Thuở đó, ngày đêm trên sông rạch Thủ Thừa vang lên những tiếng hát câu hò của trai tứ chiến gái sông hồ, lấy sông nước làm nhà:
Bớ chiếc ghe sau,
Chèo mau em đợi,
Kẻo qua khúc sông này, bờ bụi tối tăm!

Nhưng tinh nghịch, miệng thì kêu muốn đợi, nhưng em cố chèo cho nhanh, khiến anh trai ở ghe sau phải than:
Thuyền em đã nhẹ,
Chèo lẹ không theo,
Khuyên em bớt mái, khoan lèo đợi anh!

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image016
Chợ Thủ Thừa

Ngày xưa đi ghe chưa có gắn máy đuôi tôm, hay máy dầu như bây giờ. Muốn ghe, tàu chạy nhanh, ít tốn sức, phải chờ nước xuôi và chạy buồm. Cảnh đi ghe trên sông nước miền Nam là những cảnh sống động của những mối tình chân thật, dù có lúc thoảng qua như cơn gió nhẹ, nhưng cũng có mối tình mới gặp gỡ lại bền chặt. Trên bến sông Thủ Thừa là nơi chứng kiến những cuộc chia tay của những mối tình trên sông nước hàng ngày… Mỗi lần đổi con nước, ghe xuồng rẽ về hai phía. Tuần tự chiếc trước chiếc sau đi về bến mới mà lòng bâng khuâng.
Tìm hiểu địa danh Thủ Thừa, tôi được nghe hai giả thuyết cắt nghĩa khác nhau. Thuyết thứ nhất nói rằng tại địa phương có một người bá hộ tên Mai Văn Thừa, xuất tiền đào kinh nối liền sông Vàm Cỏ Ðông với Vàm Cỏ Tây, nên dân chúng lấy tên ông ta đặt cho kinh này. Vì ông trước kia có làm một chức thủ kho của triều đình, nên dân chúng gọi một cách trân trọng là Thủ Thừa. Giữa kinh, ngay chỗ giáp nước, một thị trấn mọc lên, buôn bán cho ghe thương hồ, lần lần trở nên sầm uất, trở thành quận lỵ.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image018
Kinh Thủ Thừa

Thuyết thứ hai cho rằng ông Thủ Thừa là người huyện Cửu An, tỉnh Gia Ðịnh, bỏ cả sản nghiệp mình lên thành Phiên An giúp Lê Văn Khôi chống lại triều đình. Về sau, Thủ Thừa cùng với số binh sĩ trong thành bị bắt và tàn sát chôn chung một ngôi mộ gọi là “Mả Ngụy.” Thuyết nầy có chỗ đáng nghi ngờ, vì nếu Thủ Thừa là một trong những kẻ “phản nghịch với triều đình,” chắc chắn tên tuổi ông sẽ không được nhắc nhở tới, ít nhứt cũng trong giai đoạn người Pháp chưa chiếm Việt Nam. Chúng tôi dè dặt ghi lại trên đây để rộng đường dư luận.
Quận Thủ Thừa nổi tiếng về đường mía và nghề đóng ghe xuồng ba lá, đươn [đan] đệm, buồm, chằm nóp, bao cà ròn, để bán về Chợ Lớn và khắp miền lục tỉnh. Các vùng trồng mía nhiều nhứt nằm dọc theo phía sông Vàm Cỏ, cho đến ranh giới quận Ðức Hòa. Những năm nước dâng cao, rẫy mía Thủ Thừa bị thiệt hại nhiều. Hồi trước mía đường được chế biến bằng phương pháp thủ công, sản xuất ra đường tán, đường thẻ. Mỗi mùa đường, họ sắp đường vô cần xé nhỏ, phía trong lót rơm, chở lên bán ở Chợ Lớn.
Ðến thời Pháp thuộc, họ lập ra nhà máy đường Hiệp Hòa, có công suất rất lớn vào thời đó. Từ đó vùng Hiệp Hòa, Ðức Hòa, Ðức Huệ trở thành vùng chuyên canh cây mía đường. Tuy nhiên, cách thức làm việc của nhân viên nhà máy đường Hiệp Hòa thường bắt chẹt các nhà trồng mía đem đến bán. Ai chở mía tới nhà máy cũng muốn được cân mía sớm, chớ để lâu vài ba ngày thì mía bị lên men, người ta gọi là chạy chỉ, sẽ bị hư. Mùa mía đường thường rộ lên trong một thời gian ngắn, khiến nhiều người cạnh tranh làm sao được nhân viên cân mía cho sớm để được lợi. Tình trạng đó gây nên nạn tham nhũng, hối lộ. Ai biết điều, có biếu xén chút ít tiền bạc, sẽ được cân trước, ai không biết phải quấy sẽ bị thiệt thòi, có khi đổ cả ghe mía xuống sông chèo về không!
Hồi năm 1984, tôi có đến thăm nhà máy đường Hiệp Hòa. Bên ngoài tuy nhà máy còn hoạt động, nhưng theo người địa phương cho biết họ làm ăn cầm chừng vì ban quản lý chuyên mua ép giá, làm ra đường cát, bán lại giá cao, nên dân chúng tẩy chay. Người địa phương Hiệp Hòa có thuật lại cho tôi nghe chuyện một nông dân trồng mía hỏi giá bán mía như sau: Ông già chèo ghe mía đến gần nhà máy đường hỏi vọng lên:
- Mía mua bao nhiêu một kí?
Tên [nhân viên] nhà máy đáp:
- Mười lăm đồng.
Giận dữ vì thấy bị ép giá quá mức, ông già “xổ nho”:
- Tao bán cái con c… đây nè!
Nói xong rồi chèo ghe đi tuốt. Câu trả lời còn bộc lộ khí cốt rặc của người nông dân Nam Kỳ.
Nhà máy Hiệp Hòa sau mấy chục năm hoạt động, máy móc đã trở nên cũ kỹ, lỗi thời, bọn [quản lý nhà máy] cứ vá víu tạm bợ, cho nên chỉ ép được 60% nước mía mà thôi. Nếu như sử dụng máy móc tối tân hiện đại phải tận dụng hết 98 đến 99% nước mía trong cây mía.
Ngày nay, rạch Bảo Ðịnh, kinh Thủ Thừa là những dòng sông hẹp, nhưng hai bên bờ cây cối xanh tươi, mát mẻ. Ði ghe dưới sông, nhìn hai bên bờ thấy ẩn hiện nhà ngói nhà lá cất dưới tàng cây mận, cây vú sữa sum sê, râm mát. Dưới bến sông mát rượi bóng dừa, lại thoảng mùi bông hoa lài, bông bưởi, lại có tiếng chim trao trảo, tiếng cúc cu trên tàng dừa xanh, hay ngọn cây cau thật quyến rũ. Thỉnh thoảng có chiếc ghe máy, hoặc tam bản gắn máy đuôi tôm, tiếng động ầm ầm, làm át cả khung cảnh tĩnh mịch nên thơ của nhà vườn miền Nam.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Wed Sep 05, 2012 8:02 pm

Ðường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image020
Cầu sắt xe lửa Tân An

Chiếc cầu xe lửa Tân An cũng có nhiều kỷ niệm khó quên đối với người lớn tuổi. Ðường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho thành lập rất sớm, vào khoảng năm 1883-1884. Công trình làm đường xe lửa nầy có hai cây cầu sắt rất lớn và tốn kém: đó là cầu Tân An và cầu Bến Lức, lúc ban đầu chỉ dành riêng cho xe lửa và người đi bộ mà thôi. Lúc đó xe hơi (ô-tô) chưa thông dụng, và lâu lâu mới có một chiếc xe qua phà kéo tay (đò rút). Con đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho có 12 ga lớn nhỏ, theo thứ tự như sau: Chợ Lớn, Phú Lâm, An Lạc, Bình Ðiền, Bình Chánh, Gò Ðen, Bến Lức, Bình Ảnh, Tân An, Tân Hương, Lương Phú (Bến Tranh), và Ngã Ba Trung Lương [dường như còn có ga Tân Hiệp, ngoài hai ga chánh là Sài Gòn và Mỹ Tho].
Hàng ngày, xe lửa khởi hành tại ga Sài Gòn trước chợ Bến Thành lúc 5 giờ sáng, là chuyến sớm nhứt để hành khách, phần lớn là dân thầy chú đi làm việc ở Tân An, Mỹ Tho cho kịp giờ.
Buổi chiều, chuyến xe lửa chót khởi hành từ ga Mỹ Tho [vườn hoa Lạc Hồng cạnh bờ sông Tiền] lúc 7 giờ. Hành khách đi xe sớm từ Tân An, Mỹ Tho lên Sài Gòn phần đông là dân làm mướn, cu li vác lúa ở Chợ Lớn, phu thợ hồ, các bạn hàng buôn gánh bán bưng đem hàng bông lên bán ở chợ Sài Gòn.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image022
Ga xe lửa Sài Gòn (phía bên trái)

Từ khi con đường xe lửa thành hình, đời sống của dân quê dọc hai bên đường như Bình Ðiền, Bình Chánh, Gò Ðen, Bến Lức, Tân An, Tân Hương có nhiều thay đổi. Thuở đó, công chức từ Sài Gòn xuống Tân An làm việc và ngược lại, thường đi về mỗi ngày bằng xe lửa, chớ ít khi ở lại đến cuối tuần vì giá vé rất rẻ so với đồng lương kiếm được. Ban đầu mỗi ngày có 3 chuyến xe lửa từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, gọi là “xe lửa Le Myre de Vilers” là tên của viên Thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ. Xe nầy chạy cà rịch cà tang, mỗi ga mỗi ngừng, từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho 72 cây số mất hết 3 giờ. Ðầu xe lửa Le Myre de Vilers vừa chạy vừa khạc ra khói, hét ra lửa có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và Bến Lức [có lẽ vì hai ga Tân An và Bến Lức nằm gần dốc cầu]. Có nhiều lúc nó ì ạch vừa leo dốc lên đầu cầu Tân An, rồi tuột xuống cả trăm thước, rồi lấy trớn, máy nổ xình xịch như “xe hủ lô cán đường,” có khi đến vài ba lần như vậy, mới lên được cầu Tân An!
Lúc gần tới mỗi ga, xe lửa kéo còi báo hiệu cho hành khách biết để chuẩn bị. [Dọc theo con đường xe lửa, thỉnh thoảng có những đoạn đường phụ, dài chừng vài trăm mét và song song với đường chánh, để 2 chuyến xe lửa chạy ngược chiều tránh nhau. Có một đoạn nằm gần nhà thờ Tân An].

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image024
Xe lửa Le Myre de Vilers (Sài Gòn-Mỹ Tho)

Chiếc xe lửa mới thì khá hơn, không bị tuột dốc. Trên xe có 3 hạng ghế giá tiền khác nhau. Ghế hạng nhì bọc nệm da sạch sẽ, hạng ba cũng có nệm nhưng kém hơn, còn hạng tư là những băng cây dài theo thành xe. Ở giữa khoảng trống để hàng hóa, heo gà, trái cây. Xe nầy chạy được 40 km một giờ. Cầu sắt Tân An lúc hoàn thành (1886) cho đến năm 1920 chỉ dành cho xe lửa mà thôi… Trên cầu, về phía mặt trời mọc, có dành ra một khoảng trống, lót ván khít để bộ hành và xe kéo (do người kéo như ngựa). Tới đây tôi nhớ một câu chuyện khá buồn cười về cây cầu Tân An.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image026
Xe hủ lô

Truyện kể lại rằng, năm đó trước thế chiến thứ nhất. Có một bịnh nhân ở Tân An, mắc bệnh phong (cùi) tên Ðặng Văn Ký, bị chánh quyền địa phương sai một anh lính mã tà (cảnh sát) từ Tân An áp tải anh lên bịnh viện Chợ Quán bằng xe lửa. Khi xe lên giữa cầu Tân An, vào khoảng 4 giờ chiều, không biết buồn tủi phận mình ra sao, vì anh sống cũng làm khổ thêm cho gia đình, nên anh nhoài người ra ngoài toa xe nhảy xuống sông để tự tử… Anh té ùm xuống sông. Thấy bịnh nhân tự vận, anh lính mã tà hoảng hồn, liền co giò nhảy theo. Lạ lùng thế nào cả hai anh lọt tuốt xuống sông, nhờ mấy chiếc ghe chài đậu gần đó lội ra vớt, cứu được cả hai thoát chết… Nếu các nạn nhân nhảy nhằm các cây đà ngang lót trên cầu, thế nào cũng bị gẫy tay, bể đầu là phần chắc. Về sau, chính phủ mới cho lót ván trên cầu Tân An khít lại như ngày nay, để xe hơi Sài Gòn lục tỉnh qua lại dễ dàng, khỏi phải qua Bắc Tân An!

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image028
Ga xe lửa Mỹ Tho
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Wed Sep 05, 2012 8:11 pm

Gạo Cần Ðước, nước Ðồng Nai

Câu phương ngôn trên đã chứng tỏ rằng Cần Ðước đã từng nổi danh với một đặc sản: gạo thơm ngon, nổi tiếng khắp Gia Ðịnh. Cần Ðước là một quận mới của tỉnh Long An, thành lập dưới thời Ðệ nhị Cộng Hòa, nhưng địa danh Cần Ðước đã có từ lâu. Tìm hiểu về xuất xứ của hai chữ Cần Ðước, chúng tôi được nghe ba cách giải thích khác nhau.
Một số người quen thói dễ dãi cho rằng hồi xưa ở đây có rất nhiều cần đước, một loại cua đinh, hay ba ba, nên dân trong vùng đặt tên là Cần Ðước. Thuyết khác cắt nghĩa chữ Cần Ðước là do chữ Cần Ðức đọc trại ra, vì kiêng cử niên hiệu vua Tự Ðức! Ðiều nầy cũng giống như trường hợp của vài địa danh ở miền Nam như tiếng Thái Bình (trên cù lao Quới Thiện, và tên một quận ở Cà Mau) đều đổi làm Thới Bình vì kiêng cử niên hiệu vua Thành Thái! Nguồn tin thứ ba có vẻ xác tín hơn, do các nhà nghiên cứu cổ sử đưa ra. Ðó là học giả Louis Malleret, căn cứ vào một bản chép tay của Trương Vĩnh Ký, nhưng không nói rõ xuất xứ, theo đó, địa danh Cần Ðước là tiếng Chân Lạp, có lâu đời, người thổ dân ở đây ngày trước đọc là Kandok, ta mới phiên âm ra Cần Ðước!

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image030
Bắc Mỹ Lợi (Cần Ðước)

Cần Ðước, Rạch Kiến, Bình Chánh, Chợ Ðệm có lúc là ngoại ô của Sài Gòn, nhưng cũng có lúc thuộc tỉnh Chợ Lớn. Vùng lưu vực giữa hai sông Vàm Cỏ được khai thác rất sớm từ hồi cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Chẳng bao lâu, đất ấy thành thuộc, trở thành ruộng vườn trù phú, cùng với Gò Công, Mỹ Tho, Tân An trở thành vựa lúa của Gia Ðịnh. Hồi quân khởi nghĩa thất trận, nhiều gia đình bỏ nhà cửa chạy trốn qua các tỉnh miền Tây để lánh nạn. Trong khi đó, một thiểu số, thừa nước đục thả câu, trở thành tướng cướp như “Bà Nở, con gái Quản Xô,” nổi danh là nữ tặc ở Miễu Bần Quỳ, ghe xuồng đi qua đó đều khiếp sợ (“Chợ Ðệm Quê Tôi” của Nguyễn Văn Trấn).

Trong số lính Tagals (Philippines) chiến đấu trong hàng ngũ quân Pháp, nhiều kẻ không chịu về xứ, ở lại làm tướng cướp ăn hàng các ghe thương hồ và những nhà giàu ở miệt nầy.

Ðến thập niên 1940, có phong trào “nổi dậy ở Nam Kỳ” thất bại, nhiều tên đầu trộm đuôi cướp đi ăn hàng khắp nơi ở vùng Tân Nhựt, Tân Bửu, Cần Ðước…

Cần Ðước còn là nơi nổi tiếng về nghề đóng ghe chài. Ghe Cần Ðước được nổi tiếng khắp miền lục tỉnh, chở nặng, di chuyển chậm nhưng đầm, mũi quớt, cặp mắt lớn, lộ ra ngoài, màu đỏ sẫm, xách ngược lên như đôi mắt Quan Công. Theo lời người chủ trại ghe ở Cần Ðước cho biết nghề đóng ghe chài nầy do con cháu gia đình họ Trần quê ở Ðức Phổ vào lập nghiệp ở đây truyền lại từ đầu thế kỷ 19. Các kiểu ghe đóng ở Gia Ðịnh, Biên Hòa có sự khác biệt trong cách vẽ mắt ghe bằng màu đen và trắng trên nền đỏ. Mỗi năm, các trại đóng ghe Cần Ðước đều có tổ chức lễ cúng tổ nghề đóng ghe vào tháng 6 và tháng 12… Tháng 6 làm lễ cúng tổ khai sáng, và tháng 12 là lễ cúng tổ truyền nghề họ Trần. Dịp nầy, các trại ghe đều làm heo, gà để thợ thuyền ăn uống no say cũng như ngày giỗ ông bà… Một người chuyên đi ghe xuôi ngược đường miền Tây về Sài Gòn kể lại:
“Một lần nọ, chiếc ghe tôi chở lúa với hột vịt từ vàm Tham Nhiên về Miễu Bần Quỳ, thấy phía sau có một chiếc ghe trờ tới, lá buồm rách te tua. Tôi định giương buồm chạy đua với ghe nầy, nhưng người tài công ghe tôi có kinh nghiệm nói:
- Ðó là ghe Cần Ðước, ta chạy sao lại!
Quả nhiên, chiếc ghe đó chở cá, mắm còn khá nổi, chỉ hút tàn điếu thuốc đã vượt ngang ghe tôi, rồi bỏ luôn. Bọn bối Ba Cụm thấy ghe Cần Ðước cũng e dè, vì sự tích có lần một đoàn ghe Cần Ðước đi lên Biển Hồ trên Nam Vang, lúc đi ngang Tân Châu thì bị cướp. Anh em bên ghe Cần Ðước, biết chút võ nghệ, nhưng đoàn kết, liều mình chống trả, cứu cả đoàn ghe lục tỉnh. Trận đánh đó cả giới ghe thương hồ lục tỉnh đều nhắc nhở.”
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 7:34 am

Cần Giuộc, căn cứ địa của kháng chiến

Cần Giuộc, Thủ Thừa là 2 quận thành lập lâu đời nhứt của tỉnh Tân An, nổi tiếng về một đặc sản hay phương diện nào đó, nhờ nằm trên vị trí thuận lợi trên đường sông mà sớm trở thành những thị trấn phồn thịnh, mua bán sầm uất, nhưng không kéo dài lâu được vì con đường quốc lộ 4 đã thay thế các đường sông đó.
Thật vậy, Bến Lức ban đầu chỉ là một ngôi làng nhỏ nằm dưới chân cầu Bến Lức, vậy mà chỉ vài thập niên đã trở thành chỗ thị tứ nhờ vào con đường quốc lộ. Chính quốc lộ 4 là con đường huyết mạch trong việc thương mại, nhứt là trong những năm chiến tranh.
Ðịa danh Cần Giuộc là thổ ngữ của người Chân Lạp, chủ nhân ông vùng đồng bằng Nam Phần hồi 14 thế kỷ trước… Theo tài liệu của giáo sư khảo cổ học Louis Malleret dẫn lại của học giả Trương Vĩnh Ký thì Cần Giuộc do chữ Kantout, có nghĩa là cây chùm duột hay tầm ruột. Trong quyển sách cổ Ðại Nam Quốc Âm Tự có ghi là Cần Duột, chớ không phải Cần Giuộc như hiện nay. Trong tiếng Việt hiện đại, các chữ Cần Duột hay tầm duột đều không có nghĩa rõ ràng, điều đó cho phép chúng ta suy luận hai tiếng “Cần Giuộc” vay mượn từ thổ ngữ Chân Lạp, thủy tổ của người Khmer là có cơ sở hơn cả.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image032
Bắc Cần Giuộc

Hồi cuối thế kỷ nầy, khi người Pháp mới qua xâm lăng Nam Kỳ, Cần Giuộc, Cần Ðước, ngoài những giồng đất cao có người ở lưa thưa, phần còn lại là rừng ngập mặn quanh năm, đầy các loại cây đước, sú vẹt mọc đầy bít. Không phải ngẫu nhiên mà Cần Giuộc, Cần Ðước trở thành những căn cứ kháng chiến của nghĩa quân. Tuy là những nhà Nho, các lãnh tụ của những phong trào kháng chiến, cũng biết dựa vào yếu tố địa hình Cần Giuộc với phong cảnh hoang vu, sông rạch chằng chịt, nếu không phải là người địa phương, am hiểu địa thế không dễ gì xâm nhập được. Khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, Pháp mở rộng các cuộc ruồng bố ra vùng ngoại ô. Bây giờ, Cần Giuộc, Cần Ðước sẵn có nhiều lợi thế thiên nhiên, được các lãnh tụ nghĩa quân chọn làm nơi phục kích, xuất phát các cuộc tấn công quân Pháp lẻ tẻ. Bỏ đồn Chí Hòa, Trương Công Ðịnh lui về “đám lá tối trời” làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Ðối với Pháp, muốn bảo vệ an ninh cho khu vực Sài Gòn, Gia Ðịnh, họ phải thiết lập nhiều đồn bót rải rác từ Cầu Nổi, Cần Giuộc xuống Tân An, chiếm đóng theo vết dầu loang.
Ðêm 14/12/1861, nghĩa quân Cần Giuộc dưới quyền điều khiển của Tri huyện Ðỗ Trình Thoại và cai tổng Là (không nhớ tên) đánh úp đồn Cần Giuộc giết được một sĩ quan và mấy tên lính Pháp. Trong trận nầy, nghĩa quân hy sinh 27 người, trong số đó có người em út của Nguyễn Ðình Chiểu tên là Nguyễn Ðình Huân cũng bị tử trận. Sau đó, cảm kích chí khí của nghĩa quân, cụ Nguyễn Ðình Chiểu có làm bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,” được coi như một áng văn nôm có giá trị lịch sử, văn chương, gây xúc động cho tất cả dân chúng Nam Kỳ. Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” có những câu:
“Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn. Sống làm chi ở lính mã tà, bán rượu chát, phát bánh mì, nghe buồn càng thêm hổ?”
Hoặc:
“Trước đánh giặc, sau cũng đánh giặc, xin vong hồn theo giúp các cơ binh, nguyện trả thù. Sống nhờ vua, thác cũng nhờ vua, lời dụ đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó. Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thường vì hai chữ thiên dân. Cây nhang nghĩa sĩ đốt thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ”
Thực dân Pháp coi bài nầy là áng văn phản động cấm tích trữ, tuyên truyền. Ðây không những là áng văn nôm cực hay, lời lẽ cực đẹp, còn là bài hịch đề cao lòng yêu nước của sĩ phu, một chiến sĩ trên làng văn, trận bút.
Nhắc về cuộc đời của Nguyễn Ðình Chiểu sau khi khóc mẹ bị mù, trở thành phế nhân, cụ về mở trường dạy học ở Tân Hòa. Trong đám học trò, có một người quê ở Cần Giuộc vì cảm mến đức độ của ông thầy, nên yêu cầu cha mẹ gả em gái mình là Lê Thị Ðiền cho “Thầy Chiểu.”
Khi đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Ðình Chiểu theo đoàn người chạy loạn về quê vợ tại Cần Giuộc tỵ nạn. Giặc lại mở rộng khu tạm chiếm. Không khuất phục, không hợp tác, một lần nữa gia đình Nguyễn Ðình Chiểu từ bỏ Cần Giuộc chạy tuốt xuống Ba Tri, một vùng đất hẻo lánh, nằm cuối cù lao Bảo, nay thuộc tỉnh Bến Tre.
Cắt đất, đau lòng, hẳn phải đi,
Nghĩa tình Cần Giuộc, mến Ba Tri,
Tâm can vẫn nồng, thân già yếu,
Tái ngộ như là… biết mấy khi.

Ðất Cần Giuộc là nơi sản sinh nhiều hào kiệt. Dân Cần Guộc từng là nghĩa quân, nêu cao gương trung nghĩa, hết đợt nầy tới đợt khác, đứng lên chống lại kẻ thù chung. Khi các cuộc khởi nghĩa của Trương Công Ðịnh, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực bị dẹp tan rồi, vùng Cần Giuộc vẫn còn âm ỉ nhiều cuộc khởi nghĩa những năm sau đó.
Năm 1867, Phó đốc binh Bùi Duy Nhứt chiêu mộ sĩ dân Cần Giuộc lần nữa, nổi lên đánh phá nhiều đồn bót ở Chợ Lớn, bị Huỳnh Công Tấn đem binh xuống dẹp ròng rã hai năm mới yên.
Ðến năm 1870, nghĩa quân Phước Lộc (Cần Giuộc) lại nổi dậy, bị Tổng đốc Lộc đem quân ruồng bố trong các lùm bụi, khiến nai, heo rừng phải chạy tán loạn!
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 7:39 am

Dòng họ Nguyễn Cửu mở mang đất Tân An

Nói đến việc khai phá, khẩn hoang miền Nam người ta thường chỉ nhắc tới công trạng của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đã có công lập ra hai huyện Phước Long và Tân Bình, cũng như Thoại Ngọc Hầu khai phá miền Châu Ðốc, Hậu Giang, chớ ít ai biết đến công nghiệp của dòng họ Nguyễn Cửu mấy thế hệ tiếp tục gìn giữ và khai phá đất Tân An, lập đồn lũy, đào sông ngòi, biến vùng đất hoang Tân An trở thành trù phú.
Năm 1705, ở bên Miên có loạn vì quân Xiêm kéo qua xâm lấn khiến Miên hoàng cho người sang cầu cứu với chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Chu sai Cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân đánh dẹp. Khi trở về, Nguyễn Cửu Vân cho đóng quân ở bờ sông Vũng Gù, tức Tân An ngày nay. Thời gian rảnh rỗi việc quân, Nguyễn Cửu Vân tổ chức công việc quốc phòng, đào hào, đấp lũy, lập đồn điền, mở mang kinh tế. Ðầu tiên, Nguyễn Cửu Vân cho đấp lũy từ quận An Cai đến chợ Phú Lương (tức từ Tân An đến chợ Bến Tranh ngày nay). Song song với lũy nầy, Nguyễn Cửu Vân cho đào hào sâu nối tiếp đến chợ Mỹ Tho, và hào nầy trở thành một con sông nhỏ, đến mùa nước ghe xuồng mới đi lại được. Sông nầy lâu ngày bị phù sa lấp cạn dần, vì khúc giữa có giáp nước.
Những năm mới lên ngôi, do nhu cầu vận chuyển thơ từ và công văn phải qua lại, nên vào năm 1818, vua Gia Long sai Trấn thủ Ðịnh Tường là Lê Văn Phong cho đào sâu và rộng thêm con rạch Bến Tranh cho đến phía trước cù lao Rồng Mỹ Tho, đặt tên là Bảo Ðịnh Hà. Ðến năm 1825, sông nầy đổi làm sông Trí Trường.
Mấy chục năm sau, phù sa từ hai đầu Tiền Giang và Vũng Gù dồn lại, nên sông bị cạn. Pháp chiếm Nam Kỳ, cho vét lại Bảo Ðịnh Hà để chở công văn và thơ từ liên lạc từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn, nên chúng gọi là Arroyo de poste hay kinh Bưu chính.
Một công trình giao thông tiện lợi khác là kinh đào Thủ Thừa, nối liền hai sông Vàm Cỏ. Nhờ kinh Thủ Thừa, ghe xuồng từ Tân An theo sông Bến Lức đến Ba Cụm, rồi ra sông Bình Ðiền để lên Chợ Lớn.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image034
Rạch Bảo Ðịnh

Kế tục sự nghiệp phòng thủ và mở mang của cha, Nguyễn Cửu Ðàm cũng là một nhà quân sự có tài, và một nhà kinh tế nhìn xa hiểu rộng.
Năm 1731, giặc Miên gọi là Xà-Tót (Prea Sot) đóng ở Banam, tự xưng được “Thiên ứng” nổi lên khích động quần chúng chém giết đồng bào người Việt từ biên giới xuống tới Sài Gòn. Ðể đối phó, chúa Nguyễn sai Ðiều khiển Trương Vĩnh Phúc đem quân chận đánh ở phía nam Sài Gòn. Cai cơ Ðạt Thành được lịnh mang quân xuống Bến Lức tiếp cứu, nhưng bị giặc giết chết. Sau đó Cai đội Nguyễn Cửu Triêm (con Nguyễn Cửu Vân) đem quân tới kịp thời đuổi giặc Xà-Tót về Vũng Gù. Ở đây, giặc lại thua to chạy về Hốc Môn, bị Trần Ðại Ðịnh, con Trần Thượng Xuyên và rể Mạc Cửu đánh tan rã ở 18 thôn vườn trầu. Sau đó Nguyễn Cửu Ðàm lo phòng bị Sài Gòn để khai thác kinh tế.
Công trình quốc phòng có ý nghĩa nhứt của Nguyễn Cửu Ðàm là xây dựng lũy Bán Bích chạy từ chùa Cây Mai qua đồng Tập Trận, theo rạch Nhiêu Lộc (Phú Nhuận) vòng qua Thị Nghè, và chấm dứt ở cầu Cao Miên, sau đổi là Cầu Bông.
Mùa thu năm 1772, Nguyễn Cửu Ðàm cho đào kinh Ruột Ngựa, nối liền Rạch Cát với kinh Lò Gốm, giúp cho ghe thuyền từ miền Tây lên xuống Chợ Lớn dễ dàng. Ba năm sau, Nguyễn Cửu Ðàm cùng Tống Phước Hiệp, Nguyễn Khoa Thuyên đem quân lấy Bình Thuận, Diên Khánh lập thêm nhiều chiến công. Có tài liệu nói rằng địa danh Thị Nghè, tức bà nghè, con của Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân, người xuất tiền bạc xây cầu qua sông nầy cho chồng bà đi làm hàng ngày trong thành Phiên An. Tuy nhiên, tài liệu nầy chưa được kiểm chứng.
Sự nghiệp quốc phòng và khẩn hoang của dòng họ Nguyễn Cửu buổi đầu thật gian khổ. Ngày nay, đồng bào Tân An, con cháu của những người tiền phong khi xưa, nhờ đến công lao của họ không khỏi bâng khuâng ngậm ngùi!
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 8:01 am

Theo dấu người xưa

Ngày nay, chúng ta thừa hưởng cái di sản văn hóa và vật chất của tiền nhân, không biết có mấy ai còn nhớ đến những người vô danh,những bậc khai quốc công thần đã đổ mồ hôi,xương máu để làm cho đất nước nầy được thêm màu mỡ, sung túc, ấm no?
Cứ mỗi lần ta đi ghe trên sông Vàm Cỏ trong những đêm khuya tịch mịch, hoặc ngồi xe chạy đường dài trên quốc lộ 4, chắc ít ai chạnh lòng nhớ ơn người đã khuất. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Thấy sông Bến Lức, ta nghĩ ngay đến chiến công đốt tàu Pháp trên vàm Nhựt Tảo của anh hùng dân chài Nguyễn Văn Lịch (Nguyễn Trung Trực). Về ngang làng Khánh Hậu, hành hương thăm lăng Nguyễn Huỳnh Ðức, bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn ở phương Nam, rồi mơ màng nhớ đến truyện xưa tích cũ của sông Xá Hương, Miễu Bần Quỳ… đâu đâu cũng nhắc cho chúng ta câu “uống nước nhớ nguồn.” Tân An cũng hãnh diện là một trong những tỉnh cố cựu của Nam Kỳ, dồi dào di tích và danh nhân lịch sử không kém bất cứ tỉnh nào, nhưng vì sự sưu tầm và hiểu biết của người viết có giới hạn, nên chúng tôi chỉ xin cống hiến độc giả một vài mẩu chuyện về đất nước và con người Tân An mà thôi.

Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Ðức

Hoàn cảnh đất nước chiến tranh ở miền Nam hồi cuối thế kỷ 19, giữa Nguyễn Ánh và anh em Tây Sơn, đã tạo ra một môi trường đặc biệt cho những người nông dân ít học, nhờ sức khỏe, mưu trí và lòng trung nghĩa, lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhà Nguyễn trung hưng được là nhờ các hổ tướng miền Nam như Nguyễn Huỳnh Ðức, Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu…
Trước năm 1975, tôi có lần được một người bạn đồng nghiệp hướng dẫn đi thăm lăng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Ðức tại làng Khánh Hậu, tỉnh Long An. Bạn tôi là giáo sư chủ nhiệm môn giáo dục cộng đồng tại “Trung tâm Giáo dục Căn bản Long An.” Anh cho biết xã Khánh Hậu được chọn làm thí điểm để các giáo sinh thực tập, cho nên anh có dịp hướng dẫn giáo sinh vào làng gần như hàng bữa. Anh quen biết hầu hết các gia đình ở đây, thuộc lòng từng con lộ, cái ngã ba, khúc sông cạn… Và nhứt là con đường từ ngoài quốc lộ dẫn vào lăng và nhà thờ của Nguyễn Huỳnh Ðức…

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image036
Cổng lăng Nguyễn Huỳnh Ðức ở đầu lộ dương

Lần đó ghé thăm anh vào cuối tuần, được anh đưa vào thăm lăng. Con đường đá đỏ khô ráo chạy thẳng vào lăng. Ðầu con đường có cổng làm bằng gạch với chữ: “Lăng Nguyễn Huỳnh Ðức,” mới trùng tu, chớ trước kia theo lời anh kể lại, trước cổng vào có hàng chữ Pháp: “Tombeau du Maréchal Ðức.” Ði vừa mút con đường thì tới khu lăng và nhà thờ nằm phía tay phải. Cảnh vật hoang phế khiến du khách ngậm ngùi, hồi tưởng đến công nghiệp người xưa.
Ngôi nhà thờ kiểu cổ, ba gian, cất trên nền cao, mái lợp ngói âm dương, đầy rong rêu, mục nát. Nơi đây cũng chính là chỗ ngôi nhà lúc Nguyễn Huỳnh Ðức còn hàn vi, chưa ra phò chúa Nguyễn Ánh. Xung quanh nhà lá vách ván (vách bổ kho) đã mục nhiều vì mối mọt, xa hơn là khu vườn trồng cau, dừa.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image038
Lăng Nguyễn Huỳnh Ðức

Vừa bước vào cổng, gặp ngay hương án thờ ở gian giữa, có treo bức chân dung Nguyễn Huỳnh Ðức mặc phẩm phục đại triều. Theo lời người cháu 5 đời của Nguyễn Huỳnh Ðức là Nguyễn Huỳnh Tấn cho biết, thì bức hình đó được họa sĩ Nguyễn Văn Vẹn ở Củ Chi thành tâm tưởng tượng vẽ ra vào năm 1942, để cúng vào đền thờ nhân dịp lễ cúng tổ chức rầm rộ năm đó.
Sau bàn hướng án, có một bộ ván rất quý bằng danh mộc, dài 3 mét, rộng 2 mét, bề dày mỗi tấm ván 2 tấc. Theo lời người nhà, đây là chỗ ngài thường ra nằm nghỉ ở đây. Mãi sau khi ngài mất rất lâu, không ai dám lên ngồi sợ thất kính, bị ngài quở phạt. Nghe nói hồi mấy năm trước “chiến tranh” [chữ của BBT] ở Nam Kỳ, trên bộ ván có bày biện gối, tráp, hòm sắt, nhưng sau đó bị phá hoại hết. Phía trên gian giữa có bức hoành phi viết mấy chữ “Vạn lý danh,” và nhiều câu đối chữ Hán, nay vẫn còn. Chúng tôi xin ghi lại vài câu tiêu biểu:
Bắc Nam, tam tổng trấn, vạn lý binh quyền,
Tiền hữu lưỡng tướng quân, lục sư soái lĩnh.

Tạm dịch:
Mấy thứ đôi đạo hữu, tiền, cầm lục quân ở ngôi thượng tướng,
Ba phen hai miền Nam Bắc, hàng muôn dậm nắm giữ binh quyền.

Phía ngoài nhà thờ, cách một cái sân, có tiểu đình, nghe nói, lúc trước chỗ nầy để cái đòn khiêng võng của ngài Hữu quân và một lá cờ.
Trong nhà thờ, có cái khánh đồng cổ rất quý, gần 200 năm, là một cổ vật có giá trị lịch sử, bị […] lấy đi trong “tuần lễ vàng” hồi năm 1945! Nhìn ngôi nhà thờ hoang vắng tiêu điều, ngắm cảnh lăng mộ sụp đổ, rêu phong nhiều năm không tu bổ, khiến du khách ngậm ngùi, bồi hồi tưởng đến người xưa với thời oanh liệt.
Lúc hàn vi, Nguyễn Huỳnh Ðức là một nông dân chất phác, tên thật là Hoàng Tường Ðức, sinh tại làng Trường Khánh, huyện Kiến Hưng, phủ Tân An, trấn Ðịnh Tường, nay là làng Khánh Hậu, quận châu thành, tỉnh Long An. Nội tổ ông là Huỳnh Công Nhu (miền Nam đọc là Hoàng) có mặt trong đoàn người nam tiến do Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ vô khẩn đất Ðồng Nai. Viễn tổ ông làm một chức quan nhỏ dưới triều Hậu Lê, đến đời thân phụ ông là Huỳnh Công Lương, đã thành người chủ điền nhỏ tại làng Trường Khánh. Năm 30 tuổi, Hoàng Tường Ðức gia nhập đội quân Ðông Sơn (ý nghĩa chữ Ðông Sơn là chống lại Tây Sơn) của Ðỗ Thành Nhân giúp Nguyễn Ánh. Năm 1782, Hoàng Tường Ðức đã phò chúa Nguyễn Ánh thoát hiểm trong một cuộc bao vây của quân Tây Sơn gần Bến Lức. Biến cố đó giúp Ðức được chúa Nguyễn Ánh tin dùng, cho được kề cận bên mình, và đổi họ thành Nguyễn Huỳnh Ðức (có chỗ đọc là Nguyễn Hoàng Ðức). Năm sau, Nguyễn Ánh đại bại lần nữa, nhiều tướng tá tâm phúc bị Nguyễn Huệ bắt sống, trong đó có Nguyễn Huỳnh Ðức. Về với Tây Sơn, Nguyễn Huệ lấy lễ đãi Ðức để dụ hàng, nhưng ông một mực từ chối. Huệ cũng không nài ép, dầu có người xúi giục giết đi, nhưng Huệ vốn trọng nhân tài trung nghĩa, không nỡ giết.
Về sau, nhân một lúc Huệ bận rộn không để ý, Nguyễn Huỳnh Ðức trốn về với Ánh, và băng rừng lội suối qua tận bên Xiêm để gặp Ánh. Chứng tỏ được lòng trung nghĩa lần thứ hai, Ánh phong cho Ðức làm Khâm sai Chưởng cơ.Năm đó, Ðức nhận Lê Văn Duyệt làm nghĩa tử,rèn tập, huấn luyện cho Duyệt trở thành một tướng tả quân xuất sắc.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, Nguyễn Huỳnh Ðức được thưởng công, lần lượt giữ chức Trấn thủ Bình Ðịnh, Tổng trấn Bắc thành thay cho Nguyễn Văn Thành, và làm Tổng trấn Gia Ðịnh thành thay cho Lê Văn Duyệt giữa hai nhiệm kỳ, gia phong tước Kiến xương Quận công. Ngoài tư cách là một bậc trung hưng công thần, Nguyễn Huỳnh Ðức được Gia Long đối đãi như thân tộc. Ông làm sui với vua Gia Long vì có hai người con cưới con gái Gia Long:
- Nguyễn Huỳnh Toán lấy công chúa Thái Bình Ngọc Châu, con gái thứ năm của vua Gia Long, được phong làm Phiêu kỵ Vệ úy.
- Nguyễn Huỳnh Thành lấy công chúa Ðịnh Hóa Ngọc Cơ, và được phong chức Khinh kỵ Vệ úy.
Ngoài ra, Nguyễn Huỳnh Ðức còn hai người con trai khác giữ chức vụ quan trọng, bảo vệ triều đình là:
- Nguyễn Huỳnh Nhiên làm Trung quân phó Vệ úy.
- Nguyễn Huỳnh Thỏa làm Tiền phong phó Vệ úy.
Nguyễn Huỳnh Ðức mất ngày mùng 9/9/1819,thọ 72 tuổi, được truy tặng Thượng tướng quân, Thái phó quận công, bài vị được thờ ở Thái miếu. Tang lễ được cử hành long trọng tại làng Trường Khánh, có Trấn thủ Ðịnh Tường đến làm chủ tế.

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image040
Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Ðức

Nhắc đến sự hiển linh của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Ðức, chúng tôi được nghe người cháu kể lại:
“Nguyên bộ ván ngựa là chỗ ngài Nguyễn Huỳnh Ðức thường ra nằm nghỉ, hiện còn giữ tại từ đường, là chỗ rất linh thiêng, để dọn cỗ cúng kiến, chớ không ai dám đến nằm ngồi, sợ ngài quở phạt.
Năm 1880, trong một cuộc ruồng bố dẹp những cuộc khởi nghĩa của hai lãnh tụ Ông và Khả ở vùng Tân An, Bến Tranh bây giờ, Tổng đốc Trần Bá Lộc là kẻ đắc thời, hống hách, lại là người có đạo Thiên chúa, không tin quỷ thần, nên bắt dân lùa vào chỗ từ đường của Nguyễn Huỳnh Ðức để tra khảo. Cử chỉ nghinh ngang, thái độ xấc láo, Lộc ung dung ngồi lên bộ ván của ngài Tiền quân, chễm chệ coi như chỗ không người, trong lúc đó, hậu duệ của Ngài kéo ra lạy Lộc một cách khúm núm. Ðang ngồi trên [ván] ngựa, bỗng Lộc cảm thấy xây xẩm mặt mày, rồi té ngay xuống đất, khiến ai nấy thất kinh. Hoảng hồn, bọn lính hầu bèn xúm nhau khiêng Lộc đến nằm trên bộ ván khác kế bên. Một lát sau, hồi tỉnh lại, Lộc thuật lại cho biết rằng lúc nãy ông cảm thấy bọn lính hầu quan Tiền quân vâng lịnh Ngài bắt ta đem chém, nên ta thất kinh. Bọn lính xúm lại trói tay, Lộc vùng vẫy nên mới té xuống đất, bất tỉnh nhân sự. Sau đó, Lộc tâm sự với người hầu cận: ‘Từ trước một tay ta đánh Nam, dẹp Bắc chẳng kiêng nể ai, giết giặc như chém chuối, mà đến đây lần đầu tiên, ta phải kính sợ bộ ván của ngài Tiền quân Nguyễn Huỳnh Ðức.’ Sau đó, Lộc cho làm lễ cúng để tạ tội.”

Trên đường trở ra quốc lộ, bạn tôi chỉ một ngôi mộ kỳ dị, hình khối chữ nhựt dựng đứng, nằm về phía tay phải của hương lộ và nói đây là “ngôi mả trời trồng,” có sự tích như sau:
Người bị chôn đứng dưới mả nầy là một đứa con bất hiếu. Nó có nuôi một con gà nòi để đá ăn tiền, thường thả lan, bươi phá các liếp rau cải của bà mẹ trồng trước sân. Một buổi chiều đi ruộng về, hắn thấy con gà nòi bị què, hắn mới hỏi ai đã đập con gà thì bà mẹ nói: “lúc nãy nó bươi phá, mẹ lỡ dùng khúc củi phang trúng làm cho nó què.”
Tức giận, không nể tình mẫu tử tên phản phúc ấy vô nhà lấy cây dao dùng để xắt chuối cho heo ăn, rượt mẹ định chém. Thình lình, bầu trời vần vũ. Một tiếng sét kinh hồn, tiếp theo nhiều lần chớp, khiến đứa con bất hiếu đứng yên lặng giữa sân, không nhúc nhít, hai mắt trợn dọc.
Lối xóm không ai dám can thiệp. Sau đó, người con bị trời đánh chết trong thế đứng, tay vẫn còn cầm dao. Dân chúng lối xóm chạy lại, nghe kể lại chuyện rồi cứ để y nguyên như vậy mà chôn hắn. Rồi họ chung góp tiền để làm mả hình chữ nhựt như ngày nay để làm gương cho hậu thế.
Ngày nay, khách ngồi xe đò xuôi ngược miền Tây, qua làng Khánh Hậu, vừa khỏi “Trung tâm Giáo dục Căn bản” thường được khách đồng hành, hoặc lơ xe chỉ cho xem “ngôi mộ trời trồng.” Âu cũng là một tấm gương để những đứa con ăn ở bất hiếu với cha mẹ thấy.

Ông Hóng Phan Văn Nghêu,nhà giàu nhứt miền Nam hồi thế kỷ 18


Ông Hóng là một cự phú của miền Nam, người đồng thời với Nguyễn Huỳnh Ðức, cũng là người Tân An. Dân chúng quanh vùng Tiền Giang thường nghe người lớn tuổi nhắc tới câu: “Giàu không bằng cục c… của ông Hóng,” để chê bai những kẻ vừa có chút tiền đã lên mặt làm sang. Người Nam Kỳ thường truyền tụng câu phương ngữ: “Nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Ðịnh,” nhưng theo nhiều vị ở đây nói rằng, sự nghiệp của 4 ông nầy nhập lại cũng chưa bằng một phần của ông Hóng.
Trong lúc bôn ba lánh nạn ở miền Ðồng Nai, Gia Ðịnh, có lần Nguyễn Ánh từ Long Xuyên kéo quân về, đến Tân An hết lương, binh sĩ đói. Ánh có cho người đến xin ông Hóng “cho binh sĩ một bữa cháo” để ăn đỡ đói. Chẳng những ông Hóng cho ngả bò heo, nấu hàng trăm chảo đụn cơm để đãi cho cả ngàn người, mà sau đó, còn cho đào một con kinh để ghe lường chở lương thực ra giúp chúa Nguyễn Ánh. Ngày nay con kinh ấy vẫn còn và được gọi là “kinh ông Hóng.”
Cũng giống như trường hợp ông Trần Văn Hạc ở Cái Mít, Sơn Ðốc, Bến Tre và ông Nguyễn Văn Hậu ở Hồi Oa (Nước Xoáy) thuộc Sa Ðéc, ông Hóng giúp chúa Nguyễn Ánh mà không bao giờ trông mong một ân huệ gì. Ðến khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua rồi, nhớ ông Hóng, có vời ông ra Huế để ông trò chuyện, phong quan chức, nhưng ông Hóng từ chối, viện tuổi già sức yếu. (Xem thêm Nam Kỳ Lục Tỉnh I, II cùng tác giả, do nhà xuất bản Văn Hóa phát hành).
Tình cờ tôi đọc một cuốn báo cũ, có nhắc đến một bài của ông Khuông Việt thuật lại việc đi tầm sự tích ông Hóng ở Tân An, trên Tuần báo Nam Kỳ năm 1943, có đoạn như sau:
“…Rời làng Khánh Hậu, chúng tôi ghé tỉnh lỵ Tân An nghỉ vài giờ, rồi qua bến đò Chú Tiết tại vàm Châu Phê, trên sông Vũng Gù (Vàm Cỏ Tây) đặng đi viếng mộ địa ông Hóng. Cái tên riêng “ông Hóng” có lẽ do người đồng thời đặt ra, ngụ ý vì tiền bạc của ông nhiều không thể đếm được, chẳng khác nào mồ hóng (một thứ khói bụi đen đóng trên giàn bếp).
Ông Hóng tên thật là Phan Văn Nghêu, gốc người miền Trung, vào Ðồng Nai khai khẩn đất hoang, làm ăn phát đạt, trở thành một tay cự phú trong vùng. Tới làng Bình Lãng, băng ruộng độ 500 m vào ấp Ðịnh Hòa, chúng tôi gặp một người trai vạm vỡ, đầu trần, quấn [khăn] vằn, đang cuốc đất lên giồng một khoảng đất rộng không hơn trăm thước vuông và trên đó có 4 ngôi mộ cổ. Hỏi ra thì đó là ông Phan Văn Chơi, cháu 5 đời của ông Hóng.
Ông Chơi vui vẻ dẫn chúng tôi đi xem mộ. Bốn ngôi mộ bằng nhau, đều xây theo kiểu thuộc đời Gia Long, hình mái nhà. Trên hai ngôi mộ của bà và ông Hóng còn lưu lại nét nổi lờ mờ những hình con cù, con phụng.
Phía trước mộ có bình phong, hồ bán nguyệt, và phía sau có vòng tường thấp bao tròn ba mặt. Hai ngôi mộ kia thuộc hai người con. Một ngôi lại nứt nẻ đến nỗi lòi cả hòm ra ngoài!
Cảnh tang thương của toán mộ bia không những thấy rõ với cỏ cây lan mọc, nước đọng vũng sâu, mà cả những sứt mẻ của vôi, gạch bể nát của đá ong. Hoang phế thật là hoàn toàn hoang phế.
Nơi an giấc nghìn thu của một đại gia đình phú hộ vào bực nhứt nhì Gia Ðịnh xưa, có thể thế này được ư? Sao không, khi chúng tôi nhìn lại ông Phan Văn Chơi hiện diện tay lấm chơn bùn, đầu bù tóc rối, cực nhọc, vất vả suốt ngày để kiếm miếng ăn cho bầy con thơ ba đứa. Ông Chơi mời chúng tôi vào nhà ông cách mộ địa vài trăm thước. Một gian nhà lá trống trước, trống sau, càng chỉ rõ cái nghèo hiện tại của một họ mà tiền của trước kia đã nuôi nổi một đạo binh, giúp nổi một ông vua phục nghiệp. Nghèo thật là nghèo, nhưng giữa nhà, còn trang nghiêm một cái bàn thờ, trên có tấm biển khắc hai chữ “Thọ Dân” của vua Minh Mạng ban.
Ông Chơi thanh đạm, đãi chúng tôi giải khát bằng nước dừa tươi và thuật cho chúng tôi nghe gia thế của ông. Theo ông thì một phần lớn điền sản họ Phan đã bán cho ông Huyện Sĩ, và hiện nay, ở về hai làng Hòa Ái, Huê Mỹ Thạnh (Tân An), còn nhiều ruộng công điền, mà trong bộ lại ghi tên bá hộ Phan Văn Nghị, cháu nội ông Hóng. Ông Chơi không hiểu vì sao có chuyện éo le như thế?
Rồi không nệ thất công, ông mời chúng tôi đi xem ngôi đình làng Bình Lãng, nhờ tiền của ông Hóng mà dựng nên. Ngôi đình đã hư nhiều. Bên trong còn một cặp hạc rất cổ và một cái hương án chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng, có chữ khắc là do Phó thủy sư Ðô đốc Võ Văn Liêm (?) cùng…”


TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image042
Bến đò Nhựt Ninh

Một tài liệu khác do ông Ðào Văn Hội thuật lại, nói rằng:
“Ðây là đoạn tiểu sử ông Hóng do ngoại tổ chúng tôi thuật lại, và có lẽ ông Khuông Việt chưa được biết. Ông Hóng là một dân cày của một địa chủ ở Tân An. Dầm mưa, dãi nắng làm việc cực nhọc năm bảy mùa, ông Hóng dành dụm được một số tiền nhỏ, ông điền chủ cho cất nhà ra riêng ở, và cho ông mướn một miếng ruộng mà làm. Ông Hóng mới dọn một cái nền trống vườn của chủ, dựng lên 4 cây cột. Ðêm khuya, ông điền chủ ra vườn, bỗng thấy trên 4 đầu cột có 4 cây đèn sáp to tướng đang cháy sáng trưng. Vừa ngạc nhiên, vừa tức giận, ông điền chủ bảo ông Hóng ăn xài lớn lãng phí, mới kêu ông Hóng đến rầy. Thì ông này cũng ngạc nhiên không kém chủ, vì ông không có mua mấy cây đèn sáp bao giờ, vả lại, ông có tiền đâu mà mua!
Ông điền chủ vô nhà bàn với vợ rằng “đèn ấy là đèn trời,” ông Hóng sẽ giàu không ai sánh kịp, và gia tài sự sản của hai ông bà sẽ về tay ông Hóng. Mấy lời tiên đoán ấy quả ứng hiện.
Ông Hóng làm ruộng năm nào cũng trúng mùa lớn, còn ông chủ điền lại thất bại, nên lần lần ông mua hết gia viên, điền sản của chủ cũ.
Trong lúc chúa Nguyễn Ánh còn bôn đào, một hôm chiến thuyền của Ngài đến đậu tại sông Vàm Cỏ, nơi tỉnh lỵ Tân An bây giờ. Nghe tin ông Hóng là người hào hiệp, Ngài sai quân hầu cận đến “mượn một bữa cháo.” Từ đó, ông Hóng cho đào kinh chở lúa giúp Nguyễn Ánh luôn 3 tháng, kinh đó từ làng Bình Lãng thông với sông Vàm Cỏ, và dân chúng quen gọi là “kinh ông Hóng.” Ở đây hồi trước người ta thường hát ru em:
Ba phen quạ nói với diều,
Ngả kinh ông Hóng có nhiều vịt con.”

Sau đây là vài giai thoại của ông Ðào Văn Hội thuật lại:
“Một buổi mai, đầu trùm khăn, tay xách gậy, ông Hóng đi rảo trong xóm làng, gặp một chòi lá, tình cờ bước vô, thấy anh nông phu ngồi ủ rủ, con anh rách rưới, đói khát khóc kêu. Anh nói năm rồi thất mùa, cặp trâu lại chết, mấy con vịt tơ bán để chạy thuốc cho vợ hết rồi.
Ðộng lòng trắc ẩn, ông cho anh ta mượn 10 lượng bạc để mua lúa giống, mướn trâu làm mùa, và thuốc thang cho vợ, năm sau sẽ trả lại cho ông.
Năm sau, đúng ngày giờ, ông Hóng trở lại thăm viếng gia đình anh nông phu kia. Thì vui thay, nhà anh mới lợp lại, trong bồ lúa được vài thiên, còn anh quần áo sạch sẽ, bầy gà bươi gốc rơm, vài con heo đi núc ních. Vợ chồng và mấy đứa con anh quỳ lạy tạ ơn và trả số bạc cho ông. Ông cười, phủ ủy đôi lời và tặng luôn anh nông phu số bạc ấy, bảo có cần dùng gì ông sẵn sàng giúp thêm cho.
Có khi ông gặp người lãng tử, không lo làm ăn, thừa dịp có tiền ông cho mượn, cờ bạc rượu chè. Ông nổi giận, hươi gậy đập chết anh ấy đi, rồi sai gia nhân vác tiền đến thường mạng cho thân nhân người đó.
Tiền của ông quá nhiều không biết làm gì cho hết, ông xúc đổ đầy một ghe lường tiền kẽm, mổ bụng một tên mọi (tục bán mọi lúc ấy hãy còn), móc ruột gan ra, dồn tiền may lại, để thây tên mọi xuống ghe, rồi nhận chìm chiếc ghe trong kinh ông Hóng. Những đêm trời trong, trăng tỏ, nước lớn đầy kinh, thợ chài gặp anh mọi chèo thuyền lên xuống trong kinh. Thợ chài hỏi gì, hồn anh mọi lắc đầu mà thôi. Cập thuyền lại, thợ chài hốt một nắm tiền trong tay, thì tiền nát ra như cám. Buông chiếc thuyền ra, thuyền trôi theo dòng nước một hồi rồi tan mất trong sương mù. Phải chăng ông Hóng giàu mà ít tu nhân tích đức, giết người vô tội quá nhiều, tạo thành “nghiệp ác rất nặng,” nên gia sản chẳng còn lâu dài cho con cháu? Nhiều người còn kể lại rằng, đến khi chết, người nhà còn cho giết 4 người mọi làm tôi tớ để hầu hạ ông bên kia thế giới.”

Anh hùng dân chài đốt tàu Tây

Nói tới Tân An, người miền Nam không bao giờ quên được chiến công của người anh hùng dân chài Nguyễn Văn Lịch, tự Nguyễn Trung Trực, đốt chiếc tàu Tây tên “Hảo Vọng” (Espérance). Năm 1860, giặc Pháp chiếm Gia Ðịnh, rồi mở cuộc ruồng bố lan ra các vùng lân cận. Hưởng ứng phong trào kêu gọi kháng chiến, Nguyễn Văn Lịch mộ nghĩa quân chiếm giữ một vùng rộng lớn chạy dài qua các làng Nhựt Tảo, Bến Lức, Thủ Thừa đến Cần Giuộc.
Vùng này có nhiều sông rạch, Pháp thường cho những chiếc tàu nhỏ tuần tiểu, truy kích nghĩa quân. Biết được thói quen có nhiều chiếc tàu thường đi lẻ tẻ và đậu những chỗ nhứt định, Nguyễn Văn Lịch bày mưu đốt tàu.
Tháng 6/1861, Nguyễn Trung Trực đem quân tấn công đồn bót lẻ tẻ nhiều nơi như Bến Lức, Thủ Thừa. Phản ứng lại, Pháp đưa chiến hạm Espérance thường xuyên đậu tại vàm Nhựt Tảo, một nhánh sông của sông Bến Lức, thuộc xã Bình Trinh, nên Nguyễn Trung Trực bàn với các bộ hạ chận đánh một cách bất ngờ. Lúc đó vào tháng 12/1861, Ðại úy Parfait đang chỉ huy mấy chiếc tàu tuần trên sông Vàm Cỏ thường xuyên. Nguyễn Trung Trực giả làm đám cưới, chở độ 30 nghĩa quân đi trên hai chiếc ghe, vừa ăn mặc giả dạng đàn bà phụ nữ. Chiếc Espérance đang án ngữ trước vàm Nhựt Tảo làm trạm kiểm soát, kêu đám cưới đến trình giấy. Lúc đó, vào giữa trưa, binh lính trên tàu còn ngủ, chỉ có tên thông ngôn người Việt hỏi giấy tờ mà thôi. Khi 2 chiếc ghe vừa cập sát hông tàu, nghĩa quân tay cầm mã tấu xông lên, đâm liền mấy tên lính Pháp. Bị tấn công bất ngờ, lính Pháp rối loạn, không kịp chống đỡ. Một số chết tại trận, một số bị thương, còn mấy tên nhanh chân nhảy ùm xuống sông bơi vào lùm bụi để trốn. Liền đó, nghĩa quân lấy rơm giấu sẵn dưới ghe chất lên tàu Espérance đốt liền, khiến có mấy tên bị thương phải chết cháy vì chạy không kịp. Hành động chớp nhoáng, nghĩa quân rút lui đi thì quân tiếp viện tới. Có 3 tên lính Pháp trốn trong bụi rậm lội ra kêu tiếp cứu.
Trước chiến công của người anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực, nhà thơ Phan Văn Trị (?) có làm hai câu đối:
Hỏa hồng Nhựt Tảo, oanh thiên địa,
Kiếm bạc Kiên Giang, khấp quỷ thần.

Cuộc kháng chiến của Nguyễn Trung Trực còn kéo dài nhiều năm qua các tỉnh Hà Tiên, Rạch Giá và Phú Quốc, nhưng chúng tôi muốn dành cho một bài khác. Cụ Huỳnh Mẫn Ðạt, Tuần vũ Hà Tiên, treo ấn từ quan khi giặc Pháp đến, đã nghẹn ngào thương khóc anh hùng Nguyễn Trung Trực:
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ,
Tu sát đê đầu vị tử thần.
(Anh hùng cứng cổ, danh thơm mãi,
Còn sống mình đây nghĩ thẹn thùng!)
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 5:26 pm

Tân An và trận bão lụt năm Thìn 1904

Những người già cả ở miền Nam thường có một ấn tượng sâu đậm, một kỷ niệm về trận bão năm Giáp Thìn 1904. Ðó là một trận bão lớn nhứt của thế kỷ 20, thiệt hại toàn thể Nam Kỳ, mà cả nhiều tỉnh miền Trung cũng thiệt hại (như cầu Trường Tiền gẫy sập).
Những tỉnh thiệt hại nặng nhứt là Gò Công, Mỹ Tho, Tân An. Sau trận bão kinh hồn đó nhiều người gặp lại nhau mới biết thân còn sống, họ hàng bày tỏ sự vui mừng thoát nạn. Ta hãy nghe các câu ca dao thời đó:
Gặp nhau (đây) mới biết anh còn,
Hồi năm Thìn bão lụt, em khóc mòn con ngươi.
Năm Thìn trời bão thình lình,
Kẻ trôi, người nổi, hai đứa mình còn đây.

Trận bão năm Thìn là một thiên tai khủng khiếp, còn ám ảnh đến hàng chục năm sau, hay cả thế hệ. Những người lớn tuổi hồi đó, hễ nghe nói đến năm Thìn cũng tin chắc rằng sẽ có bão lụt. Ký ức của một ông lão ở gần châu thành Tân An thường gợi lại những hình ảnh xưa:
“Ở Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, trận bão năm Thìn xảy ra vào buổi chiều khi mọi nhà đang nấu cơm. Trước đó một lúc gió hiu hiu, mưa nhỏ. Tiếp đến mưa càng lớn, gió giựt từng hồi, làm cho nhiều cây cối ngả dọc đường, nhiều nhà sập.
- Bão, bão tới!
Những tiếng kêu thất thanh báo động nổi lên. Rồi mạnh ai nấy chạy tìm chỗ cao ráo để trú thân. Nhiều người tưởng chỗ này cao, nước dâng không tới, đến núp được một lát, nước dâng cao, chạy đi kiếm chỗ khác như các nhà giàu nền đúc, các công sở để ngồi tạm cho đỡ mưa. Nhiều người di chuyển không kịp, hay bồng bế con nhỏ, vừa chạy bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi trông thảm thiết. Trời tối cơn bão lên cực mạnh, mưa ào ào như nước trên trời trút xuống. Có lúc mưa đá, cục nào cục nấy lớn bằng trái trứng gà. Nội trong đêm ấy, nước sông Vàm Cỏ, sông Bảo Ðịnh, kinh lính tập ở châu thành Tân An đều ngập tràn lên hai bên bờ. Tại tỉnh lỵ chỉ còn những nhà nền cao như dinh tham biện, tòa bố, nhà lầu ông Huyện Sĩ… Nhiều đồng bào đến ngồi đông nghịt. Họ nhịn đói, hoặc ăn cơm vắt đem theo, ngồi bó gối nhìn nước lên, chảy phăng phăng cuốn theo nhiều trâu bò và khách lỡ đường… các hàng keo dọc bờ lộ từ Cầu Quay ăn ra quốc lộ 4, bị gió làm trốc gốc gần hết, cản lối đi, và cản nước, khiến dòng nước chảy xiết như thác.
Sáng hôm sau, cả châu thành Tân An nước ngập minh mông, chỉ còn thấy những nóc nhà ngói, đọt cây sao, cây dừa… Ðó đây còn vài người cố bám víu vào ngọn cây một cách tuyệt vọng. Hồi đó chưa có cuộc điều tra chính xác về số người chết và con số thiệt hại, nhưng theo báo cáo của chủ tỉnh Tân An gởi Thống đốc Nam Kỳ, trận bão Giáp Thìn làm chết trôi 5.000 người; heo, gà, trâu bò chết gần hết… đến nỗi đồng ruộng mấy năm sau chưa có người làm lúa.
Nhiều ghe thuyền đang đi dưới sông, bị nước đưa vào sâu trong đất liền hàng mấy cây số, sau đó mắc cạn không chèo ra được, lớp mắc cạn, lớp bể.”

Lời một người chứng kiến đã thuật lại quang cảnh bão lụt lúc đó:
“Lúc trước tôi xuống Gò Công sưu tầm tài liệu viết sách, gặp đồng bào ở đây nói:
- Ông muốn viếng mả Quan Công thì chúng tôi sẵn sàng dẫn cho ông tới đó.
Tôi thắc mắc không biết tại sao Quan Công là một nhân vật thần thoại Trung Hoa mà lại chết và chôn cất tại Gò Công, thì được đồng bào cho biết thêm:
Tháng 3/1904, làng Tân Bình Ðiền ở chỗ giáp ranh hai tỉnh Gò Công, Tân An có tổ chức lễ cúng kỳ yên, có rước gánh hát bộ về hát trong 3 đêm liền. Hôm đó gánh hát đang diễn tuồng “Quan Công phò nhị tẩu,” tới chỗ cụp lạc, lâm ly, khán giả mê man vì tuồng tích quá hấp dẫn.
Ông cả cầm chầu cũng say mê với vở tuồng trên sân khấu, tới chỗ gây cấn, trống nhịp liên hồi. Bỗng có tiếng la thất thanh báo động:
- Nước lên! Nước tràn bờ!
Chỉ trong vòng vài phút, nước dâng cao, làm ngập cả sân đình, mạnh ai nấy chạy tán loạn tìm chỗ cao ráo ẩn núp… đào kép là những người chậm chưn nhứt. Khi thấy nước dâng cao, khán giả đạp lên nhau mà chạy, người lên nóc đình, kẻ lên đống rơm. Ðào kép cũng chạy tìm chỗ cao ráo. Thấy chỗ nào cũng quá đông người, họ bèn lội lại ngọn sao, ngọn dừa đeo dính, không cần cởi bỏ xiêm áo. Ba hôm sau, nước lụt rút bớt, nhiều cảnh thương tâm và cũng rất buồn cười: cảnh áo rồng bằng gấm màu vua chúa, râu ria tòn teng trên các ngọn cây cao.
Khi nước rút, chủ tỉnh Gò Công ra lịnh đi kiếm xác chết đem về chôn. Họ tìm khắp lùm bụi, thấy xác Quan Công nằm vắt ngang đống rơm, mình đang mặc áo gấm, mặt mày còn nguyên son phấn. Sau đó, họ đào huyệt để y nguyên mà chôn. Chỗ ấy người địa phương gọi là ‘mả Quan Công.’”

Từ đó ở Nam Kỳ có một tục lệ hàng năm đến ngày đó, họ làm giỗ tập thể cúng các vong linh hồn những nạn nhân trận bão lụt năm Giáp Thìn. Ngày đó là ngày 16/3 âm lịch:
Tháng ba, mười sáu lai niên,
Cùng trong một bữa, đậu tiền cúng chung.

Bài vè phổ biến, thông dụng hồi đầu thế kỷ này, được các vị bô lão kể lại, trong đó có đoạn:
… Tiết tháng ba, gió lộng cuồng phong,
Ðêm mười sáu, cây tan, biển lở,
… Vợ bồng con khóc ngược, khóc xuôi,
Chồng lạc vợ, hú kêu vang đất.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 8:02 pm

Trần Phong Sắc,dịch giả truyện Tàu lừng danh ở Nam Kỳ

Có người quả quyết rằng cái nếp sống tốt đẹp của dân Nam Kỳ một phần lớn là nhờ ảnh hưởng truyện Tàu! Những phong cách ngang tàng, dám làm dám chịu, bộc trực, nhơn nghĩa, thấy sự bất bình ra tay can thiệp, phần lớn bắt chước từ truyện Tàu.
Truyện Tàu đã cung cấp món ăn tinh thần cho lớp người bình dân ở miền Nam. Cả một lịch sử lâu dài của Trung Quốc từ thời hồng hoang với truyện Phong Thần, rồi đến Ðông Châu Liệt Quốc, Phong Kiếm Xuân Thu, mấy thế kỷ trước Tây lịch kỷ nguyên, rồi những cảnh chiến tranh giữa Tề với Tôn Tẩn, Bàng Quyên, qua Tây Hán Diễn Nghĩa, Tam Quốc, rồi đến đời Ðường, đời Tống có Phi Long, Tái Sanh Duyên (nhà Nguyên) đến nhà Minh, nhà Thanh (Càn Long Du Giang Nam), đều có mặt hầu hết trong truyện Tàu. Nhưng phổ biến và ảnh hưởng nhiều nhứt ở Nam Kỳ có lẽ là Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du Ký.
Ðề cập đến các dịch giả truyện Tàu hồi đầu thế kỷ, chúng ta có trên dưới trên 20 vị, trong đó có hai vị nữ lưu là Trần Thị Sĩ, Phạm Thị Phượng.
Trong các dịch giả nổi danh bấy giờ người ta hay kể đến Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Trần Kim Ðính, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc. Vì lẽ có hai cụ cùng tên Sắt và Sắc mà ít ai phân biệt, nên chúng tôi xin nói thêm cho rõ hai vị này.
Cụ Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt là tri huyện, người Tân Châu, tỉnh Châu Ðốc, người tiền nhiệm của ông quận Nhiễu (tôi nghe chính ông quận Nhiễu kể lại năm 1958). Nguyễn Chánh Sắt là người vừa viết tiểu thuyết vừa dịch truyện Tàu. Tác phẩm tiểu thuyết của ông độ 10 quyển, trong đó có chuyện “Chàng Cà Mum” hay “Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên” đăng lần đầu tiên trên cuốn sách quảng cáo nhà thuốc Nhị Thiên Ðường năm 1919, rất nổi tiếng. Ngoài ra, ông có dịch hơn 10 quyển truyện Tàu như:

- Ðông Châu Liệt Quốc
- Tái Sanh Duyên
- Chung Vô Diệm


Riêng cụ Tân An Trần Phong Sắc, dịch giả rất nhiều truyện Tàu được liệt kê sau đây:

- Phong Thần
- Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa
- Thuyết Ðường
- La Thông Tảo Bắc
- Tiết Nhơn Quý Chinh Ðông
- Tiết Ðinh San Chinh Tây
- Ðại Minh Hồng Võ
- Phi Long Diễn Nghĩa
- Tam Hạ Nam Ðường
- Vạn Huê Lầu
- Ngũ Hổ Bình Tây
- Nhạc Phi Diễn Nghĩa
- Phong Kiếm Xuân Thu
- Phấn Trang Lầu
- Càng Long Hạ Giang Nam
- Tam Hạp Minh Châu Bửu Kiếm
- Bắc Du Chơn Võ
- Nam Du Huê Quang…

Trên đây là tên các bộ truyện Tàu. Mỗi bộ gồm từ vài ba quyển đến hàng chục quyển, do đó, phải nhiều người chung nhau dịch. Chẳng hạn bộ Ðông Châu Liệt Quốc, dịch và in lai rai từ 1906 đến 1929 (23 năm) hơn 10 quyển được các ông Nguyễn An Khương, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Công Kiều, Trần Ðình Nghị, đều có dịch.
Còn nhà in cũng thay đổi tùy theo năm in. Bộ Tái Sanh Duyên quyển 1 do Nguyễn Văn Ðẩu dịch, in năm 1906. Rồi sao đó, các ông Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương tiếp tục đến quyển thứ 11 là quyển chót. Ðặc biệt dịch giả Trần Phong sắc trong khi dịch hết một hồi, thỉnh thoảng chêm vô một bài thơ tứ tuyệt, hay bát cú chứng tỏ ông có một nền học vấn vững vàng, và hồn thơ lai láng.
Trong truyện Phong Thần, dưới bài tựa, Trần Phong Sắc có làm bài thơ tứ tuyệt:
Trần trọc đêm thanh mắt khắc chầy,
Phong thần diễn dịch giải niềm khuây!
Sắc tài, phép tắc bày ra đủ,
Chép để khuyên răn phỉ nguyện này.

Riêng bộ Chính Ðức Du Giang Nam, ông có bài thơ:
Trần Thiện can vua, kính họ Lương,
Phong làm Thừa tướng, giúp triều Ðường,
Sắc bà Quốc Thái sai tìm chúa,
Chánh Ðức về ngay, hưởng thái bường.

Chuyện Phong Thần kể lại khung cảnh ban sơ của lịch sử Trung Hoa, nhiều phép thuật huyền bí, trước khi đo tài, đấu sức, các vị ngâm một bài thơ rồi mới trổ nghề võ.
Trong phần tả tình cảm, văn của Trần Phong Sắc cũng rất tế nhị, thâm trầm, không sỗ sàng. Ðến khi tả cảnh hai bên ấu đả, lâm chiến giọng văn mạnh mẽ như tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát như “thật là kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ, lương tài, một qua, một lại, bốn mươi hiệp cầm đồng,” tuy văn biền ngẫu nhưng vẫn có giọng mạnh mẽ.
Ngoài ra, Trần Phong Sắc cũng sành về các bài ca tài tử, mặc dầu ông không biết đờn kìm hay đờn cò bao giờ. Ông sáng tác đủ loại bài ca tài tử: Lưu thủy, Hành vân, Kim tiền, Bình bán, Tứ đại cảnh, Tây thi… và đó cũng là lý do cắt nghĩa tại sao các bài ca xuất hiện từ năm 1915 đến 1930 dùng rất nhiều chữ Hán, vì do các tác giả rất sành Hán Văn.
Một người có học với Trần Phong Sắc tại trường tỉnh Tân An kể lại rằng:
“Ði dạy học, ông (Sắc) bịt chiếc khăn nhiễu đã phai màu, mặc áo dài bằng xuyến đã cũ, mang giày hàm ếch. Mưa cũng như nắng, ông vẫn đi bộ luôn, từ xóm ngã tư đến trường, trong túi áo trắng mặc bên trong lè kè những sách… Ông dạy môn Luân Lý từ lớp Năm đến lớp Nhì, lương mỗi tháng hơn 10 đồng bạc.” (Ðào Văn Hội)
Tính tình ông Sắc rất trầm lặng, ít giao thiệp. Mỗi khi tới giờ học sinh ra chơi, ông thường móc cuốn truyện chữ Hán ra đọc để giải trí. Ông là một con người rất có hiếu với mẹ. Khi mẹ mất ông cho tạc tượng để trên bàn thờ, mặc y phục đàng hoàng, có đầu tóc giả để thờ. Mỗi ngày hai lần, ông dọn cơm cúng rất thành tâm.
Trần Phong Sắc góa vợ khi gần 30 tuổi. Mãi đến lúc 40 ông mới tái hôn với một thôn nữ mới lớn. Có người hỏi ông [sao] không tìm một người đàn bà lỡ thời, hoặc một người đàn bà góa cho xứng đôi vừa lứa, bạn đọc có biết ông trả lời ra sao không?
- Thà rằng tôi cưới con gái mới lớn. Còn đàn bà góa chồng thì phải để cho người ta thủ tiết, thờ chồng! Cho đúng với đạo thánh hiền.
Cũng như nhiều nhà văn, nhà giáo ngày nay, ông Trần Phong Sắc là người có tài, có chí, làm việc siêng năng, dịch liên tục trên 20 quyển truyện Tàu, chỉ làm giàu cho nhà xuất bản. Mặc dầu vậy, ông vẫn phải đi dạy học để đủ tiền sống một cuộc đời thanh bạch, và cuối cùng, chết trong cảnh nghèo.
Cuộc đời ông đã nêu một tấm gương sáng, ăn ở không mích lòng ai, không gây oán thù với bạn bè, lối xóm, láng giềng! “Sở dĩ người Nam Kỳ có đời sống văn hóa tốt đẹp một phần lớn là nhờ truyện Tàu,” mà Trần Phong Sắc là một trong những người có công nhứt.

Một danh gia vọng tộc ở Tân An hồi trước

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Image044
Ngã tư Tân Trụ

Nửa thế kỷ trước, Tân Trụ là một làng trù phú của tổng Hưng Long, quận Châu Thành Tân An. Nói đến gia đình giàu, có địa vị ở Tân An không ai không nghe nhắc tới gia đình họ Nguyễn. Cũng có nguồn tin đồn rằng tổ phụ gia đình ấy được táng vào “huyệt rồng” nên con cháu phát quan rất sớm. Hồi xưa, ở miền Nam, người ta quan niệm rằng trời cho ai giàu thì người nấy hưởng. Con cháu giàu có do phước đức của ông bà để lại, chớ không phải do bốc lột như bọn […] chủ trương:

Khen ai kiếp trước khéo tu,
Ngày sau con cháu võng, dù nghinh ngang.

(Ca dao)

- Người anh cả là Nguyễn Văn Ca, Ðốc phủ sứ, xuất thân thông ngôn cho quân Tây, từng làm chủ quận nhiều nơi ở miền Nam.
- Người em kế là Nguyễn Văn Vịnh, Ðốc phủ sứ, chủ quận Ô Môn, nổi tiếng giỏi Pháp Văn, ăn nói và viết như người Pháp chính gốc.
- Người thứ ba là Nguyễn Thị Liễn, Dược sĩ, tốt nghiệp ở Hà Nội, có viết sách về chuyên môn.
- Người em kế là Nguyễn Văn Duyên, du học bên Pháp, về làm Thanh tra học chánh.
- Người em út là Ðông y sĩ Nguyễn Văn Khát, thân phụ của Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Thượng nghị viện dưới thời Ðệ nhị Cộng Hòa.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 8:10 pm

Sự tích sông Xá Hương

Những ghe thương hồ lục tỉnh lên Sài Gòn theo ngả kinh Chợ Gạo, qua sông Vàm Cỏ, quận Tân Trụ, thường nghe đồn về sự linh ứng của Miễu Bần Quỳ. Sở dĩ người ta quen gọi Miễu Bần Quỳ là vị gần vị trí ngôi miễu thuộc xã Nhựt Thanh, hồi xưa có một cây bần to lớn, mọc gần mé sông, lâu ngày bị sóng đánh ngã xuống, rồi cũng vươn lên được, hình dáng như một người quỳ gối, nên được gọi là “Bần Quỳ.” Ngôi miễu ở gần đó được các ghe thương hồ đặt tên là “Miễu Bần Quỳ.”
Hồi nhỏ tôi cũng thường theo ghe qua lại nhiều lần ở đây, nhưng không biết sự tích. Sau này đọc sách sử, tôi biết rõ thêm:
Nguyên ông Mai Bá Hương làm chức Xá–xaity ở trấn Phiên An, thuộc đội vận chuyển quân lương cho các vua chúa Nguyễn ở Gia Ðịnh. Năm 1705, Miên hoàng là Nặc Yêm bị em là Nặc Thâm kêu viện binh Xiêm về giúp để dành ngôi. Yêm chạy xuống Gia Ðịnh cầu cứu chúa Nguyễn. Cai cơ Ngưyên Cửu Vân được lịnh chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân lên tiếp cứu, và sai Xá-xai-ty Mai Bá Hương áp tải thuyền lương theo sau. Khi đoàn thuyền của Mai Bá Hương tới vàm Bao Ngược, nay là sông Cần Giuộc, sắp vào Rạch Lá thì bị giặc đón đánh. Mai Bá Hương cho đoàn thuyền lương thực tránh qua sông Vũng Gù (Vàm Cỏ Tây), nhưng khi vừa tới chỗ hai sông Vàm Cỏ gặp nhau, giặc đuổi theo kịp. Quyết không để lương thảo lọt vào tay giặc, Mai Bá Hương sai lính đục thuyền để lương thực chìm xuống đáy sông và chính ông cũng hy sinh.
Ðược tin một người công bộc vì nghĩa quên mình, chúa Nguyễn phong cho Mai Bá Hương làm “Thần tử nghĩa,” sai lập đền thờ chỗ khúc sông ấy, và dân chúng quen gọi sông đó là sông Xá Hương (Xá-xai-ty tên Mai Bá Hương, gọi tắt). Nay dấu vết đền thờ hãy còn tại chỗ Miễu Bần Quỳ. Ðó là một trong những ngôi đền xưa nhứt ở miền Nam. Từ đó về sau, theo lời dân chúng địa phương, khúc sông này ban đêm thường nổi sóng dù không có gió. Một lần từ Huế về thăm nhà ở Bến Tre, lúc đi ghe ngang qua đây, nghe quân lính kể chuyện “Thần tử nghĩa,” cụ Phan Thanh Giản cho ghé lại để thắp hương, rồi làm hai câu đối để dân làng viết dán vào đền thờ, được dịch nôm như sau:

Nghĩa báo trời Nam, gò thượng từng nêu cao khí tiết,
Thù căm Tăy giặc (liên quân Miên Xiêm) sông Tiền hay dậy dòng sông hờn.


Tương truyền kể từ ấy, sóng thần của vong linh Mai Bá Hương lần lần im bặt. Ðầu thế kỷ 20, nhà thơ Thương Tân Thị Phan Quốc Quang, dịch giả Nam Kỳ Lục Tỉnh Ðịa Dư Chí của Duy Minh Thị, có làm bài thơ vịnh Mai Bá Hương:

Hỏi thử nhà ta giống Lạc Hồng?
Gần đây, ai chết được như ông?
Chở lương bị giặc ngăn đường nước,
Ðục ván cho thuyền chìm đáy sông,
Muốn để tiếng thơm về cửa phụng,
Nên gieo mạng bạc xuống cung rồng,
Xá Hương miếu cũ, còn nguyên đó,
Chỉ khác bia danh với tượng đồng!
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 8:16 pm

“Bối Ba Cụm”

Một người ở địa phương Tân An đã đưa ra nhận xét: “Người Tân Túc ưa cờ bạc, người Tân Nhựt hay ăn nhậu, người Tân Bửu, Ba Cụm hay ăn trộm.” (Nguyễn Văn Trấn trong “Chợ Ðệm Quê Tôi”)
Hồi trước các ghe thương hồ từ lục tỉnh lên Sài Gòn, Chợ Lớn ai ai cũng nghe danh “bối Ba Cụm”. “Bối” là tiếng lóng chỉ bọn trộm cướp, trấn lột khách đi bộ, nghĩa rộng là bọn ăn trộm nói chung. Có điều, nhiều người nghe danh bối Ba Cụm, lúc đi qua đó, đề phòng cẩn thận mà vẫn bị mất trộm mới hay. Ba Cụm là chỗ giáp nước, có ba nhóm cây bần mọc tùm lum cho bóng mát dưới sông, khiến cho ghe thương hồ đến đó đậu nghỉ, thường núp dưới mấy cây bần.
Khi con đường quốc lộ về miền Tây còn phôi thai, mọi việc chuyên chở hàng hóa, hành khách lên xuống lục tỉnh và Sài Gòn, đều phải trông nhờ vào đường sông, thì ghe thương hồ qua lại dập dìu trên sông Tân An, Bến Lức, Chợ Ðệm, rồi chèo luôn tới Ba Cụm mới đậu nghỉ, chờ con nước sau. Ba Cụm nằm chỗ giáp nước: sông Chợ Ðệm chảy ra, gặp nước từ sông Bến Lức chảy tới. Gần như tất cả ghe thương hồ đến đây đều phải đậu lại. Ðến khi đổi con nước, nước rút về hai phía.
Hồi trước, Ba Cụm thuộc xã Tân Nhựt, thuộc tỉnh Chợ Lớn, sau đó, mới sát nhập vào Tân An. Nhiều người đi ghe, sợ bối Ba Cụm, nên khi ghe vừa vào sông Bến Lức, họ tính toán thế nào để khi nước vừa đứng thì họ vừa tới Ba Cụm, để từ đó đi tiếp con nước kế, nhẹ chèo, khỏi phải nghỉ tại Ba Cụm. Người đi ghe thường hay hát:
Nước không chưn sao kêu bằng nước đứng?
Cá không giò, sao gọi cá leo?

Nước đứng tức là nước ngưng chảy, để xoay chiều. Trong Nam theo chế độ bán nhựt triều, mỗi ngày 24 giờ có hai lần nước lớn, hai lần nước ròng. Có người thường đi ghe kể lại:
“Ðậu ghe ở Ba Cụm, nấu nồi cơm sắp chín, chưa chắc đã được ăn vì mấy ông bối.” Thật ra, rất khó để tính con nước khi ghe vừa đến đây để chèo luôn, mà thường phải cắm sào đậu nghỉ. Ba Cụm là xóm ăn cắp tài tình. Chuyện bối Ba Cụm tôi được nghe rất nhiều, nay xin kể một vài chuyện tiêu biểu để độc giả thấy được cái nghệ thuật ăn trộm của một số dân đầu trộm đuôi cướp.
Ở đây người ta thường đồn về “một danh tài ăn trộm là Sáu Bang,” nhờ đó mà cất nhà ngói, vách ván. Người ta thường kể về cái mưu mẹo của Sáu Bang như sau:
“Sáu Bang luôn luôn tìm hiểu thói quen của chủ nhà để tìm cách hành động. Một lần biết ngôi nhà ngói kiểu xưa có một bà già ăn trầu và một đứa tớ gái, liền lập mưu. Khi trời chạng vạng tối, bà già khép hờ cánh cửa nhà trên, xuống nhà dưới lo cơm nước. Thừa lúc đó, Sáu Bang lẻn vô chui xuống sàn bộ ván ngựa bà thường ngồi têm trầu. Cơm nước xong, đứa ở đốt cái đèn trứng vịt đặt lên bàn thờ, để có ánh sáng cho bà già ngoáy trầu rồi nó xuống nhà dưới ngủ. Như thường lệ, bà già chậm rãi bửa trái cau, nhưng rủi ro, làm rớt xuống đất, định bưng đèn rọi xuống đất lượm trái cau lên.
Thấy vậy, Sáu Bang bèn lượm trái cau đặt nhẹ vào chiếc giày cườm (các bà già xưa thường đi giày cườm cho ấm chưn). Vừa đặt chưn vô chiếc giày đụng trái cau, bà khỏi cầm đèn rọi cho sáng, chỉ cần cúi xuống lượm trái cau lên dễ dàng rồi tiếp tục ăn trầu một lát, vô buồng ngủ. Sáng ra, mấy món đồ quý giá trong nhà không cánh mà bay. Khi biết mình mất trộm, bà chỉ còn la làng, chớ làm sao tìm được.
Cũng có lần Sáu Bang rình ăn hàng một nhà khác từ đầu hôm cho tới khuya. Khi chủ nhà vừa mở cửa, cầm đèn ra sân đi đái, Sáu Bang mượn theo bóng tối chui lẹ vào bên trong núp sẳn dưới sàn, đợi khi chủ nhà đi ngủ lại, hắn mới ra tay dọn đồ đạc. Ðó là đối với những nhà nền đúc, lót gạch. Gặp những nhà khá giả, nền đất, Sáu Bang khoét lỗ ăn vào vách nhà như hang chuột. Hắn rất có ý tứ, trước khi chui vô, Sáu Bang cầm cái nồi đất để vô trước. Nếu chủ nhà hay, họ dùng cây đập thì bể cái nồi, hắn bỏ chạy còn hô to:
- Xí hụt! Xí hụt!”

Nhiều tay bối thiện nghệ cũng “nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh,” cất nhà tường lợp ngói nhờ trộm được bó bạc lớn mới vừa bán lúa của các điền chủ lục tỉnh.
Sau năm kinh tế khủng hoảng, bà nội tôi và ba tôi có bán cho một chành lúa ở Chợ Lớn một số lúa rất lớn. Họ trả trước một phần, còn lại một phần, ba tôi phải theo ghe lên đó lấy. Vừa từ chành lúa ra, ba tôi ôm bó bạc 24 ngàn đồng gói trong hai tờ nhựt trình ôm theo đi mua dùm chú tôi một miếng chài để chài cá. Có một người bạn ghe đi theo hộ tống. Vô tiệm bán chài, ba tôi đặt gói bạc xuống, lấy cái nón úp lên để rảnh tay lựa chài. Nhanh như chớp, một tên xô ba tôi, một tên giựt bó bạc chạy mất, một tên khác đứng ra cản đường, sốt sắng hỏi:
- Ông tìm ai? Tôi tìm cho!
Thế là tiêu tan 4 ghe chài lúa. Lần đó thân phụ tôi về nhà bịnh luôn mất 4 tháng mới mạnh. Thường thường hành nghề, bối đi có cặp để truyền kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau. Có lần ghe đậu ở Ba Cụm, nghe người đi ghe kể chuyện:
“Thấy trên một chiếc ghe chài chở khẩm đậu ở Ba Cụm có một người đàn bà còn trẻ, mặc cái quần lãnh láng mướt, hai anh em tên bối bàn với nhau, làm sao lấy cái quần lãnh đó. Họ thầm tính kế. Thằng anh nói:
- Khuya nay tao lột cái quần lãnh của con mẹ chủ ghe đó cho mầy coi!
Ðứa em nghe nửa mừng nửa không tin, vì không biết anh nó nói thật hay nói láo. Ðêm về khuya, mọi người mệt mỏi ngủ vùi. Bà chủ nằm ngủ trong nóp trên mui ghe cho mát. Thằng anh bẻ một cọng mái dầm (có hình dáng như một cây dầm bơi xuồng, cọng non có thể làm dưa chua để ăn), cuốn tròn phần đầu lại rồi hé ống quần con mẹ ấy, thông cọng mái dầm vào sâu bên trong… Lúc nó lấy tay ra, cọng mái dầm bung cái rột, vừa ướt vừa nhột, làm cho bà chủ ghe hết hồn, tưởng con rắn chun vào trong quần. Bà ngồi bật dậy, lột quần ra (ban đêm tối trời không sợ ai nhìn) để ở be ghe. Anh em thằng bối núp theo be ghe, lấy cái quần, rồi xô nhẹ chiếc xuồng trôi xa chèo mất.”

Lại một chuyện khác cũng “công dân Ba Cụm” kể rằng:
“Hai anh em nhà bối nói chuyện với nhau rằng, nhà kế bên mới vừa cưới dâu, khuya nay mầy nhúm lửa, tao sẽ bưng nồi cơm đang vo về cho mầy nấu.
- Thiệt hôn anh hai? Ðứa em hỏi lại!
- Ðừng lo, thiệt mà.
Chiều tối nó chun qua hàng rào lấy cái gáo múc nước đem giấu bên hè. Gà vừa gáy, cô dâu đã thức dậy lo nấu cơm. Khi cô bưng nồi gạo ra sàn nước để vo, không thấy cái gáo. Ðể nồi gạo đó, cô trở vô tìm cái gáo hoặc cái tô múc nước. Lúc đó, bố ta nhẹ bưng nồi gạo đi mất, rồi lấy cái gáo máng lại chỗ cũ… Cô dâu trở ra không thấy nồi gạo, cô chưng hửng.
- Tức thiệt, nồi gạo mới để đây đâu mất rồi!
Cô tự nói lầm bầm. Cái gáo ở đây mà mình không thấy.
Cô lại trở vô tìm nồi gạo, rồi trở ra sàn nước hai ba lần vẫn không có, vừa tức giận vừa sợ mẹ chồng la rầy. Cô vô buồng kêu chồng ra nói xù xì một hồi, bà mẹ chồng nghe tiếng, biết có chuyện mới ra hỏi:
- Sao, mất nồi gạo rồi hả?
Rồi bà tằng hắng một tiếng, hỏi vọng qua nhà kế bên:
- Thằng hai có nhà đó hôn?
- Dạ có, chi vậy thím?
- Thằng chết bầm. Em nó mới về nhà chồng, đừng có giỡn nhây, đem nồi gạo trả lại đây!
- Dạ, nấu cơm dùm cô em mới về xóm bối mà.”

(Nguyễn Văn Trấn trong “Chợ Ðệm Quê Tôi”)

Chuyện bối còn dài, kể hoài sẽ chán, xin chấm dứt để qua chương khác.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 8:21 pm

Vài hoạt cảnh văn hóa ngày trước

Có người nói rằng từ trước tới nay trong các bài viết về Nam Kỳ Lục Tỉnh, độc giả chỉ được đọc các cuộc đời ngoại hạng, của các tay giang hồ, hoặc các bậc nghĩa sĩ anh hùng, nhưng chưa thấy rõ cuộc sống của người bình dân ra sao.
Thời nào cũng vậy, lớp người bình dân, tay lấm chơn bùn, vô danh trong xã hội chính là những người làm nên lịch sử, chớ không phải vua chúa hay đảng [phái]! Cuộc sống hàng ngày của ông bà ta ngày trước bàng bạc nghĩa khí, ngang tàng của kẻ anh hùng, dám làm, dám chịu, nết trung hậu chất phác nhưng trọng nhân nghĩa. Họ dám chơi dám chịu, khi làm thì làm chết bỏ, khi chơi thì chơi xả láng.
… Ðối với người ngay thẳng họ thương mút mùa, còn với kẻ bội bạc, xiểm nịnh họ thù ghét mãn kiếp. Khi túng hụt thì cháo rau qua ngày, lúc có tiền thì cơm gà, cháo gỏi đãi bạn. Không ưa thì cạy miệng cũng không nói, lúc đã thật tình thì mở cả ruột gan cho xem.
Cuộc sống bình thường của người dân Nam Kỳ có thể nhìn thấy những đặc tính ấy hàng ngày. Chúng tôi chọn lọc kể lại một vài nếp sống văn hóa của người xưa, chỉ mới cách ta chừng nửa thế kỷ mà gần như bị quên lãng trước làn sóng văn minh vật chất.
Ðể nói lên một tâm lý thường tình trong xã hội: nịnh người giàu, xa lánh người nghèo, kể cả người thân thích, người miền Nam thường nhắc câu phương ngữ sau đây như một định luật:
Phú quý đa nhơn hội (nhiều người bu lại),
Bần cùng bà nội cũng xa!

Trong phạm vi tỏ tình, chọc gái của con trai ngày trước cũng khác biệt. Nó bộc trực đến táo bạo, có khi sỗ sàng. Chèo ghe trên sông, muốn trêu chọc một cô gái cùng chèo ghe đồng hành, chàng trai “thả dê:”
Nước Tân Ba chảy vô (vàm) Trà Cú,
Thấy em chèo cái vú muốn hun!

Muốn điều gì nói thẳng, không quanh co, không lơ lửng. Người miền Nam hồi trước như vậy đó. Thanh niên mới lớn đòi cưới vợ, thì khóc với cha mẹ:
Chuối non vú ép chát ngầm,
Trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm,
Khóc rồi mẹ lại đánh thêm,
Vợ đâu mà cưới nửa đêm cho mầy!?


Hồi trước, bến đò Chú Tiết ở Tân An rất phồn thịnh. Mỗi sáng bạn hàng bán rau cải từ bên kia sông gánh rau, cá ra chợ Tân An bán. Kế bên đó có mấy quán nước, mỗi sáng bán xôi bắp, khoai và cà phê cho khách đợi đò. Một buổi sáng, nhiều cô gánh rau cải đặt trong bội lớn rất nặng, từ bến đò gánh lên, vừa đi vừa cầm nón quạt vào cái ngực phập phồng cho mát. Ði ngang tiệm nước, họ đặt gánh xuống nghỉ mệt. Cô nào cô nấy mồ hôi lấm tấm, và cầm nón tiếp tục quạt cho mát. Trước quán có mấy thanh niên lêu lổng đang uống cà phê, chỉ lo ăn chơi, sáng nào cũng la cà hết quán này đến quán khác, chà lết mòn quần áo, trêu chọc đàn bà con gái. Một tên nói:
- Trật cái áo ra mà quạt thì nó mát!
Một cô nhanh nhẩu:
- Nè anh kia, cái bộ vó lòi ba sườn của anh, nếu gánh gánh cải của tôi từ dưới bến đò lên tới đây rồi gánh xuống một lần nữa, thì lại đây tôi cho bóp vú! Tôi thách anh đó!
Cứng họng, chàng thanh niên tiu nghỉu, bẻn lẻn làm thinh, còn các cô bạn hàng gánh cải tiếp tục đi chợ bán.

Bến đò, bến xe ngựa ngày xưa thường xảy ra nhiều chuyện buồn cười.

Lại một chuyện khác xảy ra cũng gần chợ Tân An, trước một tiệm nước của người Tàu. Một thanh niên lớn con, vạm vỡ, nhưng nét mặt hiền lành, đội chiếu đi chợ bán. Ðến trước tiệm nước anh dừng lại, dựng bó chiếu xuống đất nghỉ mệt, đưa bàn tay quẹt mồ hôi trên bộ râu cá chốt. Từ trong tiệm nước có tiếng vọng ra:
- Ð.m. đi bán chiếu mà cũng bày đặt để râu, coi ngon ơ!
Anh bán chiếu điềm tỉnh, nhìn vào tiệm nước khiêu khích:
- Anh nào ngon ra trước mặt thằng bán chiếu nầy đ.m. thử coi. Muốn làm anh hùng thì phải quân tử. Tôi nghèo, đội chiếu đi bán mà, đ.m. đéo bà nó làm chi.
Liền đó, một tên anh chị từ trong tiệm nước chạy ra, ôn tồn nói:
- Thằng em út tôi nó hỗn láo! Tôi mời anh uống với tôi một tách cà phê để tôi chịu phần quấy.
Anh bán chiếu nói:
- Dạ thôi, xin cám ơn, để khi khác! Khi nào quý anh có đi tới chợ Long Cang (phía Thủ Thừa, Rạch Kiến) thì em đây là Tư Biên, sẽ mời quý anh một chén trà.
Nói rồi, anh bán chiếu đội chiếu lên đi bán.
(“Chợ Ðệm Quê Tôi” của Nguyễn Văn Trấn)

Một hoạt cảnh khác thường xảy ra tại các chợ miền Nam giữa mấy người đàn bà. Ở đây, mỗi lần xích mích, họ chưởi năm ba câu, nếu không ai can, thì xáp vô đánh lộn, và màn chót thì… một bà bị lột quần, một bà sút đầu tóc… mượn! Báo hại bà bị lột quần giữa chợ thường bị chồng dễ (nói theo ngày nay là ly dị).
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  minhthanh Thu Sep 06, 2012 8:24 pm

Các chuyện kể dân gian ở Tân An

Trong bài này, chúng tôi chọn lọc vài chuyện tiêu biểu mà thôi, chỉ đủ nói lên sắc thái của địa phương. Qua những chuyện đó, chúng ta thấy rõ những dấu ấn lịch sử, nói lên một chặng đường khẩn hoang của tiền nhân. Trước hết là chuyện “Rạch Ðôi Ma” rất quen thuộc, nhưng đã có từ lâu, được ghi trong “Ðại Nam Nhất Thống Chí,” có lẽ xảy ra hồi đầu triều Nguyễn.
Chuyện xảy ra ở gần chợ Kỳ Son, có một cặp vợ chồng phú hộ trong làng, sinh được đứa con gái xinh đẹp, nhan sắc mặn mòi. Khi cô lớn vừa trổ mã, nhiều trai làng theo săn đón, yêu trộm nhớ thầm, nhưng ông bà kén rể học thức, hoặc nhà giàu môn đăng hộ đối. Ông nói:
- Muốn cưới con gái tôi phải là con nhà giàu, hoặc là người học giỏi, đỗ đạt tôi mới gả!
Bấy giờ ở thôn Hiệp Phước, huyện Phước Lộc, có một học trò nghèo nhưng thông minh, học giỏi, tên Nguyễn Vi Nhơn, ở trọ nhà chùa để lo nấu sử xôi kinh. Ðể tỏ ra gia đình mình cũng sính chữ nghĩa văn chương, thỉnh thoảng phú ông có mời tân khách đến uống rượu, ngâm vịnh thi phú…
Trong số khách, có cậu Nhơn, qua vài lần, thoáng thấy người đẹp đã cảm. Trong khi đó, cô gái cũng thương trộm nhớ thầm cậu Nhơn.
Cả hai cũng biết mối tình câm khó thành tựu vì thành kiến gia đình, nhưng khó quên nhau được. Còn thái độ của phú ông cũng rất cứng rắn. Tuy chưa thề non hẹn biển, nhưng họ cảm nhau qua ánh mắt cái nhìn… và cũng chỉ giới hạn ở đó mà thôi… Vì quá nhớ thương người tình mà cha mẹ nghiêm cấm, nên cô uất ức lâm bịnh tương tư, sau vài tháng, cơn bịnh tàn phá cơ thể, nàng từ giã cõi đời âm thầm. Vì là con một, được nuông chiều, gia đình phú ông cho liệm trong chiếc hòm bằng danh mộc, quàn ở trong căn chòi sau nhà, đợi hai năm mới chôn.
Biết được cô gái yêu mình mà chết, cậu Nhơn âm thầm đau khổ. Rồi khi quá thất vọng, đang đêm cậu lẻn đến chỗ căn chòi để quan tài, thắt cổ tự vận cho trọn nghĩa vẹn tình. Phú ông cho quàn thêm một quan tài nữa để song song. Dân làng cho biết từ đó, đêm đêm có hai bóng ma hiện về khuấy phá dân làng. Phú ông không tin và hẹn đến hai năm mới chịu chôn. Năm sau, thiên tai mất mùa liên tiếp, nước mặn tràn vào, phú ông làm ăn thất bại, buồn rầu. Cả hai vợ chồng lần lượt qua đời. Từ đó, hai quan tài không ai săn sóc. Cỏ mọc tràn lan, không ai dám đến gần vì cho rằng “chúng đã thành quỷ,” đêm đêm hiện về tình tứ trên ngọn cây. Mấy năm sau, quân lính nhà Nguyễn đi qua đây, nghe chuyện yêu tinh phá dân làng, bèn chất củi đốt cả hai quan tài và căn chòi… Từ đó không nghe nói cặp yêu tinh về phá dân làng nữa.
Chỗ con sông trước căn chòi, được dân chúng gọi là “rạch Ðôi Ma.”

Không riêng ở Tân An mà khắp miền Nam đều có nhiều chuyện dân gian kể về cọp. Nào truyện người đánh cọp, bắt cá sấu, thuần hóa cọp, sự tác hại của cọp và nhiều mãnh thú khác trong buổi đầu khẩn hoang. Hồi trước ở đây ông bà ta thường nói: “Xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp.” Những chuyện kể trong dân gian chứng tỏ người xưa phải tranh đấu gian khổ chống chọi với thiên nhiên và ác thú. Muốn hưởng “gạo Cần Ðước, nước Ðồng Nai” không phải tự nhiên mà có. Ðó là công lao, mồ hôi, xương máu và nước mắt.

Chuyện “Bưng Sấu Hì” xảy ra ở phía Ðông bắc Ðồng Tháp Mười được kể như sau:

“Cách nay gần 3 thế kỷ, có một gia đình từ miền trên chèo ghe đến Ðồng Tháp Mười để tìm đất sống. Sau vì bận rộn kiếm ăn, ở nhà một đứa con đi thất lạc. Người cha kêu, hú nhiều lần, hy vọng đứa con nghe tiếng tìm đường trở về, nhưng tuyệt nhiên vẫn im lặng. Tuy nhiên, từ xa có âm thanh vọng lại “hì hì” rất nặng nề có vẻ khác thường. Sinh nghi, gia đình anh đánh mõ lên cầu cứu. Nhiều người ở xa nghe tiếng mõ chạy lại, kẻ dao mác, người xách chỉa ba, đốt đuốc cùng tiến về chỗ phát ra âm thanh lạ lùng ấy. Dưới ánh đuốc, một cái đìa rộng, đầy những khúc cây đen xì, da sần sùi, mà cái đầu ngo ngoe, tiếng thở phì phò… thì ra cá sấu tập trung rồi kẹt nơi đây. Một người lớn tuổi có kinh nghiệm chỉ dân chúng dùng cuốc, xẻng đào một con đường nước nhỏ ngược chiều gió, rồi lấy cỏ khô và cây mướp xác đốt cho khói bay trên mặt hồ. Bị cay mắt, cá sấu tự động bò theo đường nước ngược chiều như lính đi hàng dọc. Người chuyên bắt sấu trói hai chân sau lại, cắt gân đuôi, dùng dây xỏ mũi như vàm trâu, bắt cả bầy sấu, chia nhau ăn mấy tháng mới hết. Từ đó, chỗ nầy có tên là ‘bưng Sấu Hì.’”

Truyện đánh cọp có rất nhiều, nào là sư Trí Năng đánh cọp ở Tân Kiểng, ông Tăng Chi quật cọp ở núi Sam, còn Lê Văn Duyệt cho con nuôi là Lê Văn Khôi dùng tay đánh chết cọp. Lại có nhiều nhân vật thuần hóa cọp như ông Thống Sô ở Tân An, đã từng nuôi một con cọp hiền lành như thú vật nhà. Có khi ông bắt nó ra đồng giữ lúa, sợ bị mất trộm, hay xuống sông coi chừng đăng, sợ kẻ gian bắt cá. Có lúc Thống Sô cỡi cọp đi ăn giỗ. Ðến nơi, ông cột vào gốc cây như cột ngựa, tìm cho nó miếng xương để gặm. Ăn xong, ông lên lưng cọp cỡi về.

Tới đây tôi nghe thuật một chuyện về cọp khá lý thú, xin kể hầu độc giả trước khi chấm dứt bài này.

Có một gia đình kia đi lập nghiệp ở vùng đất hoang mới khai, đêm ngày thường bị cọp về rình bắt heo gà. Người chồng nói:
- Có một đêm tôi đang ngủ sau nhà, vào canh ba. Khi con heo trong chuồng chừng một tạ của tôi kêu eng éc, tôi liền vác cây mác vót phóng xuống. Rượt đến sáng vác được xác con heo về. Không ăn được con heo, cọp đâm ra thù tôi.
Trưa bữa đó, vợ chồng tôi khiêng cối ra xay lúa. Ðang xay ồ ồ thì nghe ở đám ráng sau hè có tiếng động rột rẹt. Tôi nói trong bụng: “Bữa nay tao cho mầy xay lúa một trận cho biết.”
Tôi kêu vợ tôi xúc 20 giạ lúa để kế bên. Chờ lúc con cọp nhảy ra chụp phủ đầu, tôi hụp xuống, né qua một bên. Hai bàn tay cọp bấu 8 móng sắc bén vào cái giằng xay. Sẵn trớn cái cối đang quay, con cọp cứ rị mạnh, cái cối có trớn quay tiếp hết vòng này tới vòng khác. Cọp ta đẩy tới đẩy lui như người xay lúa. Tôi đứng một bên cứ xúc lúa châm vô cối.
Ðến khi con cọp xay hết 20 giạ lúa, vợ tôi định xúc thêm, nhưng nhìn thấy con cọp cái có chửa, nên thương, biểu tôi cho nó nghỉ, chớ tôi muốn xúc lúa xay thêm. Tôi nắm tay cối xay, gặt mạnh cho cối dừng lại… cọp bị hụt đà, 8 móng rời ra khỏi cái giằng xay, té cắm đầu. Nó lồm cồm ngồi dậy thở muốn không ra hơi, rồi bỏ đi một nước.
Người kể chuyện nói thêm: “Chuyện ấy có thật, nếu bà con không tin cứ hỏi vợ tôi coi.”
(Trích trong Nam Kỳ Lục Tỉnh IV do nhà xuất bản Văn Hóa phát hành năm 1995)

minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành. Empty Re: TÂN AN Ngày Xưa - Hứa Hoành.

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết