Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!

Join the forum, it's quick and easy

Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!
Quán Thời Gian
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Go down

QUÁN BÊN ĐƯỜNG Empty QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Bài gửi  minhthanh Thu Oct 04, 2012 9:10 am

QUÁN BÊN ĐƯỜNG 8190it9

Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.
À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học Thèm đi học...
Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.
Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán Em bẹo hình hài đem bán...
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.
Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi Cười ư?
Anh đã vùi quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời...



Thái Thanh trình bày.


minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

QUÁN BÊN ĐƯỜNG Empty BÀI THƠ “CUỘC ĐỜI” và ca khúc QUÁN BÊN ĐƯỜNG.

Bài gửi  minhthanh Thu Oct 04, 2012 9:18 am

QUÁN BÊN ĐƯỜNG Image002yh

Một người bạn quý gửi cho một bản copy mờ nhạt nhưng hiếm có của một bài thơ mà nhiều người đã tranh cãi về tên tác giả của nó: đó là bài thơ "Cuộc Đời" của Minh Phẩm tức nhà văn Trang Thế Hy đăng trên tạp chí Vui Sống số 9 năm 1959.
Bài Thơ này đã được nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng trong tập truyện "Quán Bên Đường" nhưng vì lý do nào đó không ghi tên tác giả.
Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và phát hành bài này thành bản nhạc "Quán Bên Đường" vào cuối thập niên 60, để tên tác giả là "Vô Danh" vì nhà văn Bình Nguyên Lộc không nhận là của mình.
Sau này khi sang Mỹ, trong trang phamduy.com ông Phạm Duy lại ghi tên tác giả là Bình Nguyên Lộc với chú thích: "Sau này, khi gặp lại anh ở Hoa Kỳ, anh cho phép tôi đề tên anh là tác giả.".
Điều mâu thuẫn là lúc đó ông BNL đã mất từ lâu rồi và trong 1 email của ông được phổ biến sau này trên mạng để trả lời câu hỏi về lai lịch của bài thơ này nhạc sĩ Phạm Duy cho biết "Chưa bao giờ anh Lộc nói với tôi tác giả là ai"


From: PhamDuy
Date: Fri, 10. Jan. 1997 08:11:14 -0500 (EST)
To: XXX
Re: Bài Quán Bên Đường

Tôi cũng đọc một bài báo ở Sài Gòn gần đây nói về tác giả bài thơ Quán Bên Ðường mà tôi phổ nhạc. Bài thơ do anh Bình Nguyên Lộc đưa cho tôi phổ nhạc vào cuối thập niên 60, còn dặn là đừng đề tên. Khi anh Bình Nguyên Lộc qua Mỹ, tôi có gặp anh ấy và tặng một băng cassette với nhiều người hát bài Quán Bên Ðường. Chưa bao giờ anh Lộc nói với tôi tác giả là ai. Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng anh Lộc là tác giả của bài thơ. Ðó là vài lời cho những người muốn biết lai lịch của một trong những bài ca xã hội của tôi.

Cuộc Đời

Ngày xưa hồi còn thơ
Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ
Tôi cùng em hai đứa
Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa.
Tóc em chừa bánh bèo
Môi chưa hồng, da mét: con nhà nghèo !
Đầu tôi còn hớt trọc
Khét nắng hôi trâu, thèm đi học
Em cầm một củ khoai
Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai
Thứ khoai sùng lượm mót
Mà sao nó ngọt thôi là ngọt.

Bây giờ giữa đường đời
Kỷ niệm ngày xưa mù khơi
Gặp nhau chiều mưa lạnh
Hai đứa đều sang trong bộ cánh
Dung nhan em còn tươi
Anh mừng tưởng đâu đời em vui.
Dè đâu đây là quán
Em bẹo hình hài rao lên bán
Đang thời đông khách mua
Chợ thịt còn sung được vài mùa.
Nghe nói anh cầm viết
Nghệ thuật là gì em muốn biết.
- “Mùi hôi nói mùi thơm
Cây bút cầm tay : cần câu cơm
Đó em ơi ! Nghệ thuật :
Nhắm mắt quay lưng chào sự thật.”
Rồi đôi ta nhìn nhau
Không có ai đánh mà lòng đau
Em mời ăn bánh ngọt
Nhắc củ khoai sùng mình lượm mót
Đường bánh tươm vàng mơ
Như nắng chiều xưa khoe màu tơ
Mới cầm tay chưa cắn
Mà sao nó đắng thôi là đắng !

Xin anh một nụ cười
Cười là sao nhỉ ? Quên rồi !
Xin em chút nước mắt
Mạch lệ em từ lâu đã tắt !
Hỏi nhau : buồn hay vui ?
Biết đâu ? Ta cùng hỏi cuộc đời.


Minh Phẩm
(tạp chí Vui Sống số 9 - 1959)

Minh oan cho Bình Nguyên Lộc.

Trong một cuộc phỏng vấn của ông Lê Phương Chi (toà soạn Bách Khoa), ông Bình Nguyên Lộc cho biết trong tập truyện ngắn Quán Bên Đường của ông có một truyện ngắn là Quán Tai Heo, truyện ngắn đó viết về thi sĩ Minh Phẩm và có bài thơ này.

Tran Dai Phuoc

minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

QUÁN BÊN ĐƯỜNG Empty Re: QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Bài gửi  minhthanh Thu Oct 04, 2012 9:25 am

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có sáng tác và xuất bản ca khúc "Quán bên đường" - khác với "Quán bên đường do Phạm Duy phổ thơ.

Quán Bên Ðường (1950): Trên đường đi công tác thời kháng chiến, một đêm anh ghé trọ quán bên đường. Chủ quán là một cô gái chắc chắn vốn là dân trí thức vì anh thấy cô đọc toàn những sách Pháp ngữ. Một thời gian sau, có dịp anh trở về con đường cũ tìm lại thì quán đã không còn. Anh nghĩ rằng có thể cô gái chủ quán kia đã chết vì bom đạn rồi, cảm xúc trào dâng và anh sáng tác ca khúc này (theo lời kể của phu nhân nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn - Vào lúc 6 giờ chiều ngày 27 Tháng Năm, 2006, tại phòng sinh hoạt cộng đồng của Nhật Báo Người Việt (Ðêm Nhạc Lê Trọng Nguyễn và ra mắt CD Lê Trọng Nguyễn Collection #2 “Lá Rơi Bên Thềm”).
nghe bài hát theo link dưới.
https://quanthoigian.forumvi.com/t433-topic#775

Nhiều người biết một Quán bên đường (ở làng Vinh Hiển, gần Vạn lý, Tân phong, Đức phổ - Quảng Ngãi) của Thầy Trợ Huỳnh Can và cô quán đó là chị L (nữ sinh, hoa khôi) tồn tại suốt mùa tản cư kháng chiến (1948 - 1954).

Ngoài hai bài hát "Quán bên đường" của Phạm Duy và Lê Trọng Nguyễn, còn có một bài thơ cùng tên của thi sĩ Quang Dũng.

Quán Bên Đường

Tôi khách qua đường trưa nắng gắt
Nghĩ nhờ đây quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa, thưa khách vắng

Em (*) đắp chăn dầy , tóc em trĩu nặng
Tôi mồi hôi ra ngực áo chan chan
Hồn lính mơ qua vài sợi tóc
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn

Em mê sảng sốt hồng lên má đỏ
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thiêu
Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo

Tôi nhìn lại , mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường

Tiền nước trả em rồi . Nắng gắt
Đường xa xa mờ mờ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay .

Quang Dũng

(*) Tác giả Đặng Văn Nhâm (em kết nghĩa của Quang Dũng) đã có bài viết đầy đủ về Akimi, thiếu phụ trong bài thơ trên.

Tran Dai Phuoc
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

QUÁN BÊN ĐƯỜNG Empty Re: QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Bài gửi  minhthanh Thu Oct 04, 2012 9:34 am

Cụm từ “quán bên đường” đã nói lên một cách chính xác về vị trí, thân phận của những điểm buôn bán theo kiểu này. Quán không tọa lạc tại phố, chợ, không phải tiệm hay cửa hàng và kiến trúc hầu hết là tạm bợ bằng mọi thứ vật liệu nhẹ. Hầu hết quán bên đường thường xa các khu dân cư đông đúc mà chỉ chọn một chỗ nào đó tại một bên của con đường có nhiều người đi lại, có thế đắc địa cho việc buôn bán.

Thời trước, kể từ làng xã, mỗi nơi chỉ có một vài quán. Đây là những quán dựa vào khách trong làng là chính. Có nơi quán được dựng một bên dốc bến đò dọc, đò ngang; có quán lập tại đầu cầu hay đầu một ngã ba. Nếu không phải vừa là nhà ở vừa là quán thì những quán này dựng rất đơn sơ với cột tre, vách tre, lợp tranh và diện tích khá nhỏ. Thông thường, quán có một bàn nhỏ cho khách ăn uống, một sạp tre bày các chai lọ, hũ, thẩu đựng sản phẩm, một vài cây sào gác ngang gần cửa quán để treo các sản phẩm linh tinh khác.

Tại làng xã, những quán bên đường thường được người địa phương gọi tên bằng cách lắp món hàng chính của quán với tên chủ quán. Chẳng hạn: quán hàng xén bà Năm, quán mì Bốn Thơm, quán cháo lòng Bảy Mập… Khách của quán đa số là người cùng xóm cùng làng với nhau. Khách lỡ kẹt tiền mặt được chủ quán sẵn lòng cho ghi sổ để đó trả sau. Khách nào “hết khả năng chi trả” để nợ lâu quá, cuốn sổ này bị gọi vui là “sổ đoạn trường”. Các bà nội trợ rất gắn bó với quán hàng xén. Trong nhà, trong bếp lỡ hết món gì đó liền sai trẻ chạy ra quán. Đường đậu mắm muối dầu chè tiêu ớt… đủ cả, có ngay, và quán chấp nhận bán lẻ đến đơn vị thấp nhất.

Sáng sớm, khách đến quán điểm tâm tô mì, uống bát nước chè nóng trước khi làm việc. Xế chiều, gặp ngày thong thả, cùng vài “chiến hữu” ra quán “làm” tô cháo, dĩa lòng luộc, sương sương vài ly nhỏ rượu gạo, tán gẫu chuyện trên trời dưới đất… cũng thấy cuộc đời đáng yêu, đáng sống biết bao!

Xa hơn, dọc theo các huyện lộ, tỉnh lộ có những quán bên đường được khách bộ hành thuộc nằm lòng, hễ đi ngang là phải ghé. Quán đường huyện, đường tỉnh khác quán làng xã ở chỗ những quán này có tính cố định về vị trí và chuyên nghiệp về buôn bán hơn. Loại quán này không có sổ nợ, dứt khoát tiền trao cháo múc. Chẳng biết các chủ quán có ngầm phân chia lãnh địa hay không mà trên cùng một con đường, các quán cách nhau đủ cho khách bộ hành đi tới quán là đã mỏi chân, khát nước, đói bụng. Đang với tâm trạng như vậy mà thấy làn khói bếp lan trên mái quán, mùi thơm thức ăn tỏa ra thì khách bộ hành cầm lòng không đậu, phải dừng chân. Cứ vào quán cái đã, không ăn thì uống hoặc cứ ngồi nghỉ khan một lúc cũng chả sao.

Thời “hoàng kim” của quán bên đường là chín năm kháng chiến chống Pháp tại vùng tự do rộng lớn của ta. Hoàn cảnh chiến tranh không có xe cộ nên giao thông trên bộ toàn là… đi bộ. Nhiều địa phương, ngoài quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đã có từ xưa, lúc này còn thêm những con đường đi tắt xuyên qua các làng mạc thôn quê. Quán bên đường mọc lên dọc theo những con đường như thế. Quán và khách đều rất cần nhau.

Thời ấy, tại vùng tự do tỉnh Quảng Nam, hầu hết chủ nhân các quán bên đường mới mở là đồng bào tại các đô thị, thị trấn như Đà Nẵng, Hội An, Vĩnh Điện tản cư. Họ đem tới nét văn minh ẩm thực của phố thị làm cho món ăn, thức uống của những quán bên đường thời kháng chiến được phong phú về “mặt hàng”, ngon lành về chất lượng, đẹp về hình thức. Tuy chẳng thể có sơn hào hải vị sang trọng nhưng nhờ các bà các chị khéo tay nên mọi thứ đều làm vừa lòng khách. Ngoài các món ăn quen thuộc như cơm, mì Quảng, bún, bánh bèo, bánh tráng…, các quán mới còn có cháo lòng thả, bánh khoái, bún bò kiểu Huế…, ấn tượng nhất là các loại chè chính bản của Đà Nẵng, Hội An.

Khách bộ hành đi ngả Bà Rén theo quốc lộ 1A lên tỉnh hay vào Tam Kỳ, Bến Ván, đến tận Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thường dừng lại Trảng Chuổi nghỉ ngơi. Các quán tại đây chỉ bán độc một thức ăn là bún sản xuất tại chỗ dùng với cá biển. Bún và cá đều rất tươi, khách xơi tại quán nào cũng vừa ý cả.

Nếu khách đi từ ngả Trung Phước vào các nơi xa nói trên, họ đi tắt trên những hương lộ nối nhau mà trước kia không mấy ai biết. Khi qua khỏi đèo Le, đến chợ Đông Phú rẽ phải, lội qua sông Rù Rì (Ly Ly) giữa huyện Quế Sơn và Thăng Bình, cứ thế mà đi mãi. Dọc con đường này có những quán nhỏ, món ăn thức uống đơn giản. Khi đến giờ ăn uống thật sự, khách sẽ dừng lại các nơi có những địa danh thân quen như Minh Huy, Đo Đo, Quán Rường, Cẩm Khê… Quán bên đường tại mấy nơi này không thiếu những món ngon, lại hợp túi tiền mọi người trong thời kháng chiến. Những khách bộ hành thường đi lại con đường này hồi ấy, đến bây giờ vẫn còn nhắc một quán bên đường tại Hà Châu huyện Thăng Bình. Quán này bán toàn các loại chè rất ngon, cô chủ quán tên L. xinh đẹp, vui tính. Chẳng biết các “cụ” nhớ chè hay nhớ chủ quán cố nhân…

Theo Báo Quảng Nam
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

QUÁN BÊN ĐƯỜNG Empty Re: QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết