ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN HOA MAI
Trang 1 trong tổng số 1 trang
ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN HOA MAI
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai
Cụ Chu Thần, tức Cao Bá Quát, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam, người tự phụ riêng mình chiếm đến hai trong bốn bồ chữ của thiên hạ, đã thốt lên hai câu thơ trên. Hoa mai có những đặc tính nào mà đã dành được sự tôn kính của nhà nho kiêu ngạo, từng xem khinh cả vua lẫn quan như vậy?
Có thể nói, trong các loài cây, kể cả cây có hoa hay không, mai là loài được ưa chuộng nhất từ xưa đến nay. Người đời thường bị quyến rũ bởi sự tương phản của mai: Tuy có thân và cành gầy guộc, có hoa mỏng manh, và mang hương thơm dịu dàng, thanh khiết,nhưng ở bên trong mai là cả một sự kiêu dũng. Chính sự kiêu dũng này đã giúp mai vượt qua được mưa gió sương hàn của mùa đông để đơm hoa kết nụ khi xuân về. Các nhà nho xem mai là tấm gương cho loài người về sự hòa hợp giữa chữ Nhẫn và chữ Dũng.
Đã kiêu dũng, có hương thơm, lại nở sớm nhất trong các loại hoa xuân nên mai được tôn phong địa vị bách hoa khôi. Mai được gộp chung với tùng và trúc thành bộ "tam hữu". Sư gộp chung này bắt nguồn từ sách Luận ngữ: "Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn" (bạn có ích gồm ba hạng: ngay thẳng, rộng lượng, và hiểu biết nhiều). Người xưa thường ví von ba loại cây này là ngự sử mai, trượng phu tùng, và quân tử trúc. Ngoài ra, mai còn được kết hợp với lan, cúc, và trúc thành bộ tứ quý để biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong thơ văn, mai thường được dùng để ví von cho phẩm chất của người quân tử.
Đối với cụ Chu Thần, có lẽ trong suốt quãng đời bôn ba khắp chốn để cầu cổ kiếm (hay để xây dựng nghiệp bá vương?), cụ không hề gặp bậc chính nhân quân tử nào có cốt cách như "mai ngự sử". Vì vậy, theo thiển ý, "nhất sinh đê thủ bái mai hoa" là lời xưng tụng của cụ dành cho loại bách hoa khôi, đồng thời cũng hàm ý rằng anh hùng trong thiên hạ chẳng ai xứng để họ Chu này bái phục. Rõ là khẩu khí của Chu Thần. Được như mai há phải là chuyện dễ?
Các Loại Hoa Mai
Mai có nhiều chủng loại. Người Trung Hoa đã tìm tòi nghiên cứu và phân mai ra đến gần 250 loại khác nhau. Trong các loại này, hầu hết có hoa năm cánh nhưng cũng có loại mang đến cả trăm cánh, xếp thành nhiều tầng. Tuy nhiên, để đơn giản hóa, nhiều người chia mai thành 4 loại tùy theo mầu sắc: hoàng mai, bạch mai, hồng mai, và thanh mai (mầu phớt xanh). Tại Việt Nam, có hai loại đặc biệt thường được xếp riêng các loại mai khác là mai tứ quý và song mai.
- Mai tứ quý là loại mai có 5 cánh mầu vàng nhưng thường được liệt vào loại hoa đỏ vì khi tàn, các cánh hoa rơi rụng rồi năm đài hoa đổi thành mầu đỏ, úp lại ôm lấy nhụy, trông giống như nụ hoa vừa nhú. Nhụy bên trong kết hạt rồi hạt to dần, đẩy 5 đài hoa bung ra trông như hoa mai đỏ vừa nở. Hạt ở giữa các cánh hoa có mầu xanh khi còn non và đổi sang mầu đen khi già. Vì vậy, mai tứ quý cũng được gọi là nhị độ mai, tức mai nở hai lần, trước vàng sau đỏ. Loại mai này được nhiều người ưa chuộng vì nở hoa quanh năm.
- Song mai là giống mai đặc biệt có nhiều ở huyện Thanh Trì miền Bắc. Hoa có mầu trắng, ra hoa và kết trái từng đôi nên được gọi là song mai.Ngoài ra, có một số hoa vẫn thường được liệt vào loài
mai mặc dù không cùng họ với mai. Đó là nhất chi mai, mai mơ, và mai chiếu thủy.
- Nhất chi mai có mầu đỏ hồng, thường gặp ở miền Nam.
- Mơ là loại hoa có mầu trắng hồng, sau kết thành trái, và mọc nhiều ở miền Bắc. Hoa mơ được nhiều nguời gọi là mai và được nhắc đến nhiều trong thi ca như
"thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái" (Chu Mạnh Trinh)
"rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi" (Nguyễn Bính),
và
"càng mưa phùn gió lạnh, càng lạnh càng hoa mơ"
(Quang Dũng).
- Mai chiếu thủy là cây đa niên, gốc to, cành nhánh nhiều, lá mọc thành đôi, và có hoa chùm nhỏ li ti mầu trắng tuyền. Hoa luôn luôn hướng xuống dưới nên được gọi là mai chiếu thủy. Hoa có hương thơm dịu dàng, thanh khiết.
Thuở trước, tại miền Bắc, các cụ ta trồng mai như một thứ cây cảnh chứ không chưng mai trong nhà vào dịp tết như người dân miền Nam sau này. Tại miền Nam, mai được chưng bầy trong ngày tết là loại mai vàng, chỉ mọc từ Quảng Bình trở vào. Khi nhắc đến mai, người Việt, nhất là nguời miền Nam, thường nghĩ đến loại mai vàng này.
Mai Trong Thi Ca
Nghệ thuật thưởng mai chắc chắn đã phát xuất từ Trung Hoa. Theo sử sách, từ thời Xuân Thu, người dân ở đất Tây Chu đã trồng mai như một thứ cây cảnh. Dần dần người Trung Hoa xem mai tượng trưng cho khí tiết của dân tộc họ và nâng mai lên hàng quốc hoa. Sau đó,thú thưởng mai lan sang những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Từ ngàn năm trước, hoa mai đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân. Hoa mai được nhắc nhở trong thi ca của người xưa, cả ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, thường là loại mai trắng. Đó là loại mai được nhắcđến trong thơ Trương Thuyết đời Đường:
Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết
Kim niên Kế Bắc tuyết như mai
Năm ngoái ở Kinh Nam (nay thuộc tỉnh Hồ Quảng), hoa mai trắng như tuyết.
Năm nay ở Kế Bắc (nay là Bắc Kinh), tuyết trắng như hoa mai
Không như hầu hết các giống mai vàng ở phương Nam, loại mai trắng ở Trung Hoa và miền Bắc nước ta có mùi hương dịu dàng, thanh khiết, chẳng hạn như mùi hương của rừng mai nơi cung Dao Trì thuở xưa:
Dao Trì bất thị tuyết
Vị tiểu ám hương lai
(Cổ thi)
Nhìn về cung Dao Trì (thấy một mầu trắng nhưng)biết không phải là tuyết
Vì có phảng phất mùi hương (thơm)
Lư Mai Pha, một thi nhân đời Tống, đã so sánh mai và tuyết qua hai câu:
Mai tu tốn tuyết tam phân bạch
Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương
Mai nên nhường tuyết ba phân trắng
Tuyết phải thua mai một bậc thơm
Về hình dáng, loại mai trắng trong thơ cổ của Trung Hoa và Việt Nam trông giống như giống mai mù u, hiện còn một cây trong vườn chùa Gò ở Phú Lâm, ngoại ô Sài Gòn.
Trong văn học Trung Hoa, có lẽ người yêu mai nhất là Lâm Bô, tức Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), sống vào đời nhà Tống. Vị hiền sĩ này tài trí hơn người nhưng chán ghét tục lụy nên ở ẩn trên núi Cô Sơn, xem mai là vợ, hạc là con. Ông chính là tác giả bài thơ Mai Hoa bất hủ, được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Bốn câu đầu của bài thơ như sau:
Chúng phương dao, lạc độc tiên nghiên
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn
Các loài hoa rơi rụng, chỉ một mình (hoa mai) tươi tốt
Chiếm cả vẻ đẹp trong khoảnh vườn nhỏ
Bóng cành thưa đâm ngang lòng nước trong ở nơi cạn
Hương thầm thoảng lên dưới ánh trăng hoàng hôn
Hai câu thực của bài (câu 3 và 4) được đúc kết lại thành "ám hương phù động ánh hoành tà" và được cụ Giản Chi dịch là "chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang". Các thi nhân đời sau đã khen ngợi rằng chỉ với bẩy chữ, câu này đã diễn tả đủ được vẻ đẹp của hoa mai.
Vương Duy (701-761), một thi sĩ kiêm họa sĩ đời Đường, đã nhắc đến hoa mai qua bài Tạp Thi bất hủ:
Quân tự cố hương lai
Ung tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị
Người từ quê cũ đến
Hẳn biết những chuyện ở quê nhà
Ngày đi qua trước cửa buồng thêu
Có thấy Hàn Mai nở hoa không?
Nơi đất khách, gặp bạn cùng quê, nhà thơ không vội hỏi thăm chuyện quê cũ mà hỏi đến cội mai xưa. Cũng vậy, Lý Bạch, trong khi ngồi uống ruợu trên lầu Hoàng Hạc, nghe có người thổi khúc sáo Lạc Mai Hoa, đã bồi hồi nhớ đến bóng mai nơi kinh thành Trường An xa xôi vạn dặm:
Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt "Lạc mai hoa"
Thân là người khách đến tận Trường Sa xa vạn dặm
Trông về phía Tây, nơi thành Trường An, mà không thấy nhà.
Ngồi trên lầu Hoàng Hạc, nghe tiếng sáo ngọc thổi.
Giữa tháng năm, chợt vang khúc "hoa mai rụng" ở chốn Giang thành
Lô Đồng (790-835), một nhà thơ khác đời Đường, đã thi vị hóa hoa mai với người đẹp (hay người đẹp với hoa mai?) trong những câu cuối của bài Hữu Sở Tư:
Mỹ nhân hề! mỹ nhân!
Bất tri mộ vũ hề! vi triêu vân ?
Tương tư nhất dạ mai hoa phát
Hốt đáo song tiền nghị thị quân
Người đẹp này! người đẹp!
Chẳng hay (bây giờ) là mưa chiều hay mây sớm ?
Một đêm nhớ nhau mai nở hoa
Trông thấy hoa trước cửa sổ, ngỡ là bóng nàng
Bài thơ được nhiều người dịch ra tiếng Việt. Bài dịch hay nhất, theo thiển ý, là bài của Tản Đà với nhan đề "Có Nhớ Ai":
Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu?
Mưa chiều mây sớm, ai hầu biết ai?
Nhớ nhau suốt một đêm dài,
Trước song trắng toát hoa mai lúc nào!
Ngỡ mình chẳng phải mình sao?
(.......)
Ở phương Nam, các nhà thơ của dân tộc ta không hề thua kém các nhà thơ phương Bắc trong lãnh vực thưởng thức và ca ngợi hoa mai. Một trong những nhà thơ hết lòng ưu ái loại hoa này là Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê. Cụ đã từng giải thích lý do tại sao mình yêu mai đến thế:
Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà?
Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết
Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu?
Vì tuyết trắng, mai thơm và tinh khiết
Cụ đã từng thổ lộ thú tiêu khiển trang nhã của cụ:
Hái cúc, ương lan, hương bén áo
Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn
Trong 21 bài "Ngôn Chí", Nguyễn Trãi đã nhắc đến mai qua 8 bài. Điển hình như:
Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
(Ngôn Chí 2)
Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng
(Ngôn Chí 15)
Lê Cảnh Tuân, một danh thần trong thời kháng Minh, khi bị quân Minh bắt về giam tại Kim Lăng, đã gửi gấm nỗi nhớ cố hương trong bài "Nguyên Nhật" (ngày đầu năm):
Lữ quán khách nhưng tại
Khứ niên xuân phục lai
Quy kỳ hà nhật thị
Lão tận cố hương mai
Đất khách ngày lần qua
Xuân đã quay trở lại
Bao giờ về quê cũ
Cội mai hẳn đã già?
(Nguyễn Ngọc Bảo dịch)
Đến cụ Nguyễn Du, lòng yêu mai có lẽ tăng thêm một bậc nữa. Trên đường trở về cố hương sau chuyến đi sứ sang Trung Quốc, cụ đã nán lại Từ Châu và chống chọi với giá buốt suốt ba tháng trời chỉ cốt để ngắm mai nở trên đầu núi:
Nhượng tận khổ hàn tam duyệt nguyệt
Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa
(Trích Từ Châu Đạo Trung)
Cố chịu khổ với giá buốt trong ba tháng nữa
Để được vui mừng ngắm hoa mai nở trên đầu non
Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi cụ đã sử dụng rất nhiều mỹ từ kèm với "mai" trong tác phẩm bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh như lầu mai, tiên mai, mưa mai, sân mai, hồng mai, song mai, trướng mai, hồn mai, giấc mai. Tương truyền khi đi sứ sang Tầu vào năm 1813, cụ Nguyễn Du đến thăm một xưởng chế tạo đồ sứ danh tiếng tên Ngoạn Ngọc ở tỉnh Giang Tây. Lúc bấy giờ xưởng đang chuẩn bị chế tạo bộ trà Mai Hạc. Với nhã ý đáng ca ngợi, vị chủ hãng ngỏ lời xin quan chánh sứ phẩm đề một câu để quảng cáo cho kiểu đồ trà này. Người khác, ở vào trường hợp tương tự, chắc chắn sẽ nghĩ đến câu thơ chữ Hán. Tuy nhiên, quan chánh sứ lại dùng chữ Nôm của nước nhà mà viết nên câu:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen
Kết quả là các bộ trà Mai Hạc sản xuất tại Giang Tây trong những năm sau đó có in hai câu thơ Nôm của cụ. Tuy nhiên, vì không biết chữ Nôm, nên các nghệ nhân Trung Hoa đã ghi sai hoặc ghi thiếu vài nét. Thêm nữa, thay vì phải viết thành một hàng 6 chữ, một hàng 8 chữ như quy định của thể thơ lục bát, họ lại viết thành ba hoặc bốn hàng với số chữ phân chia như sau:
6 + 2 + 6 (ba hàng)
5 + 2 + 5 + 2 (bốn hàng)
4 + 3 + 4 + 3 (bốn hàng)
Kể cũng là một giai thoại thú vị.
Sau thời cụ Nguyễn Du, có một vị thượng thư tên Đào Tấn (1845-1907), sinh quán tại Bình Định, cũng có thể kể là một bậc cuồng mai. Ông lấy hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng (ông sư Mai). Khi về hưu, ông tìm đất đặt mộ cho mình ở núi Mai Sơn, thuộc làng Hoàng Mai (Bình Định), và cho khắc một bài thơ trên mộ, trong đó có câu:
Núi Mai rồi gửi xương mai nhé
Ước được hoa mai hóa mộng hồn
Mai trong Thiền
Nếu các thi nhân thường làm thơ ca tụng vẻ đẹp và hương thơm của mai, hoặc mượn mai để gói ghém tâm sự hay khí tiết của mình, thì các thiền sư thường dùng mai làm ẩn dụ để chuyển tải ý đạo, như một thiền sư Trung Hoa đời Đường với bài "Cổ Mai" nêu sau:
Hỏa ngược phong thao thủy tí căn
Sương thuân tuyết trựu cổ đài ngân
Đông phong vị khẳng tùy hàn thử
Hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn
Lửa táp, gió lùa, nước ngâm thân
Sương (như) búa tuyết (như) cưa khắc vết hằn
Gió đông buốt giá dầu chưa đến
Vẫn cứ đâm chồi tỏa ngát hương.
Phải chăng thiền sư muốn nhắn nhủ chúng ta hãy bền gan vượt qua mọi cám dỗ, mọi thử thách trên đường tu đạo và hành đạo? Công phu đến độ chín muồi thì tâm ắt sẽ khai hoa, cũng như mai nở sẽ đúng thời khắc sau khi dãi dầu đủ gió mưa sương tuyết.
Bài Cổ Mai nêu trên khiến chúng ta nhớ đến bài kệ của Tổ Hoàng Bá (?-850), một thiền sư danh tiếng người Phúc Kiến:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bã thằng đầu tố nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.
Vượt cõi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
Nhiều thiền sư Việt Nam cũng đã để lại cho hậu thế những bài thơ hoặc kệ bất hủ dùng mai làm ẩn dụ như Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096), Điều Ngự Giác Hoàng (1258-1308), tức vua Trần Nhân Tông, Huyền Quang Tôn Giả (1254-1334), và Tuyết Giang Phu Tử (1491 - 1585), tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (nhiều người xem Tuyết Giang Phu Tử là một bậc thiền sư), v.v.
Bài thơ (hay kệ) được biết đến nhiều nhất là bài "Cáo Tật Thị Chúng" (cáo bệnh để dậy đệ tử) của thiền sư Mãn Giác, đời nhà Lý. Trước khi viên tịch, thiền sư cáo bệnh, đóng cửa thiền phòng để tham thiền nhập định. Đến chiều tối, ngài thảo bài kệ, bước ra khỏi phòng, mỉm cười trao cho các đệ tử đang bồn chồn lo lâu cho sức khỏe người thày. Bài kệ trở thành những lời dậy hàm súc nhất của
một bậc thiền sư gửi lại cho hậu thế:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai."
(Ngô Tất Tố dịch)
Cuộc đời là một dòng vô thường không ngừng biến chuyển theo thời gian. Tất cả mọi vật hiện hữu trong vũ trụ, hễ có sinh thì có diệt; vì vậy, với con người, sinh lão bệnh tử là chuyện dĩ nhiên. Tuy nhiên, có một cái bởi không sinh nên không diệt. Đó chính là bản lai diện mục, là pháp gốc, là cái Tâm của mỗi người chúng ta. Cành mai trong bài kệ có thể không có thật ở chốn đình tiền đêm năm ấy (dẫu có thật, rồi hoa cũng phải rụng rơi theo ngày tháng). Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc, cành mai ấy đã hiện hữu ở từng sát na trong mắt nhìn của thiền sư, đúng ra là ở trong tâm ngài. Cành mai ấy mọc bên ngoài dòng sinh tử vô thường của thời gian và nở bên ngoài quy luật bể dâu của vũ trụ.
Tâm hoa nếu đã nở thì việc gì phải cậy đến mùa xuân. Mà thật ra, làm gì có mùa xuân. Chúng ta thấy xuân đến xuân đi chỉ vì chúng ta đang sống trong vọng thức.
Thấu đáo ẩn dụ của cành mai trong bài kệ, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy an nhiên tự tại khi đối diện với sinh tử vô thường của tạo hóa, với được, thua, còn, mất của kiếp người.
Câu Chuyện Thú Vị:
Hoa Mai, Mai Nở Hoa, hay Tam Sao Thất Bản?
Bàn về hoa mai, người viết chợt nhớ đến một chuyện khá lý thú.
Khoảng 8 năm trước, người viết đọc được một câu chuyện do giáo sư Đỗ Quý Toàn kể trong tác phẩm "Tìm Thơ Trong Tiếng Nói", Thanh Văn xuất bản năm 1992 tại California.
Giáo sư chính là một trong những vị thày của người viết tại trường trung học Chu Văn An thuở trước. Ông hiện là chủ biên báo Người Việt tại California. Dưới tiểu đề "Khi mai hoa không phải là hoa mai", câu chuyện được giáo sư thuật lại như sau:
"Xin kể thêm một kinh nghiệm riêng về đọc thơ để nói rõ hơn về tác động thi vị của cách ghép các từ và cách ngắt câu trong thơ.
Trên một chuyến xe đò Sài Gòn - Bà Rịa, tôi đọc lần đầu bài thơ "Thăm Chùa Thiền Tông" của Nguyễn Du. Hai câu thực (câu 3 và 4) làm tôi thích thú:
Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý
Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung
Tôi hiểu như thế này:
Hoa mai ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng
Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng
Tôi rất yêu những hình ảnh này. Thầy Châu Toàn đi cùng xe với tôi, một người rất nghệ sĩ, kể tôi nghe về ngôi chùa ở ngoại vi thành phố đó, nhưng không nói thêm gì về bài thơ. Mấy năm sau, thày đã mất, tôi với Châu Văn Thọ có dịp ra Huế, tôi tới chùa Thiền Tông đảnh lễ ngài hòa thượng Giác Nhiên. Tôi bồi hồi tưởng nhớ thầy Châu Toàn, vào chánh điện tìm cái chuông thời Cảnh Hưng vẫn còn đó (Cảnh Hưng do quải cựu thời chung), nhìn mấy hàng chữ đề niên hiệu, mấy hàng chữ mà thế kỷ trước Nguyễn Du đã nhìn. Thật là cảm động.
Trong vòng hơn mười năm, tôi vẫn nhớ lại bài thơ, nhất là hai câu Thực. Ở Montreal tôi đọc cho Đinh Ngọc Mô nghe, cũng khoái trá. Chúng tôi đã thử cố dịch bài thơ đó mà chưa bao giờ hài lòng.
Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý
Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung
Thế rồi một bữa Mô cho tôi biết cách tôi hiểu hai câu thơ đó là sai. Hắn đã đọc bài thơ cho một nhà nho nghe. Cụ Đàm đã trên 80 tuổi. Cụ bảo hai câu Thực phải đọc như thế này mới đúng:
Cổ-tự-mai / hoa hoàng diệp lý
Tiên-triều-tăng / lão bạch vân trung
Chỗ ngắt câu là ở sau tiếng thứ ba, và trong hai câu đó, tiếng thứ tư là động từ chứ không phải danh từ. Cho nên phải hiểu như sau:
Cây mai ở ngôi chùa cổ nở hoa trong đám lá vàng
Vị sư triều đại trước già đi giữa cõi mây trắng
Lúc đó cả một thế giới bị đảo lộn. Chắc sẽ phải thăm chùa Thiền Tông lần nữa, đứng đó khấn vái, tạ tội với hương hồn cụ Nguyễn Du. Thế ra con người tài tình đó đã tặng cho tôi một bảo vật, mà tôi chỉ chờn vờn ngắm nghía cái vỏ đựng bên ngoài. Như sờ mó một hòn đá mà không biết bên trong còn có ngọc. Vậy ra hoa mai không phải là cây hoa mai, mà cây mai nở hoa. Tăng lão không phải là ông già đi tu mà là vị sư ngả tuổi già. Thay đổi một chỗ ngắt câu, đổi danh từ thành động từ, cả bài thơ bỗng chuyển hóa! Không gian biến thành thời gian. Tĩnh hóa thành động. Hình ảnh đang đứng yên bỗng rung chuyển. Cái nỗi phù du của con người, của triều đại chính trị càng thêm thấm thía.
Một câu thơ bỗng nối dài bao vòng xoay của trái đất quanh mặt trời. Nếu nhìn từ cõi biến đổi, thì mái tóc đang nhuốm bạc kia là lớp lớp biển dâu. Còn như nếu nhìn bằng con mắt bất biến thì hoa mai năm năm vẫn cứ nở trong cõi lá ngả vàng, có khác chi đâu? Không dùng danh từ mà dùng động từ, Nguyễn Du chẳng cần dùng nhiều lời hùng biện như Tô Đông Pha (Tự kỳ biến giả nhi quán chi ... tự kỳ bất biến giả nhi quán chi ...).
Thơ của cổ nhân xúc tích và uyên ảo, đọc mà không đủ thanh tịnh thì không cảm thấy được bao tình ý, hình ảnh, thật là có tội. Khi đọc "mai hoa" mình đã dùng cái khuôn sáo thông tục hằng ngày để hiểu là hoa mai. Cái thói quen ăn xổi ở thì khi dùng ngôn ngữ đã thành cố tật. Thật là có tội."
Câu chuyện giáo sư kể thật lý thú và cảm động. Người viết đã nhiều lần thuật lại câu chuyện này cho các bằng hữu trong những buổi mạn đàm về thi ca. "Mai nở hoa trong đám lá vàng". Mai hoa đâu đã chắc là hoa mai. Hay, hay thật!
Cho đến một hôm.
Cuối năm 1999, người viết được một bằng hữu từ Việt Nam gửi tặng tuyển tập "192 Bài Thơ Chữ Hán của Tiên Điền Nguyễn Du", do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1996 tại Hà Nội. Trong số những bài thơ này có bài "Vọng Thiên Thai Tự" thuộc tập Nam Trung Tạp Ngâm, tức bài thơ giáo sư Toàn đã đề cập ở trên. Đọc bài thơ, người viết bỗng ngạc nhiên khi thấy trong hai câu Thực, câu đầu không giống như câu giáo sư đã nhắc đến mà là:
Cổ tự / thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều / tăng lão bạch vân trung
Chữ "mai" trong câu này không phải là hoa mai nhưng là động từ "chôn", "vùi" như mai trong các câu thành ngữ "mai ngọc trầm châu" và "mai danh ẩn tích". Còn "thu" chính là mùa thu. Như vậy, hai câu thực của bài mang ý nghĩa:
Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng
Trên căn bản lý luận, "thu mai " hợp lý hơn "mai hoa", vì cụ Nguyễn Du làm bài thơ từ một khoảng cách khá xa chùa. Khi "hướng trông lên Thiên Thai Tự" (tên bài thơ), cụ trông thấy chùa như đang bị vùi dưới những tàn lá vàng mùa thu, một hình ảnh thật đẹp mắt. Dĩ nhiên, từ khoảng cách ấy,chắc chắn cụ không thể thấy được những đóa mai đang nở hoa trong đám lá vàng.
Sau khi đọc bài thơ in trong tuyển tập, người viết đã cố công tìm được vài tài liệu khác và bản nào cũng ghi là "thu mai" chứ không phải "mai hoa" như bản giáo sư Toàn đã đọc trên chuyến xe đò thuở trước. Nguyên văn bài thơ như sau:
Vọng Thiên Thai Tự
Thiên thai sơn tại đế thành đông
Cách nhất điều giang tự bất thông
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung
Nhìn Lên Chùa Thiên Thai
Núi Thiên Thai nằm phía cuối thành đông
Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang
Ngôi chùa cổ (ở đó) bị mùa thu vùi trong đám lá vàng
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng
Thương thay (cho mình) tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả
Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung
Nhớ năm trước (ta) đã từng đến đấy
Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng
Chùa Thiền Tôn, hay Thuyền Tôn, hiện tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thúy An, thành phố Huế. Chùa được xây vào đầu thế kỷ 18 và nằm bên trái núi Thiên Thai nên còn được gọi là Thiên Thai Tự.
Đọc xong bài thơ, người viết bỗng có cảm tưởng hụt hẫng như bị mất một điều gì. Tại sao là "thu mai" mà không phải "mai hoa". Câu chuyện giáo sư Toàn kể đã hay về văn chương mà lại độc đáo về "thiền". Những đóa mai nở sớm khi đám lá vàng chung quanh (dĩ nhiên không phải lá của mai) còn dùng dằng chưa rơi rụng. Đọc câu thơ mà tưởng chừng nghe được tiếng chuyển động của những cánh hoa đang khai nở và cảm được mùi hương thanh khiết từ nhụy hoa nhẹ thoảng ra. Bỗng dưng bây giờ những đóa mai ấy biến mất. Thế có đáng giận không hở cụ Tiên Điền?
Dù sao đi nữa, nếu có cơ hội trở lại thăm chùa Thiền Tôn, có lẽ vị thày khả kính của người viết sẽ phải khấn vái tạ tội với cụ Tiên Điền. Không phải chỉ tạ tội một lần như thày từng phát nguyện, mà phải tạ đến hai lần vì suốt hai mươi mấy năm trời đã cả tin vào một câu thơ tam sao thất bản.
ooOoo
Lại thêm một mùa xuân về trên đất khách.
Cộng chỉ mai hoa báo tiêu tức
Xuân tằng hà đáo dị hương nhân
(Nguyễn Du)
Cùng nhau chỉ hoa mai báo tin xuân
Nhưng xuân có bao giờ đến với người nơi đất khách
Phải chăng hai câu thơ nêu trên chính là tâm trạng chúng ta mỗi khi chứng kiến cảnh xuân trên xứ nguời? Có cố công tìm một nhánh (gọi là) mai, mang về cắm trong chiếc độc bình bầy giữa nhà cũng đủ có mùa Xuân.
NGUYỄN NGỌC BẢONhất sinh đê thủ bái mai hoa
Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai
Cụ Chu Thần, tức Cao Bá Quát, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam, người tự phụ riêng mình chiếm đến hai trong bốn bồ chữ của thiên hạ, đã thốt lên hai câu thơ trên. Hoa mai có những đặc tính nào mà đã dành được sự tôn kính của nhà nho kiêu ngạo, từng xem khinh cả vua lẫn quan như vậy?
Có thể nói, trong các loài cây, kể cả cây có hoa hay không, mai là loài được ưa chuộng nhất từ xưa đến nay. Người đời thường bị quyến rũ bởi sự tương phản của mai: Tuy có thân và cành gầy guộc, có hoa mỏng manh, và mang hương thơm dịu dàng, thanh khiết,nhưng ở bên trong mai là cả một sự kiêu dũng. Chính sự kiêu dũng này đã giúp mai vượt qua được mưa gió sương hàn của mùa đông để đơm hoa kết nụ khi xuân về. Các nhà nho xem mai là tấm gương cho loài người về sự hòa hợp giữa chữ Nhẫn và chữ Dũng.
Đã kiêu dũng, có hương thơm, lại nở sớm nhất trong các loại hoa xuân nên mai được tôn phong địa vị bách hoa khôi. Mai được gộp chung với tùng và trúc thành bộ "tam hữu". Sư gộp chung này bắt nguồn từ sách Luận ngữ: "Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn" (bạn có ích gồm ba hạng: ngay thẳng, rộng lượng, và hiểu biết nhiều). Người xưa thường ví von ba loại cây này là ngự sử mai, trượng phu tùng, và quân tử trúc. Ngoài ra, mai còn được kết hợp với lan, cúc, và trúc thành bộ tứ quý để biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong thơ văn, mai thường được dùng để ví von cho phẩm chất của người quân tử.
Đối với cụ Chu Thần, có lẽ trong suốt quãng đời bôn ba khắp chốn để cầu cổ kiếm (hay để xây dựng nghiệp bá vương?), cụ không hề gặp bậc chính nhân quân tử nào có cốt cách như "mai ngự sử". Vì vậy, theo thiển ý, "nhất sinh đê thủ bái mai hoa" là lời xưng tụng của cụ dành cho loại bách hoa khôi, đồng thời cũng hàm ý rằng anh hùng trong thiên hạ chẳng ai xứng để họ Chu này bái phục. Rõ là khẩu khí của Chu Thần. Được như mai há phải là chuyện dễ?
Các Loại Hoa Mai
Mai có nhiều chủng loại. Người Trung Hoa đã tìm tòi nghiên cứu và phân mai ra đến gần 250 loại khác nhau. Trong các loại này, hầu hết có hoa năm cánh nhưng cũng có loại mang đến cả trăm cánh, xếp thành nhiều tầng. Tuy nhiên, để đơn giản hóa, nhiều người chia mai thành 4 loại tùy theo mầu sắc: hoàng mai, bạch mai, hồng mai, và thanh mai (mầu phớt xanh). Tại Việt Nam, có hai loại đặc biệt thường được xếp riêng các loại mai khác là mai tứ quý và song mai.
- Mai tứ quý là loại mai có 5 cánh mầu vàng nhưng thường được liệt vào loại hoa đỏ vì khi tàn, các cánh hoa rơi rụng rồi năm đài hoa đổi thành mầu đỏ, úp lại ôm lấy nhụy, trông giống như nụ hoa vừa nhú. Nhụy bên trong kết hạt rồi hạt to dần, đẩy 5 đài hoa bung ra trông như hoa mai đỏ vừa nở. Hạt ở giữa các cánh hoa có mầu xanh khi còn non và đổi sang mầu đen khi già. Vì vậy, mai tứ quý cũng được gọi là nhị độ mai, tức mai nở hai lần, trước vàng sau đỏ. Loại mai này được nhiều người ưa chuộng vì nở hoa quanh năm.
- Song mai là giống mai đặc biệt có nhiều ở huyện Thanh Trì miền Bắc. Hoa có mầu trắng, ra hoa và kết trái từng đôi nên được gọi là song mai.Ngoài ra, có một số hoa vẫn thường được liệt vào loài
mai mặc dù không cùng họ với mai. Đó là nhất chi mai, mai mơ, và mai chiếu thủy.
- Nhất chi mai có mầu đỏ hồng, thường gặp ở miền Nam.
- Mơ là loại hoa có mầu trắng hồng, sau kết thành trái, và mọc nhiều ở miền Bắc. Hoa mơ được nhiều nguời gọi là mai và được nhắc đến nhiều trong thi ca như
"thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái" (Chu Mạnh Trinh)
"rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi" (Nguyễn Bính),
và
"càng mưa phùn gió lạnh, càng lạnh càng hoa mơ"
(Quang Dũng).
- Mai chiếu thủy là cây đa niên, gốc to, cành nhánh nhiều, lá mọc thành đôi, và có hoa chùm nhỏ li ti mầu trắng tuyền. Hoa luôn luôn hướng xuống dưới nên được gọi là mai chiếu thủy. Hoa có hương thơm dịu dàng, thanh khiết.
Thuở trước, tại miền Bắc, các cụ ta trồng mai như một thứ cây cảnh chứ không chưng mai trong nhà vào dịp tết như người dân miền Nam sau này. Tại miền Nam, mai được chưng bầy trong ngày tết là loại mai vàng, chỉ mọc từ Quảng Bình trở vào. Khi nhắc đến mai, người Việt, nhất là nguời miền Nam, thường nghĩ đến loại mai vàng này.
Mai Trong Thi Ca
Nghệ thuật thưởng mai chắc chắn đã phát xuất từ Trung Hoa. Theo sử sách, từ thời Xuân Thu, người dân ở đất Tây Chu đã trồng mai như một thứ cây cảnh. Dần dần người Trung Hoa xem mai tượng trưng cho khí tiết của dân tộc họ và nâng mai lên hàng quốc hoa. Sau đó,thú thưởng mai lan sang những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Từ ngàn năm trước, hoa mai đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân. Hoa mai được nhắc nhở trong thi ca của người xưa, cả ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, thường là loại mai trắng. Đó là loại mai được nhắcđến trong thơ Trương Thuyết đời Đường:
Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết
Kim niên Kế Bắc tuyết như mai
Năm ngoái ở Kinh Nam (nay thuộc tỉnh Hồ Quảng), hoa mai trắng như tuyết.
Năm nay ở Kế Bắc (nay là Bắc Kinh), tuyết trắng như hoa mai
Không như hầu hết các giống mai vàng ở phương Nam, loại mai trắng ở Trung Hoa và miền Bắc nước ta có mùi hương dịu dàng, thanh khiết, chẳng hạn như mùi hương của rừng mai nơi cung Dao Trì thuở xưa:
Dao Trì bất thị tuyết
Vị tiểu ám hương lai
(Cổ thi)
Nhìn về cung Dao Trì (thấy một mầu trắng nhưng)biết không phải là tuyết
Vì có phảng phất mùi hương (thơm)
Lư Mai Pha, một thi nhân đời Tống, đã so sánh mai và tuyết qua hai câu:
Mai tu tốn tuyết tam phân bạch
Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương
Mai nên nhường tuyết ba phân trắng
Tuyết phải thua mai một bậc thơm
Về hình dáng, loại mai trắng trong thơ cổ của Trung Hoa và Việt Nam trông giống như giống mai mù u, hiện còn một cây trong vườn chùa Gò ở Phú Lâm, ngoại ô Sài Gòn.
Trong văn học Trung Hoa, có lẽ người yêu mai nhất là Lâm Bô, tức Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), sống vào đời nhà Tống. Vị hiền sĩ này tài trí hơn người nhưng chán ghét tục lụy nên ở ẩn trên núi Cô Sơn, xem mai là vợ, hạc là con. Ông chính là tác giả bài thơ Mai Hoa bất hủ, được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Bốn câu đầu của bài thơ như sau:
Chúng phương dao, lạc độc tiên nghiên
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn
Các loài hoa rơi rụng, chỉ một mình (hoa mai) tươi tốt
Chiếm cả vẻ đẹp trong khoảnh vườn nhỏ
Bóng cành thưa đâm ngang lòng nước trong ở nơi cạn
Hương thầm thoảng lên dưới ánh trăng hoàng hôn
Hai câu thực của bài (câu 3 và 4) được đúc kết lại thành "ám hương phù động ánh hoành tà" và được cụ Giản Chi dịch là "chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang". Các thi nhân đời sau đã khen ngợi rằng chỉ với bẩy chữ, câu này đã diễn tả đủ được vẻ đẹp của hoa mai.
Vương Duy (701-761), một thi sĩ kiêm họa sĩ đời Đường, đã nhắc đến hoa mai qua bài Tạp Thi bất hủ:
Quân tự cố hương lai
Ung tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị
Người từ quê cũ đến
Hẳn biết những chuyện ở quê nhà
Ngày đi qua trước cửa buồng thêu
Có thấy Hàn Mai nở hoa không?
Nơi đất khách, gặp bạn cùng quê, nhà thơ không vội hỏi thăm chuyện quê cũ mà hỏi đến cội mai xưa. Cũng vậy, Lý Bạch, trong khi ngồi uống ruợu trên lầu Hoàng Hạc, nghe có người thổi khúc sáo Lạc Mai Hoa, đã bồi hồi nhớ đến bóng mai nơi kinh thành Trường An xa xôi vạn dặm:
Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt "Lạc mai hoa"
Thân là người khách đến tận Trường Sa xa vạn dặm
Trông về phía Tây, nơi thành Trường An, mà không thấy nhà.
Ngồi trên lầu Hoàng Hạc, nghe tiếng sáo ngọc thổi.
Giữa tháng năm, chợt vang khúc "hoa mai rụng" ở chốn Giang thành
Lô Đồng (790-835), một nhà thơ khác đời Đường, đã thi vị hóa hoa mai với người đẹp (hay người đẹp với hoa mai?) trong những câu cuối của bài Hữu Sở Tư:
Mỹ nhân hề! mỹ nhân!
Bất tri mộ vũ hề! vi triêu vân ?
Tương tư nhất dạ mai hoa phát
Hốt đáo song tiền nghị thị quân
Người đẹp này! người đẹp!
Chẳng hay (bây giờ) là mưa chiều hay mây sớm ?
Một đêm nhớ nhau mai nở hoa
Trông thấy hoa trước cửa sổ, ngỡ là bóng nàng
Bài thơ được nhiều người dịch ra tiếng Việt. Bài dịch hay nhất, theo thiển ý, là bài của Tản Đà với nhan đề "Có Nhớ Ai":
Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu?
Mưa chiều mây sớm, ai hầu biết ai?
Nhớ nhau suốt một đêm dài,
Trước song trắng toát hoa mai lúc nào!
Ngỡ mình chẳng phải mình sao?
(.......)
Ở phương Nam, các nhà thơ của dân tộc ta không hề thua kém các nhà thơ phương Bắc trong lãnh vực thưởng thức và ca ngợi hoa mai. Một trong những nhà thơ hết lòng ưu ái loại hoa này là Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê. Cụ đã từng giải thích lý do tại sao mình yêu mai đến thế:
Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà?
Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết
Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu?
Vì tuyết trắng, mai thơm và tinh khiết
Cụ đã từng thổ lộ thú tiêu khiển trang nhã của cụ:
Hái cúc, ương lan, hương bén áo
Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn
Trong 21 bài "Ngôn Chí", Nguyễn Trãi đã nhắc đến mai qua 8 bài. Điển hình như:
Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
(Ngôn Chí 2)
Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng
(Ngôn Chí 15)
Lê Cảnh Tuân, một danh thần trong thời kháng Minh, khi bị quân Minh bắt về giam tại Kim Lăng, đã gửi gấm nỗi nhớ cố hương trong bài "Nguyên Nhật" (ngày đầu năm):
Lữ quán khách nhưng tại
Khứ niên xuân phục lai
Quy kỳ hà nhật thị
Lão tận cố hương mai
Đất khách ngày lần qua
Xuân đã quay trở lại
Bao giờ về quê cũ
Cội mai hẳn đã già?
(Nguyễn Ngọc Bảo dịch)
Đến cụ Nguyễn Du, lòng yêu mai có lẽ tăng thêm một bậc nữa. Trên đường trở về cố hương sau chuyến đi sứ sang Trung Quốc, cụ đã nán lại Từ Châu và chống chọi với giá buốt suốt ba tháng trời chỉ cốt để ngắm mai nở trên đầu núi:
Nhượng tận khổ hàn tam duyệt nguyệt
Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa
(Trích Từ Châu Đạo Trung)
Cố chịu khổ với giá buốt trong ba tháng nữa
Để được vui mừng ngắm hoa mai nở trên đầu non
Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi cụ đã sử dụng rất nhiều mỹ từ kèm với "mai" trong tác phẩm bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh như lầu mai, tiên mai, mưa mai, sân mai, hồng mai, song mai, trướng mai, hồn mai, giấc mai. Tương truyền khi đi sứ sang Tầu vào năm 1813, cụ Nguyễn Du đến thăm một xưởng chế tạo đồ sứ danh tiếng tên Ngoạn Ngọc ở tỉnh Giang Tây. Lúc bấy giờ xưởng đang chuẩn bị chế tạo bộ trà Mai Hạc. Với nhã ý đáng ca ngợi, vị chủ hãng ngỏ lời xin quan chánh sứ phẩm đề một câu để quảng cáo cho kiểu đồ trà này. Người khác, ở vào trường hợp tương tự, chắc chắn sẽ nghĩ đến câu thơ chữ Hán. Tuy nhiên, quan chánh sứ lại dùng chữ Nôm của nước nhà mà viết nên câu:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen
Kết quả là các bộ trà Mai Hạc sản xuất tại Giang Tây trong những năm sau đó có in hai câu thơ Nôm của cụ. Tuy nhiên, vì không biết chữ Nôm, nên các nghệ nhân Trung Hoa đã ghi sai hoặc ghi thiếu vài nét. Thêm nữa, thay vì phải viết thành một hàng 6 chữ, một hàng 8 chữ như quy định của thể thơ lục bát, họ lại viết thành ba hoặc bốn hàng với số chữ phân chia như sau:
6 + 2 + 6 (ba hàng)
5 + 2 + 5 + 2 (bốn hàng)
4 + 3 + 4 + 3 (bốn hàng)
Kể cũng là một giai thoại thú vị.
Sau thời cụ Nguyễn Du, có một vị thượng thư tên Đào Tấn (1845-1907), sinh quán tại Bình Định, cũng có thể kể là một bậc cuồng mai. Ông lấy hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng (ông sư Mai). Khi về hưu, ông tìm đất đặt mộ cho mình ở núi Mai Sơn, thuộc làng Hoàng Mai (Bình Định), và cho khắc một bài thơ trên mộ, trong đó có câu:
Núi Mai rồi gửi xương mai nhé
Ước được hoa mai hóa mộng hồn
Mai trong Thiền
Nếu các thi nhân thường làm thơ ca tụng vẻ đẹp và hương thơm của mai, hoặc mượn mai để gói ghém tâm sự hay khí tiết của mình, thì các thiền sư thường dùng mai làm ẩn dụ để chuyển tải ý đạo, như một thiền sư Trung Hoa đời Đường với bài "Cổ Mai" nêu sau:
Hỏa ngược phong thao thủy tí căn
Sương thuân tuyết trựu cổ đài ngân
Đông phong vị khẳng tùy hàn thử
Hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn
Lửa táp, gió lùa, nước ngâm thân
Sương (như) búa tuyết (như) cưa khắc vết hằn
Gió đông buốt giá dầu chưa đến
Vẫn cứ đâm chồi tỏa ngát hương.
Phải chăng thiền sư muốn nhắn nhủ chúng ta hãy bền gan vượt qua mọi cám dỗ, mọi thử thách trên đường tu đạo và hành đạo? Công phu đến độ chín muồi thì tâm ắt sẽ khai hoa, cũng như mai nở sẽ đúng thời khắc sau khi dãi dầu đủ gió mưa sương tuyết.
Bài Cổ Mai nêu trên khiến chúng ta nhớ đến bài kệ của Tổ Hoàng Bá (?-850), một thiền sư danh tiếng người Phúc Kiến:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bã thằng đầu tố nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.
Vượt cõi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
Nhiều thiền sư Việt Nam cũng đã để lại cho hậu thế những bài thơ hoặc kệ bất hủ dùng mai làm ẩn dụ như Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096), Điều Ngự Giác Hoàng (1258-1308), tức vua Trần Nhân Tông, Huyền Quang Tôn Giả (1254-1334), và Tuyết Giang Phu Tử (1491 - 1585), tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (nhiều người xem Tuyết Giang Phu Tử là một bậc thiền sư), v.v.
Bài thơ (hay kệ) được biết đến nhiều nhất là bài "Cáo Tật Thị Chúng" (cáo bệnh để dậy đệ tử) của thiền sư Mãn Giác, đời nhà Lý. Trước khi viên tịch, thiền sư cáo bệnh, đóng cửa thiền phòng để tham thiền nhập định. Đến chiều tối, ngài thảo bài kệ, bước ra khỏi phòng, mỉm cười trao cho các đệ tử đang bồn chồn lo lâu cho sức khỏe người thày. Bài kệ trở thành những lời dậy hàm súc nhất của
một bậc thiền sư gửi lại cho hậu thế:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai."
(Ngô Tất Tố dịch)
Cuộc đời là một dòng vô thường không ngừng biến chuyển theo thời gian. Tất cả mọi vật hiện hữu trong vũ trụ, hễ có sinh thì có diệt; vì vậy, với con người, sinh lão bệnh tử là chuyện dĩ nhiên. Tuy nhiên, có một cái bởi không sinh nên không diệt. Đó chính là bản lai diện mục, là pháp gốc, là cái Tâm của mỗi người chúng ta. Cành mai trong bài kệ có thể không có thật ở chốn đình tiền đêm năm ấy (dẫu có thật, rồi hoa cũng phải rụng rơi theo ngày tháng). Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc, cành mai ấy đã hiện hữu ở từng sát na trong mắt nhìn của thiền sư, đúng ra là ở trong tâm ngài. Cành mai ấy mọc bên ngoài dòng sinh tử vô thường của thời gian và nở bên ngoài quy luật bể dâu của vũ trụ.
Tâm hoa nếu đã nở thì việc gì phải cậy đến mùa xuân. Mà thật ra, làm gì có mùa xuân. Chúng ta thấy xuân đến xuân đi chỉ vì chúng ta đang sống trong vọng thức.
Thấu đáo ẩn dụ của cành mai trong bài kệ, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy an nhiên tự tại khi đối diện với sinh tử vô thường của tạo hóa, với được, thua, còn, mất của kiếp người.
Câu Chuyện Thú Vị:
Hoa Mai, Mai Nở Hoa, hay Tam Sao Thất Bản?
Bàn về hoa mai, người viết chợt nhớ đến một chuyện khá lý thú.
Khoảng 8 năm trước, người viết đọc được một câu chuyện do giáo sư Đỗ Quý Toàn kể trong tác phẩm "Tìm Thơ Trong Tiếng Nói", Thanh Văn xuất bản năm 1992 tại California.
Giáo sư chính là một trong những vị thày của người viết tại trường trung học Chu Văn An thuở trước. Ông hiện là chủ biên báo Người Việt tại California. Dưới tiểu đề "Khi mai hoa không phải là hoa mai", câu chuyện được giáo sư thuật lại như sau:
"Xin kể thêm một kinh nghiệm riêng về đọc thơ để nói rõ hơn về tác động thi vị của cách ghép các từ và cách ngắt câu trong thơ.
Trên một chuyến xe đò Sài Gòn - Bà Rịa, tôi đọc lần đầu bài thơ "Thăm Chùa Thiền Tông" của Nguyễn Du. Hai câu thực (câu 3 và 4) làm tôi thích thú:
Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý
Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung
Tôi hiểu như thế này:
Hoa mai ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng
Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng
Tôi rất yêu những hình ảnh này. Thầy Châu Toàn đi cùng xe với tôi, một người rất nghệ sĩ, kể tôi nghe về ngôi chùa ở ngoại vi thành phố đó, nhưng không nói thêm gì về bài thơ. Mấy năm sau, thày đã mất, tôi với Châu Văn Thọ có dịp ra Huế, tôi tới chùa Thiền Tông đảnh lễ ngài hòa thượng Giác Nhiên. Tôi bồi hồi tưởng nhớ thầy Châu Toàn, vào chánh điện tìm cái chuông thời Cảnh Hưng vẫn còn đó (Cảnh Hưng do quải cựu thời chung), nhìn mấy hàng chữ đề niên hiệu, mấy hàng chữ mà thế kỷ trước Nguyễn Du đã nhìn. Thật là cảm động.
Trong vòng hơn mười năm, tôi vẫn nhớ lại bài thơ, nhất là hai câu Thực. Ở Montreal tôi đọc cho Đinh Ngọc Mô nghe, cũng khoái trá. Chúng tôi đã thử cố dịch bài thơ đó mà chưa bao giờ hài lòng.
Cổ-tự mai-hoa, hoàng diệp lý
Tiên-triều tăng-lão, bạch vân trung
Thế rồi một bữa Mô cho tôi biết cách tôi hiểu hai câu thơ đó là sai. Hắn đã đọc bài thơ cho một nhà nho nghe. Cụ Đàm đã trên 80 tuổi. Cụ bảo hai câu Thực phải đọc như thế này mới đúng:
Cổ-tự-mai / hoa hoàng diệp lý
Tiên-triều-tăng / lão bạch vân trung
Chỗ ngắt câu là ở sau tiếng thứ ba, và trong hai câu đó, tiếng thứ tư là động từ chứ không phải danh từ. Cho nên phải hiểu như sau:
Cây mai ở ngôi chùa cổ nở hoa trong đám lá vàng
Vị sư triều đại trước già đi giữa cõi mây trắng
Lúc đó cả một thế giới bị đảo lộn. Chắc sẽ phải thăm chùa Thiền Tông lần nữa, đứng đó khấn vái, tạ tội với hương hồn cụ Nguyễn Du. Thế ra con người tài tình đó đã tặng cho tôi một bảo vật, mà tôi chỉ chờn vờn ngắm nghía cái vỏ đựng bên ngoài. Như sờ mó một hòn đá mà không biết bên trong còn có ngọc. Vậy ra hoa mai không phải là cây hoa mai, mà cây mai nở hoa. Tăng lão không phải là ông già đi tu mà là vị sư ngả tuổi già. Thay đổi một chỗ ngắt câu, đổi danh từ thành động từ, cả bài thơ bỗng chuyển hóa! Không gian biến thành thời gian. Tĩnh hóa thành động. Hình ảnh đang đứng yên bỗng rung chuyển. Cái nỗi phù du của con người, của triều đại chính trị càng thêm thấm thía.
Một câu thơ bỗng nối dài bao vòng xoay của trái đất quanh mặt trời. Nếu nhìn từ cõi biến đổi, thì mái tóc đang nhuốm bạc kia là lớp lớp biển dâu. Còn như nếu nhìn bằng con mắt bất biến thì hoa mai năm năm vẫn cứ nở trong cõi lá ngả vàng, có khác chi đâu? Không dùng danh từ mà dùng động từ, Nguyễn Du chẳng cần dùng nhiều lời hùng biện như Tô Đông Pha (Tự kỳ biến giả nhi quán chi ... tự kỳ bất biến giả nhi quán chi ...).
Thơ của cổ nhân xúc tích và uyên ảo, đọc mà không đủ thanh tịnh thì không cảm thấy được bao tình ý, hình ảnh, thật là có tội. Khi đọc "mai hoa" mình đã dùng cái khuôn sáo thông tục hằng ngày để hiểu là hoa mai. Cái thói quen ăn xổi ở thì khi dùng ngôn ngữ đã thành cố tật. Thật là có tội."
Câu chuyện giáo sư kể thật lý thú và cảm động. Người viết đã nhiều lần thuật lại câu chuyện này cho các bằng hữu trong những buổi mạn đàm về thi ca. "Mai nở hoa trong đám lá vàng". Mai hoa đâu đã chắc là hoa mai. Hay, hay thật!
Cho đến một hôm.
Cuối năm 1999, người viết được một bằng hữu từ Việt Nam gửi tặng tuyển tập "192 Bài Thơ Chữ Hán của Tiên Điền Nguyễn Du", do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1996 tại Hà Nội. Trong số những bài thơ này có bài "Vọng Thiên Thai Tự" thuộc tập Nam Trung Tạp Ngâm, tức bài thơ giáo sư Toàn đã đề cập ở trên. Đọc bài thơ, người viết bỗng ngạc nhiên khi thấy trong hai câu Thực, câu đầu không giống như câu giáo sư đã nhắc đến mà là:
Cổ tự / thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều / tăng lão bạch vân trung
Chữ "mai" trong câu này không phải là hoa mai nhưng là động từ "chôn", "vùi" như mai trong các câu thành ngữ "mai ngọc trầm châu" và "mai danh ẩn tích". Còn "thu" chính là mùa thu. Như vậy, hai câu thực của bài mang ý nghĩa:
Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng
Trên căn bản lý luận, "thu mai " hợp lý hơn "mai hoa", vì cụ Nguyễn Du làm bài thơ từ một khoảng cách khá xa chùa. Khi "hướng trông lên Thiên Thai Tự" (tên bài thơ), cụ trông thấy chùa như đang bị vùi dưới những tàn lá vàng mùa thu, một hình ảnh thật đẹp mắt. Dĩ nhiên, từ khoảng cách ấy,chắc chắn cụ không thể thấy được những đóa mai đang nở hoa trong đám lá vàng.
Sau khi đọc bài thơ in trong tuyển tập, người viết đã cố công tìm được vài tài liệu khác và bản nào cũng ghi là "thu mai" chứ không phải "mai hoa" như bản giáo sư Toàn đã đọc trên chuyến xe đò thuở trước. Nguyên văn bài thơ như sau:
Vọng Thiên Thai Tự
Thiên thai sơn tại đế thành đông
Cách nhất điều giang tự bất thông
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung
Nhìn Lên Chùa Thiên Thai
Núi Thiên Thai nằm phía cuối thành đông
Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang
Ngôi chùa cổ (ở đó) bị mùa thu vùi trong đám lá vàng
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng
Thương thay (cho mình) tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả
Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung
Nhớ năm trước (ta) đã từng đến đấy
Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng
Chùa Thiền Tôn, hay Thuyền Tôn, hiện tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thúy An, thành phố Huế. Chùa được xây vào đầu thế kỷ 18 và nằm bên trái núi Thiên Thai nên còn được gọi là Thiên Thai Tự.
Đọc xong bài thơ, người viết bỗng có cảm tưởng hụt hẫng như bị mất một điều gì. Tại sao là "thu mai" mà không phải "mai hoa". Câu chuyện giáo sư Toàn kể đã hay về văn chương mà lại độc đáo về "thiền". Những đóa mai nở sớm khi đám lá vàng chung quanh (dĩ nhiên không phải lá của mai) còn dùng dằng chưa rơi rụng. Đọc câu thơ mà tưởng chừng nghe được tiếng chuyển động của những cánh hoa đang khai nở và cảm được mùi hương thanh khiết từ nhụy hoa nhẹ thoảng ra. Bỗng dưng bây giờ những đóa mai ấy biến mất. Thế có đáng giận không hở cụ Tiên Điền?
Dù sao đi nữa, nếu có cơ hội trở lại thăm chùa Thiền Tôn, có lẽ vị thày khả kính của người viết sẽ phải khấn vái tạ tội với cụ Tiên Điền. Không phải chỉ tạ tội một lần như thày từng phát nguyện, mà phải tạ đến hai lần vì suốt hai mươi mấy năm trời đã cả tin vào một câu thơ tam sao thất bản.
ooOoo
Lại thêm một mùa xuân về trên đất khách.
Cộng chỉ mai hoa báo tiêu tức
Xuân tằng hà đáo dị hương nhân
(Nguyễn Du)
Cùng nhau chỉ hoa mai báo tin xuân
Nhưng xuân có bao giờ đến với người nơi đất khách
Phải chăng hai câu thơ nêu trên chính là tâm trạng chúng ta mỗi khi chứng kiến cảnh xuân trên xứ nguời? Có cố công tìm một nhánh (gọi là) mai, mang về cắm trong chiếc độc bình bầy giữa nhà cũng đủ có mùa Xuân.
2007
friend- Chạy bàn
- Tổng số bài gửi : 243
Join date : 08/06/2012
Similar topics
» ĐẦU NĂM NHẮC CHUYỆN TẾT.
» Năm Tỵ nói chuyện Rắn.
» Tết Việt Nam kể chuyện MẮM.
» CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI.
» Chuyện Trăm Năm....
» Năm Tỵ nói chuyện Rắn.
» Tết Việt Nam kể chuyện MẮM.
» CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI.
» Chuyện Trăm Năm....
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết