Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!

Join the forum, it's quick and easy

Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!
Quán Thời Gian
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Thủ Đức trong tôi!

Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Thu Jun 21, 2012 8:20 am

Trước hết xin mời các bạn đọc lại bài viết của Lâm Vĩnh Thế về Thủ Đức...

Thủ Đức trong tôi! Duongquathuduc1900
Đường qua Thủ Đức năm 1900.

Một Chút Lịch Sử Và Địa Lý

Cũng như mọi vùng đất khác ở Miền Nam, vùng Thủ Đức đã trãi qua nhiều đổi thay về lãnh thổ và hành chánh trong mấy thế kỷ vừa qua.
Năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725, tức Quốc Chúa) cử vào "kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố thành hai huyện: lấy xứ ĐồngNai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định)" (1) .
Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An.
Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa.
Năm 1837, vua cho lập thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Ngãi An và Long Khánh. Huyện Ngãi An gồm 4 tổng An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình chính là vùng Thủ Đức ngày nay. Trong thờI Pháp thuộc, huyện Ngãi An (Thủ Đức) được cho chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định. Trong thời Cộng Hòa (1955-75) quận Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định. Sau ngày 30-04-1975, quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức và thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước năm 1975, quận Thủ Đức có diện tích vào khoảng 200 km2 và gồm có tất cả 15 xã với một dân số là 184.989 người. 15 xã là các xã sau đây (2):
• Long Thạnh Mỹ
• Long Bình
• Phú Hữu
• Thạnh Mỹ Lợi
• Bình Trưng
• Linh Xuân
• An Phú
• Phước Long
• Tam Bình
• Linh Đông
• Hiệp Bình
• Long Trường
• Long Phước
• Tăng Nhơn Phú
• Phước Bình
Sau năm 1975, có một số thay đổI về hành chánh và lãnh thổ của huyện Thủ Đức.
Theo quyển Danh Mục Các Đơn Vị Hành Chánh Việt Nam của Tổng Cục Thống Kê xuất bản năm 1993, huyện Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 1 thị trấn và 20 xã như sau (3):
• Thị trấn Thủ Đức
• Xã Linh Đông
• Xã Hiệp Bình Chánh
• Xã Hiệp Bình Phước
• Xã Linh Xuân
• Xã Linh Trung
• Xã Tam Phú
• Xã Tam Bình
• Xã Phước Long
• Xã Phước Bình
• Xã Tân Phú
• Xã Hiệp Phú
• Xã Tăng Nhơn Phú
• Xã Long Thạnh Mỹ
• Xã Long Bình
• Xã Long Phước
• Xã An Phú
• Xã Bình Trưng
• Xã Phú Hữu
• Xã Long Trường
• Xã Thạnh Mỹ Lợi
Theo Nghị Định số 3-CP do Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 06-03-1997 (4), lãnh thổ của huyện Thủ Đức được chia thành 3 quận: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9.
Quận Thủ Đức chỉ còn bao gồm Thị trấn Thủ Đức, các xã Linh Đông, Linh Xuân, Linh Trung, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Bình, và một phần của các xã Phước Long, Tân Phú và Hiệp Phú.
Quận 2 bao gồm các xã An Phú, Bình Trưng và Thạnh Mỹ Lợi (thêm các xã An Khánh và Thủ Thiêm).
Quận 9 bao gồm các xã Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, Phú Hữu, Long Trường, và một phần của các xã Phước Long, Tân Phú và Hiệp Phú. VớI sự thay đổI mới nhứt nầy, danh xưng của vùng Thủ Đức được đổi trở lại là Quận và các xã được đổi lại gọi là Phường.
Quận Thủ Đức mớI nầy gồm 12 phường vớI tổng số diện tích là 4.726 Ha và với một dân số tổng cộng là 151.818 nhân khẩu, chia ra như sau:
Tên Phường Diện tích (Ha) Nhân khẩu
Linh Đông 295 19.206
Hiệp Bình Chánh 626 16.508
Hiệp Bình Phước 766 12.254
Tam Phú 298 12.926
Linh Xuân 382 13.666
Linh Chiểu 130 11.576
Trường Thọ 409 20.161
Bình Chiểu 549 12.288
Linh Tây 141 11.838
3
Bình Thọ 108 10.906
Tam Bình 341 7.831
Linh Trung 681 14.134
_________ ___________
Tổng cộng: 4.726 Ha 151.818 dân
Theo bản đồ mới nhất của T.P. Hồ Chí Minh do Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản năm 2000, Quận Thủ Đức phía Bắc giáp với Huyện Thuận An của Tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp với Quận 9, phía Nam với Quận Bình Thạnh, và phía Tây giáp với Quận 12 và Quận Gò Vấp của T.P. Hồ Chí Minh. Con sông Sài Gòn là ranh giới của Quận Thủ Đức về phía Nam và Tây Nam. Xa lộ Biên Hòa là ranh giới về phía Đông giữa Quận Thủ Đức và Quận 9.

Thủ Đức Ngày Xưa: Một Vùng Nữa Chợ Nữa Quê

Thủ Đức trong tôi! Chothuducxua
Chợ Thủ Đức xưa

Do vị trí tiếp cận với Sài Gòn, Thủ Đức, ngay trong thời Pháp thuộc, đã từng là một vùng nữa chợ nữa quê. Từ Sài Gòn đi lên Thủ Đức, khi tôi còn nhỏ, trong thập niên 40 và 50, chỉ có một lối duy nhứt là theo Quốc Lộ 1 qua Cầu Bông (Đa Kao), vào Bà Chiểu, qua Ngả Tư Bình Hòa và Ngả Năm Bình Hòa, qua Cầu Băng Ky, Cầu Bình Lợi, Cầu Gò Dưa, và sau cùng là Cầu Ngang để vào Chợ Thủ Đức. Sang thập niên 60, thì có thêm một lối nữa là đi bằng Xa lộ Biên Hòa, qua khỏi nhà máy Xi Măng Hà Tiên, khu vực Làng Đại Học rồi rẽ trái tại Ngả tư Xa lộ để vào Chợ Thủ Đức (nếu rẻ phải thì vào Chợ Nhỏ và Trường Bộ Binh Thủ Đức). Bây giờ thì có thêm một lối đi nữa là theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (tức là đường Hồng Thập Tự trước 1975), qua Ngả tư Hàng Xanh, theo Quốc lộ 13, qua Cầu Bình Triệu, đến Ngả tư Bình Triệu thì rẽ phải để đi về hướng Cầu Gò Dưa.

Tính cách nữa chợ nữa quê nầy của vùng Thủ Đức thể hiện qua nhiều phương diện.
Giữa Cầu Gò Dưa và Chợ Thủ Đức ta có thể trông thấy nhiều cánh đồng lúa, nhiều khu vườn cây ăn trái với những ngôi nhà tranh vách đất, nhưng xuống khỏi dốc Cầu Ngang thì đã vào Thị trấn Thủ Đức vớI phố xá san sát hai bên Chợ Thủ Đức. Tính cách nữa chợ nữa quê nầy càng thấy rõ hơn qua mặt kinh tế. Thủ Đức có những cánh đồng lúa, những khu vườn cây ăn trái, những vườn cao su, nhưng cũng có những nhà máy kỹ nghệ thuộc loại lớn nhất trong nước (thời V.N.C.H.) như Nhà máy Xi Măng Hà Tiên, Nhà máy dệt VIMYTEX, Nhà máy làm sửa hộp Foremost, Nhà máy nước Đồng Nai, Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, Nhà máy kim khi VIKIMCO, Nhà máy sản xuất tôle VINATON, vv...

Một khía cạnh nữa là sự kiện từ lâu vùng Thủ Đức đã là "sân sau" của người Sài Gòn. Trong thời Pháp thuộc, Thủ Đức đã là một khu ăn chơi nổI tiếng qua câu nói "Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ" (xin lưu ý về cách chơi chữ, nói lái, trong câu nói). Tài tử giai nhân Sài Gòn thời "thái bình" (từ ngữ của thế hệ cha ông chúng ta để mô tả giai đoạn cực thịnh của thực dân Pháp), sau một chầu hát bội hay "ca ra bộ" ở Sài Gòn, có thể đi "xe kiếng" hay "xe song mã" lên Thủ Đức nhậu nhẹt và ăn nem (lúc bấy giờ nem Thủ Đức là nổi tiếng nhất Nam Kỳ; sang thời Cộng Hòa thì nem Thủ Đức đã xuống dốc nhiều và nhường địa vị lại cho nem Lái Thiêu) cho đến sáng mới trở về Sài Gòn, và vì thế mớI tạo ra câu nói kể trên. Người ta cũng rủ nhau đi tắm suối Xuân Trường, một con suối nhỏ ở khoảng giữa Thủ Đức và Dỉ An. Thi sĩ Tản Đá, sau khi đã trở lại đất Bắc, vẩn còn bâng khuâng tưởng nhớ đến nem Thủ Đức và suối Xuân Trường qua câu thơ:
Thủ Đức, Xuân Trường, khách vắng đông?
Trong thời Cộng Hòa thì dân Sài Gòn vẩn tiếp tục truyền thống nầy. MổI cuối tuần, nếu không đi chơi xa như Vũng Tàu, Long Hải để tắm biển, hay không lên Lái Thiêu, Bình Dương hái và mua trái cây, thì ngườI ta lên Thủ Đức tắm "piscine". Hồ bơi Hoàn Cung, ngó ngang qua quán Con Gà Quay, đã một thờI làm ăn phát đạt. Về sau thì lại có thêm một hồ bơi nữa là Ngọc Thủy. Chính vì sự hiện diện của các hồ bơi nầy mà suối Xuân Trường đã dần dà bị rơi vào quên lảng. Khoảng cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thì Thủ Đức lại có thêm một trung tâm giải trí lớn nữa là khu Đường Sơn,Quán bên phía Xa lộ Đại Hàn với sân trượt (patin) nổi tiếng và thu hút rất đông dân Sài Gòn vào mổi cuối tuần.

Lâm Vĩnh Thế


Được sửa bởi minhthanh ngày Sat Jun 23, 2012 5:34 pm; sửa lần 2.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Thu Jun 21, 2012 10:06 am

Thủ Đức trong tôi! 8754679

Thánh đường trên trăm tuổi

Từ chợ Thủ Đức, lên một con dốc thoai thoải, bên trái đường là một ngôi thánh đường màu hồng đậm nằm lọt trong rừng cây xanh um tùm, đó là nhà thờ Thủ Đức có trên trăm tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguy nga ban đầu.
Tương truyền, giáo dân vùng phụ cận Thủ Đức rất sùng đạo nhưng trong vùng không có nhà thờ. Mỗi chủ nhật, người dân phải cùng nhau đến nhà thờ Lái Thiêu để dự lễ. Khi đó vùng Thủ Đức bây giờ đang là rừng rậm, cọp beo rất nhiều, việc đi lại hết sức khó khăn, nguy hiểm. Năm 1880, linh mục Boutier được bổ nhiệm làm cha sở họ Phong Phú - Thủ Đức. Ông là một kiến trúc sư có tài và nhà thờ Thủ Đức hiện nay là một trong những công trình kiến trúc do ông thiết kế.

Thủ Đức trong tôi! 577467644435fb82d071o
Nhà thờ Thủ Đức 1889

Nhà thờ Thủ Đức được xây dựng theo kiến trúc Gothique. Nhìn từ ngoài vào, tất cả các cửa chính và cửa sổ của nhà thờ đều có hình vòm nhọn, tạo cho công trình vẻ cao ráo, nhẹ nhàng. Hai hàng cột chính trong thánh đường không cầu kỳ như kiến trúc Roman nhưng vẫn đẹp nhờ những đường nét trang trí thanh thoát phần đỉnh cột. Vòm trần nhà thờ có hình nhiều quả trám chụm lại, tạo cảm giác thánh đường rộng và cao vút. Các cửa sổ nằm sát mái gắn kính màu sáng có hình hoa hồng, vừa là nơi lấy ánh sáng vừa là điểm nhấn trang trí. Suốt chiều dài tường hai bên nhà thờ trang trí rất nhiều tượng gỗ diễn tả các tích trong kinh thánh. Phong cách kiến trúc Gothique khiến nhà thờ Thủ Đức mang đậm vẻ thâm nghiêm nhưng hết sức lộng lẫy và gần gũi. Năm 1931, nhà thờ được mở rộng ra hai bên. Năm 1935, nhà thờ một lần nữa được nới rộng thêm và có hình dáng như hiện nay. Điều đáng nói là tất cả các phần nới thêm không hề phá vỡ kiến trúc vốn có của ngôi thánh đường mà còn khiến nó đẹp và bề thế hơn. Nhà thờ Thủ Đức có khuôn viên rất rộng, khoảng trên sáu ngàn mét vuông. Khu vườn quanh nhà thờ còn nhiều cây cổ thụ tuổi ngót nghét bằng tuổi ngôi thánh đường. Khu rừng cây tạo cho nhà thờ một không gian thoáng mát, màu sơn hồng đậm của thánh đường được màu xanh mát của cây lá tôn lên càng nổi bật.

Được biết, ngoài nhà thờ Thủ Đức, linh mục Boutier còn là người vẽ thiết kế nhà thờ Huyện Sĩ ở TPHCM. Hai ngôi thánh đường có chung kiến trúc Gothique nhưng mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng.

Thủ Đức trong tôi! Nhathohuyensy
nhà thờ Huyện Sĩ

ST



Được sửa bởi minhthanh ngày Tue Jul 03, 2012 2:50 pm; sửa lần 1.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Sat Jun 23, 2012 6:35 pm

THỦ ĐỨC TRONG TÔI

Thủ Đức trong tôi! Thuduclagranderue
Thủ Đức năm 1955

Tấm hình trên là chợ Thủ Đức năm tôi chào đời, bây giờ nếu có ai đi ngang qua đó thì chỉ còn nhận ra cái mái chợ hao hao giống ngày trước mà thôi!
Chợ huyện nằm phía dưới thấp,trước cỗng chợ là nơi năm con đường hội tụ về. "Ngã Năm Thủ Đức" người ta đã gọi nó như thế.Hai con dốc đổ xuống chợ, một từ hướng Biên Hoà đổ xuống đây là dốc Con gà Quay, một từ hướng Chợ Nhỏ đổ về và đó là dốc Nhà Thờ nơi có Thánh Đường trên một trăm năm nằm gần cuối chân dốc.

Thủ Đức trong tôi! Duonglendocnhatho1968
Dốc Nhà Thờ

Thủ Đức trong tôi! ThuDuc69-duonglendocConGaQuay
Dốc Con Gà Quay.

Dốc Con Gà Quay là nơi Lâm Vĩnh Thế bảo là có hồ tắm Hoàng Cung, cái tên nầy thì tôi không biết nhưng khi tôi lớn lên thì tên nó là hồ tắm Cộng Hoà! Có khi Hoàng Cung là tên cũ của nó cũng nên! Đối diện hồ tắm là Trạm Y tế Thủ Đức, nơi nầy là một ngã ba, từ chợ lên rẽ trái là ngã vào Đình Linh Tây, rồi tới trụ sở hành chánh Quận, đối diện trụ sở hành chánh là sân bóng. Con đường nầy sẽ vòng xuống Cầu Dông và gặp con đường từ chợ lên Tam Hà.
Chân dốc Con Gà Quay nơi tiếp giáp ngã năm là trường Nữ Tiểu Học,cạnh trường hướng lên dốc là Chùa Ông và cũng là trường tiểu học Đại Thành của cộng đồng người Việt gốc Hoa.

minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Mon Jun 25, 2012 2:37 pm

Đi ngược lên Dốc Con Gà Quay, đến ngã ba đầu tiên quẹo trái, đi tiếp khoãng hai trăm mét rẽ phải là đường đi đến Lăng Quý Tộc Họ Hồ tức đình Linh Tây.
trích.
.......Lăng quý tộc họ Hồ, hoàng thái hậu, vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị tại làng Linh Chiểu Tây (Thủ Đức).Lăng này còn tốt, tuy có vẻ đìu hiu. Trong sử ngày xưa, vua Tự Đức sai ông Phan Thanh Giản sang Pháp nói chuyện đem tiền chuộc đất ba tỉnh Miền Đông cũng vì những ngôi mộ này một phần nào.
........
SaiGon năm xưa của Vương Hồng Sển.

Thủ Đức trong tôi! Dinh_l15

Thủ Đức trong tôi! Dinh_l16

ĐÔI DÒNG VỀ BÀ HỒ THỊ HOA

Bà HỒ THỊ HOA tức TÁ THIÊN HOÀNG HẬU vợ vua MINH MẠNG.

Bà húy là Hồ Thị Hoa còn có tên là Thật, người huyện Bình An, Biên Hòa là con gái của Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi, mẹ họ Hòang. Bà sinh ngày 5 tháng 11 năm Tân hợi (30.11.1791).

Năm Bính Dần (1806) đức Thế Tổ và Thuận Thiên Hòang Hậu tuyển chọn con gái công thần làm phi cho Thánh Tổ nên bà được vào hầu nơi tiềm để. Bà tính tình dịu dàng thận trọng, hiền đức, một lòng hiếu kính nên Thế Tổ rất ngợi khen ban cho tên là Thật. Nguyên trứơc đó Thế Tổ bảo: “Phi nguyên có tên là Hoa là lấy nghĩa ở 4 chữ “Đặc dĩ phương văn” (để truyền hương thơm) sao bằng tên Thật gồm cả phúc lẫn quả.

Tháng 5 năm Đinh Mão (1807) bà sinh Hiến Tổ Chương Hòang Đế mới được 13 ngày thì bà mất.

Bà mất ngày 23 tháng 5 năm Đinh Mão (26.8.1807), lúc 17 tuổi. Lăng của bà được xây năm Tan sửu (1841) ở xã Cư Chính, Hương Thủy, Thừa Thiên.

Tháng 6 năm Tân tỵ (1821) được sách tặng Chiêu Nghi, thụy Thuận Đức hợp thờ tại Gia phi Phạm thị từ (Gia Phi từ lúc đầu có tên là Hồ Phạm Nhị Tần từ (nhà thờ hai bà Tần họ Hồ và Phạm) được dựng ở phía đông sông Hộ thành ngòai Kinh thành, vào đầu đời Minh Mệnh để hợp thờ bà và Gia phi Phạm Thị Tuyết (thân mẫu của Thọ Xuân Vương). Qua năm Kỷ hợi (1839) lại làm nhà thờ riêng cho Gia phi ở bên phải phía Tây sông Hộ thành, đến năm Kỷ dậu (1849) Thọ Xuân Vương mới dời đến ấp Đông Trì (nay là Phú Cát, Huế)).

Tháng 5 năm Bính Thân (1836) bà được tặng là Thần Phi.
Tháng 10 năm Mậu tuất (1838) sắc lập nhà thờ tại làng Vạn Xuân phía Tây sông Hữu hộ thành và đến năm Kỷ hợi (1839) rước thân chủ về thờ tại đấy.
Năm Tân sửu (1841) vua Hiến Tổ dâng tôn thụy là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức Nhân Hòang Hậu, đặt tên nhà thờ là Vĩnh Tư Điện, tên lăng là Hiếu Đông.
Ngày 20 tháng 8 năm đó rước thần chủ của bà về thờ ở điện Hiếu Tư (nơi để tử cung của Thánh Tổ và thờ Thánh Tổ) nhà thờ cũ được triệt bỏ.
Ngày 9 tháng 5 Quý mão (1843) rước thần chủ của bà về phối thờ với Đúc Thánh Tổ ở Thế Miếu tại gian thứ nhất bên trái.
Bà chỉ sinh được một Hòang Tử là Nguyễn Phúc Tuyền (Hiến Tổ Chương Hòang Đế).
Thân sinh của bà là ông Hồ Văn Bôi vào năm Bính tuất (1826) được truy tặng Nghiêm Vũ Tướng Quân Hộ Quân Đô Thống, thân mẫu được tặng nhị phẩm phu nhân. Đến năm Tân sửu (1841) Hiến Tổ truy phong ông làm Đặc Tiến Tráng Vũ Tướng Quân Đô Thống Phủ Đô Thống Chưởng Phủ Sự Thái Bảo Thụy Trung Dũng, tước Phúc Quốc Công và bà là Nhất Phẩm Quốc Công Phu nhân, thụy Ủy Thuận. Ngòai ra cho lập nhà thờ ở Xuân Hòa, Hương Trà Thừa Thiên. Đồng thời cũng lập nhà thờ tại nguyên quán gọi là Hồ tộc từ đường.

(theo Nguyễn phúc Tộc Thế Phả – nhà xuất bản Thuận Hóa)

HỒ TỘC TỪ ĐƯỜNG là Lăng Quý Tộc Họ HỒ mà cụ Vương Hồng Sễn nói trên hiện nay là ĐÌNH LINH TÂY thuộc quận THỦ ĐỨC.Trong đình vẫn còn sắc phong của vua cho giòng họ Hồ,nhưng hài cốt dòng họ nghe nói đã dời về nghĩa trang Tiều Châu ở Bình Dương.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Tue Jun 26, 2012 7:31 am

Con đường từ ngã ba Dốc Con Gà Quay đi thẳng, bỏ qua ngã rẻ vào đình Linh Tây đến gần cua quẹo xuống bạn sẽ gặp trụ sở hành chánh Quận Thủ Đức xưa, bây giờ là doanh trại quân đội. Sau đó đổ xuống con dốc ra lại chợ, nếu rẻ phải thì đi về Tam Hà.

Thủ Đức trong tôi! 4132824578ab7487eaf9o
trụ sở hành chánh Quận Thủ Đức cũ

Bây giờ ta hãy về chợ trước khi ngược lên Tam Hà thăm một ngôi chùa nổi tiếng nơi đây!
Từ trụ sở quận, đổ dốc qua cầu Dông (Vông?) là về lại chợ. Con đường nầy nếu chạy thẳng sẽ vào ngay giữa chợ, quẹo phải thì ra bến xe đò Phước Lộc (Saigon-Thủ Đức) cuối cùng sẽ gặp con đường đi lên ga xe lữa bắt đầu từ cuối chợ.
nếu ta quẹo trái sẽ ra ngã năm đầu chợ. Trên con đường nầy có một rạp chiếu bóng nằm bên trái, đó là Rạp Đại Lợi (bây giờ là nhà sách Thủ Đức), ngày đó theo trí nhớ của tôi thì hình như chỉ chiếu toàn phim Ấn Độ mà thôi.

Thủ Đức trong tôi! Duonglengaxelua
đường lên ga xe lữa Thủ Đức bắt đầu từ cuối chợ.

KHU VỰC QUANH CHỢ THỦ ĐỨC

Thủ Đức trong tôi! Anh0031
Chợ Thủ Đức hôm nay

Đôi dòng về tên gọi THỦ ĐỨC:

Thủ
là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông, vì khá phổ biến thời trước nên "thủ" đã đi vào một số địa danh hiện nay hãy còn thông dụng, như: Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An).
Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa có lẽ là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với nơi làm việc của họ.

THỦ ĐỨC
Theo lời truyền khẩu của các vị bô lão ở địa phương : Khi xưa, có vị thủ đồn đầu tiên ở nơi này tên là Đức.
Đến sau, ông Tạ Dương Minh đứng ra qui dân lập chợ buôn bán, nhớ đến công vị thủ đồn tên Đức, nên lấy tên và chức tước của ông mà đặt cho chợ, gọi là chợ Thủ Đức nay đã thành danh.
trích trong quyển Gia Định Xưa của ông Huỳnh Minh

NGÃ NĂM CHỢ THỦ ĐỨC.

Như đã nói, chợ nẳm ngay giao lộ của năm con đường.Hai con dốc kia ta đã nói qua. Con đường thứ ba là con đừơng đi lên Tam Hà khi nãy chúng ta mới vừa đi vòng từ dốc Con Gà Quay về gặp nó. Trong hình dưới ta thấy đầu đường có tiệm ảnh Võ Văn ,bến xe lam Xuân Hiệp và rạp hát Đại Lợi màu vàng đất có chữ trắng bên trên.

Thủ Đức trong tôi! Nganamthuduc

Con đường thứ 4 là đường nằm giữa phố có tiệm nước Trần Phương Viên và chợ Thủ Đức.Con đường nầy ngày trước bà con buôn bán nên xe cộ không chạy qua đây được, cuối đường là Rạp Hát Việt Nam (chuyên dành cho những gánh hát Cải Lương diễn) nẳm trên con đường dẫn lên ga.

Thủ Đức trong tôi! Chothuduc
Ngã Năm Chợ Thủ Đức 1968

Con đường thứ 5 là đường từ hướng cầu Bình Lợi lên,chạy bên hông chợ Thủ Đức.

Thủ Đức trong tôi! Thuduc20
đường từ hướng Thủ Đức đi về cầu Bình Lợi

Thủ Đức trong tôi! Benhongchothuduc69
đường bên hông chợ Thủ Đức hướng từ Ngã năm đi về cầu Bình Lợi, bạn chú ý cột đèn bên trái nơi đây có một ngã ba, đầu ngã là bến xe lôi đi Giồng Ông Tố và con đường nầy đi vào xóm Giếng Bọng, cầu Phố Nhà Trà.
T









minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Wed Jun 27, 2012 10:53 am

Vậy là bạn đã nắm sơ qua năm con đường trung tâm ở chợ Thủ Đức.Bây giờ ta bắt đầu đi về hướng ga xe lữa Thủ Đức từ con đường cuối chợ, còn cách ga khoảng 50 mét ta gặp một ngã rẻ phải, lối nầy dẫn đến con đường đi lên Tam Hà .

Thủ Đức trong tôi! Gacuthuduc
Ga Thủ Đức cũ, nay không còn hoạt động nữa.

Con đường đi về Tam Hà cắt ngang thiết lộ , hồ tắm Ngọc Thuỷ mà Lâm Vĩnh Thế nhắc đến nằm song song với con đường sắt nầy. Trên đường đi ta sẽ gặp bên tay phải một ngôi trường đó là trường Bán Công hehe Very Happy Very Happy Very Happy tôi cũng đã học một năm ở đây trước khi vào Trung Học Thủ Đức, tôi còn nhớ trước cổng trường, bên kia đường có một quán cháo huyết rất ngon.
Qua khỏi chợ Tam Hà đi một đoạn nữa ta đến chùa Vạn Đức.

CHÙA VẠN ĐỨC

Thủ Đức trong tôi! Chuavanduc

Chùa Vạn Đức tọa lạc số 23/4 đường Tô Ngọc Vân, Phường Tam Phú, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Chùa do HT. Thích Trí Tịnh, đời thứ 41 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, hiện là Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, khai sơn năm 1954.
Chùa Vạn Đức có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Sau khi tiếp nhận, Hòa thượng đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”.
Kể từ đó, chùa được mở rộng vào các năm 1964, 1989, 1993 và từ năm 2003 đến năm 2005, đại trùng tu toàn bộ ngôi chùa, trở nên khang trang như ngày nay.
Chùa nằm trên khu đất rộng, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc chùa bao gồm cổng tam quan, chánh điện và đài Liên hoa. Tam quan xây ba tầng, mái lợp ngói lưu ly màu xanh, trên các đầu đao có gắn hoa văn hình hoa sen cách điệu, nóc gắn hình “lưỡng long chầu Pháp luân”. Qua khỏi tam quan là khoảng sân rộng trồng các loại cây kiểng, bonsai, tạo cảm giác mát mẻ và thanh tịnh. Bên trái sân chùa có cội bồ đề rợp mát. Đối diện cội bồ đề là một ao sen, giữa có đài Liên hoa vọt lên khỏi mặt nước, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Phía sau sân chùa là những hàng cau cảnh và những bụi trúc xanh um, trông giống như một bức tranh thủy mặc sống động…
Chùa Vạn Đức xây bằng vật liệu vĩnh cửu với kỹ thuật hiện đại. Toàn thể ngôi chùa được đúc bằng bê-tông, tường gạch, móng cọc nhồi. Nền chùa và các bệ thờ đều dán đá granit màu xám. Tất cả các cửa và cầu thang đều làm bằng thép trắng. Hoa văn trang trí được đúc bằng xi-măng hoặc kết bằng các mảnh gạch men, vừa mang tính truyền thống nhưng lại tân kỳ.
Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, được xem là ngôi chùa có chánh điện cao nhất hiện nay, nhìn từ xa trông giống như một ngọn tháp chín tầng và hai tháp nhỏ năm tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính. Tầng trên là nội điện thờ Phật, có nhiều ô cửa sổ, bên ngoài có lan can, bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Xung quanh có bốn lớp lan can giống như những tầng mây trắng, và mỗi vì sao là những ô cửa gió có hình chữ “Phật”. Hai bên hông lan can là hai cầu thang dẫn lên nội điện. Nổi bật trên nền kiến trúc nội điện là bức phù điêu cội bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền. Bức phù điêu được đắp bằng xi-măng trên vách sau chánh điện, xung quanh có tạc hình các vị thần Hộ pháp. Tầng trệt là giảng đường, dùng làm nơi thuyết pháp cho Phật tử; sát vách giữa thờ Tổ sư Đạt Ma tạc bằng đá cẩm thạch màu trắng toát và linh vị Hòa thượng Thiện Quang (1895-1953), bổn sư của Hòa thượng viện chủ. Phía sau giảng đường là một bích họa vẽ Hòa thượng Trí Tịnh đang ngồi dịch kinh.
Thực hiện công trình độc đáo này, kiến trúc sư Đỗ Thành Phương phải mất thời gian khá dài để hoàn thành bản vẽ, đồng thời phải mất 2 năm với hơn 60 thợ xây mới thực hiện xong phần chánh điện.
Có thể nói, chùa Vạn Đức là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, công trình còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, ngôi chánh điện cao nhất nước đã được xác lập kỷ lục Phật giáo Việt Nam!

Giang Phong
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Tue Jul 03, 2012 3:11 pm

Bây giờ ta quay lại đường lên dốc nhà thờ (đường nầy khi xưa tên là Hoàng Diệu).Đầu đừơng ngay ngã năm chợ là trường Quân Nhạc (bây giờ là Bưu Điện Thủ Đức), bên kia đường là trường Nữ tiểu học Thủ Đức. Ta đi lên một đoạn đến nhà sách An Thái , đối diện nhà sách là một cây xăng , cạnh cây xăng có một con đường chạy vòng qua bến xe Giồng Ông Tố và đường vào xóm Giếng Bọng. Mé bên trái đầu con đường nầy có một tiệm sinh tố "Sinh Tố Cao Cẳng" (vì quầy hàng cao, nên chủ nhân làm những chiếc ghế sắt cho khách ngồi uống được vừa tầm nên khách hàng vui tính đặt tên luôn cho tiệm sinh tố là "Sinh Tố Cao Cẳng".)

Thủ Đức trong tôi! Thuduc11
cây xăng đối diện nhà sách An Thái

Thủ Đức trong tôi! 17012010001z
Cây xăng đó ngày nay

Đi tiếp lên một đoạn nữa, bên trái là Nhà Thờ Thủ Đức, đối diện nhà thờ là một bến xe lam (nay cũng không còn).Nối tiếp nhà thờ là trường Lasan Mossard , và bên nầy đường là Cô Nhi Viện Quốc Gia Thủ Đức.

Thủ Đức trong tôi! Nhathothuduc
Nhà thờ THỦ ĐỨC

Thủ Đức trong tôi! Congtruonglasan
Trường Lasan Mossard

Đến đây thì ta gặp một ngã ba, rẽ phải là đi về phía Bình Thái, trên con đường nầy các bạn sẽ gặp chùa Huê Nghiêm nằm bên trái, gần cuối đường đoạn sắp ra xa lộ Biên Hoà bạn sẽ gặp một ngôi chùa xây dựng năm 1958 theo phong cách chùa Một Cột ngoài Hà Nội mang tên "Nam Thiên Nhứt Trụ"

Thủ Đức trong tôi! Thuduc22
Chùa Huê Nghiêm

Thủ Đức trong tôi! 327chuanamthiennhattru
Nam Thiên Nhứt Trụ
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Tue Jul 03, 2012 5:37 pm

Sơ Lược về Lịch Sữ Chùa Huê Nghiêm và Nam Thiên Nhất Trụ

CHÙA HUÊ NGHIÊM

Thủ Đức trong tôi! Thuduc23

Vị trí
Chùa toạ lạc ở số 20/8 đường Đặng Văn Bi, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn bên ngoài chùa Huê Nghiêm ngày nay, mang dáng vẻ của ngôi chùa hiện đại, nhưng các gian phía trong, vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền.
Lịch sử
Chùa được thiền sư Thiệt Thụy (Tánh Đường) khai sơn vào thế kỷ XVIII. Tên gọi Huê Nghiêm xuất phát từ việc lấy tên bộ kinh Huê Nghiêm đặt tên chùa. Lúc đầu, chùa xây ở vùng đất thấp, cách ngôi chùa hiện nay khoảng 100m. Về sau, bà Nguyễn Thị Hiên đã hiến đất để xây dựng lại ngôi chùa.
Tại đây còn lưu truyền câu chuyện kể về bà Nguyễn Thị Hiên như sau: khi bà Hiên sắp lâm chung, bà nhờ viết trên lòng hai bàn tay một câu bằng son đỏ: “Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, chùa Huê Nghiêm, An Nam”.
Năm 1821, hoàng hậu nhà Thanh (Trung Quốc) hạ sinh công chúa, trên lòng bàn tay hiện rõ những chữ bằng son đỏ hệt như ở lòng bàn tay bà Hiên. Sau đó vua Thanh sai sứ sang Việt Nam và tìm đến chùa Huê Nghiêm để tìm xác nhận điều linh ứng trên. Sứ nhà Thanh xin trùng tu chùa và xây lại ngôi mộ cho bà Hiên, đồng thời cũng hiến tặng chùa một pho tượng quan âm bằng đồng, cao 80cm.
Dưới thời tổ Huệ Lưu làm trụ trì, chùa đã được đại trùng tu một lần vào cuối thế kỷ XIX. Sau đó, tổ Lệ Phương lại tiếp tục cho sửa sang, tu bổ thêm vào các năm 1960, 1969 và 1990.
Các vị Tổ nối tiếp nhau trụ trì chùa Huê Nghiêm gồm: Tổ Tế Lý, Đạt Lý, Tế Giác, Tế Vĩnh, Huệ Lưu, Hồng Tín, Thiện Bửu, Khánh Bình, Trí Đức. Trong đó, đặc biệt là tổ Huệ Lưu, đã châm lửa tự thiêu mình cúng Phật tại chùa Huê Nghiêm ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1898) vì không muốn bị quấy nhiểu bởi cám dỗ thường tình.
Hoạt động – lễ hội
Hàng năm, vào ngày 6 tháng Mười và 2 tháng Giêng, chùa tổ chức giỗ Tổ khai sơn và Tổ Huệ Lưu. Trong những năm qua, chùa luôn là điểm dừng chân nơi sống và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp và tài đức.

Chùa NAM THIÊN NHỨT TRỤ

Thủ Đức trong tôi! 327thapnamthien2
Tháp Nam Thiên

Nếu Hà Nội có chùa Một Cột được xây dựng vào đời nhà Lý (đầu thế kỷ XI) thì Sài Gòn có “Nam Thiên nhất trụ”(Trời Nam một trụ) gọi nôm na là chùa Một Cột. Chùa do hòa thượng Thích Trí Dũng dựng vào năm 1958. Đến đây, vừa tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, vừa thả hồn theo tiếng chuông mõ ngân vang, cảm giác về sự uy nghiêm của hình tượng kiến trúc như chia sẻ, hòa mình vào trời nước và màu xanh ẩn hiện của cây lá…, bạn sẽ có được những phút “rũ sạch nỗi u phiền để đạt đến sự thanh cao của tâm hồn”.
Tương truyền vào đời vua Lý Thánh Tông (năm 1049), khi ấy nhà vua tuổi đã cao nhưng chưa có con trai để nối dõi, nên thường đến các chùa cầu tự. Một đêm, vua nằm chiêm bao thấy Đức phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa bé trai đưa cho nhà vua. Tỉnh dậy, vua bèn đem chuyện kể cho bầy tôi. Nghe xong, sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi chung quanh tụng kinh cầu để được sống lâu. Quả nhiên, ít lâu sau, hoàng hậu sinh được người con trai như mong muốn của nhà vua. Và ngôi chùa đó chính là chùa Một Cột ở quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay.
Theo tinh thần văn bia hòa thượng, dựng Nam Thiên Nhất Trụ phải tuân thủ khuôn mẫu Thăng Long nhất trụ ở Hà Nội, năm 1958, hòa thượng Thích Trí Dũng và các đệ tử của mình đã lập nên chùa Một Cột ở miền Nam, gọi là Nam Thiên Nhất Trụ (tọa lạc tại đường Đặng Văn Bi, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP. HCM). Xây dựng chùa này với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh cốt để các tín ngưỡng phương Nam chiêm ngưỡng lễ Phật, nhớ về cội nguồn tổ tiên, hun đúc hy vọng quốc thái dân an, quê hương hưng thịnh.
Chùa Một Cột ở miền Nam được xây dựng theo kiến trúc của các chùa chiền cổ ở miền Bắc, từ rui kèo, trính, xuyên, mái ngói... đến những đường nét hoa văn bài trí cũng như cách bố trí thờ phượng. Trụ chùa Một Cột đúc vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép; mái lợp ngói uốn cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp và nhỏ hơn. Nhìn từ cổng tam quan, Nam Thiên Nhất Trụ được xây dựng nằm giữa lòng hồ Long Nhãn (hồ Mắt Rồng) rập rờn hoa sen với diện tích mặt hồ khoảng hơn 600m2. Ngôi chùa được đặt trên một cột cao khoảng 12m. Trên mặt hồ, ngôi chùa vươn lên với ý niệm cao cả, vừa tạo nét gần gũi tinh khiết, vừa tạo nên không gian thanh tịnh.
Phía sau Nam Thiên Nhất Trụ là chánh điện, nhà Tú Ân, giảng đường và nhà lưu niệm. Ngoài ra, chùa còn có tượng Đức Địa Tạng đúc bằng 61kg kim loại quý, tượng Phật Di Đà đồ sộ, tượng Phật Thích Ca ngồi thiền dưới cội bồ đề... để du khách chiêm bái.
Trước đây, tiền nhân chúng ta chỉ tưởng tượng bông sen nở trong đầm mà hình thành một công trình kiến trúc văn hóa hoàn mỹ, thể hiện khá linh hoạt giấc mơ đầy thi vị của một vị hoàng đế. Chùa Một Cột đã thành một biểu tượng khá rõ nét về nghệ thuật kiến trúc, về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Từ Một Cột đến Nam Thiên Nhất Trụ - một phiên bản dựng lên trong những ngày đất nước còn chia cắt như một nỗi hoài hương và khát vọng non sông thống nhất.
Đến đây, vừa tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, vừa thả hồn theo tiếng chuông mõ ngân vang, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình như lạc vào cõi thần thiên Phật pháp. Và với vẻ đẹp hấp dẫn ấy, hàng năm, Nam Thiên Nhất Trụ đã đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng và khám phá nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người Sài Gòn - Gia Định.

Nguồn quangduc@quangduc.com

minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Wed Jul 04, 2012 7:52 am

Từ ngã ba nầy ta tiếp tục đi thẳng về hướng Chợ Nhỏ, bên tay trái, cách ngã ba chừng năm trăm mét có một ngôi trường, đó là trường Notre dames de Missions, đây là một ngôi trường công giáo, Thủ Đức có hai ngôi trường loại nầy. Lasan Mossard ở dốc nhà thờ dành cho nam học sinh, Notre Dames de Missions dành cho nữ sinh.
Đi khoảng hơn năm năm mét nữa ta lại gặp một ngôi trường khác, đó là Trường Nam Tiểu Học Thủ Đức (bây giờ là trường Lê Quý Đôn)

Thủ Đức trong tôi! Thuduc10
Trường Nam Tiểu Học Thủ Đức

Trường nằm cạnh ngã ba, lối rẽ trái nầy vào khu vực Miếu Ông Nhậm, quán Nai Vàng Ngơ Ngác v v..Đối diện ngã ba nầy là khu nghĩa trang của người Hoa (nay là xưởng của công ty chuyên sản xuất nội y phụ nữ ). Bên kia đường là vườn cao su chạy dài khoảng năm trăm mét,che mát cho những ngôi mộ của Nghĩa Địa Họ dành cho người công giáo.(ngày nay nơi nầy là Cung Thiếu Nhi Quận Thủ Đức).
Đi tiếp một đoạn đường nữa ta sẽ gặp một ngôi trường nằm bên tay phải, đó là trường Trung Học Thủ Đức ( sau nầy đổi tên là Hoàng Đạo và bây giờ là Nguyễn Hữu Huân)

Thủ Đức trong tôi! Trungh10
Trung Học Thủ Đức

Thủ Đức trong tôi! 63545436
Hoàng Đạo

Tiến thêm một đoạn nữa nhìn về phía bên trái ta lại gặp thêm một ngôi trường, ngôi trường nầy với quý khách trong quán chắc không lạ gì ,đó là Trường Kỷ Thuật Việt Đức, và kề cạnh nó về hướng xa lộ lại là một mái trường khác cũng rất thân quen trường Chuyên Nghiệp Kiểu Mẫu (thuộc Cao đẳng Sư Phạm Kỷ Thuật)

Thủ Đức trong tôi! Thkythuatvietduc
trường Kỷ Thuật Việt Đức

Thủ Đức trong tôi! Duongvaotruongspkt
đường vào trường Chuyên Nghiệp Kiểu Mẫu (CĐSPKT)



Được sửa bởi minhthanh ngày Fri Oct 26, 2012 5:44 pm; sửa lần 1.
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Wed Jul 04, 2012 10:39 am

Qua bên kia ngã tư xa lộ bây giờ là Quận 9, nhưng các bạn cũng biết ngày xưa vùng đất nầy cũng thuộc về quận Thủ Đức.
Ngày nay ở khu vực nầy vẫn còn những di tích lịch sữ đáng lưu ý đó là:
- Đình Phong Phú.
- Chùa Phước Tường.
- Chùa Hội Sơn.

Đình PHONG PHÚ

Thủ Đức trong tôi! Dinhphongphu

Đình Phong Phú thuộc khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B - quận 9. Đình được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19. Lúc đầu đình còn lợp lá, vách ván, mái thấp. Năm 1937, đình được lợp lại ngói âm dương, xây tường gạch, hệ thống cột kèo vẫn giữ nguyên. Năm 1948 đình bị phá theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Năm 1952 đình được tái lập trên nền đất cũ. Năm 1968 đình bị hư hỏng nặng do chiến tranh. Năm 1969 được tái lập lần hai. Sau năm 1975 võ ca và nhà để xe được xây dựng, sân đình được lát gạch, mặt tiền được tu sửa lại.

Đình Phong Phú tọa lạc trên khu đất rộng 4,2 mẫu. Riêng khuôn viên đình có diện tích 4.620m2, có tường xi măng bao bọc. Khu đất quanh đình được trồng cây cao su. Mặt bằng kiến trúc chính của ngôi đình được bố trí cân đối. Đình Phong Phú có hai lớp cổng. Lớp cổng thứ nhất, có hai cửa hai bên, ở giữa tạc bia ông hổ. Lớp cổng thứ hai làm theo kiểm tam quan. Ơở giữa tam quan là tượng bạch mã. Sau tam quan là bàn thờ thần nông, tiếp theo là hòn non bộ. Hai bên hòn non bộ có miếu thờ ngũ hành nương nương và miếu thờ bạch mã.

Võ ca được đặt chính giữa đối diện với chính điện, cách chính điện 10,5m. Theo trục dọc công trình, chính giữa ta có tiền điện, chánh điện, nhà túc, nhà bếp, đối xứng qua trục chính bên phải là nhà truyền thống, bên trái là nhà rửa rau quả. Trên nóc mặt tiền có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu. Bên trong đình tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Các họa tiết trang trí vẫn là những đề tài quen thuộc ở các đình miền Nam như: long, lân, qui, phụng, bát tiên, cá hóa long. Nét đặc biệt của đình Phong Phú là nhờ tượng tròn mà hầu hết các đình khác trong thành phố Hồ Chí Minh không có.

Đình Phong Phú thờ thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Lễ chính trong năm là lễ kỳ yên. Lễ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16 tháng 11 âm lịch. Sáng ngày 14 tháng 11 âm lịch, ban hội đình tổ chức cúng tế theo nghi thức cổ truyền. Lễ vật chính là một con heo đã làm thịt để nguyên con. Mỗi gia đình trong địa phương đều có lễ vật riêng, có thể là heo quay, gà luộc hoặc mâm xôi hay trái cây... Đặc biệt khách đến dự lễ kỳ yên ở đình Phong Phú rất đông. Không chỉ dân địa phương mà nhân dân trong thành phố và các tỉnh lân cận cũng về dự lễ. Có thể nói đây là ngôi đình nổi tiếng nhất trong thành phố.

Thủ Đức trong tôi! 61big

Thủ Đức trong tôi! 5097img013215953
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Wed Jul 04, 2012 8:05 pm

Chùa PHƯỚC TƯỜNG

Thủ Đức trong tôi! Chuaphuoctuong2


Phước Tường là một ngôi chùa cổ của thành phố Hồ Chí Minh, chùa tọa lạc ở đường 102, KP7, P. Tăng Nhơn Phú A, Q9, Tp.HCM. Chùa theo hệ phái Bắc tông.

Chùa Phước Tường do thiền sư Linh Quang – Phật chiếu (1736-1788), đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế khai sơn. Ngài là đệ tử Hòa thượng Thành Nhạc - Ấn Sơn, pháp tôn của Hòa thượng Nguyên Thiều – Thọ Tông.
Chùa Phước Tường Được khai sơn vào năm 1741. Nhưng theo lời các bô lão thì ngôi chùa bấy giờ ở gần chợ Nhỏ (Tăng Nhơn Phú), cách địa điểm hiện nay khá xa. Sau khi Tổ khai sơn tịch, đệ tử là Tổ Thuận – Đức Ấn kế thế, rồi tiếp tục sư đệ là Tổ Chơn – Phước Quang từ chùa Phước Hưng đến thay. Hòa thượng Phước Quang có 2 đệ tử là Thiền sư Tiên Hiền – Từ Minh (Diệu Minh). Đến năm Giáp Ngọ (1834) đời Minh Mạng, trụ trì đời thứ tư là Từ Minh, dời chùa đến địa điểm hiện nay, tái thiết quy mô.
Sau Thiền sư Tiên Hiền, trụ trì chùa Phước Tường là Thiền sư Minh Huệ - Thắng Phước, Như Tần – Phước Huệ, Kiểu Lượng – Tâm Thọ. Đến đầu thế kỷ thứ XX, trụ trì chùa là Thích Hóa Thông. Đại sư là một tu sĩ có khí chất của một hào kiệt, tham gia phong trào Thiên Địa Hội (1913-1916) nên bị bắt tù đầy, hy sinh. Chùa Phước Tường do không có trụ trì bị suy sụp. Mãi đến 5, 6 năm sau, bổn đạo mới thỉnh Hòa thượng Thích Pháp Ấn về trụ trì. Hòa thượng Thích Pháp Ấn là đệ tử của Hòa thượng Minh Phương – Chơn Hương ở chùa Linh Nguyên (Đức Hòa) đã trùng tu chùa Phước Tường năm 1930. Sau khi Hòa thượng Thích Pháp Ấn tịch, đệ tử Hồng Diệp – Bửu Ngọc kế thế ngài đã trùng tu chùa Phước Tường năm 1950, xây dựng một số công trình phụ năm 1990. Trụ trì chùa Phứơc Tường hiện nay là ĐĐ Thích Nhựt An, đệ tử Hòa thượng Thích Bửu Ngọc.
Chùa Phước Tường hiện nay nằm trên khu đất khá rộng, gần 3ha, ngôi chùa nép mình dưới nhiều cây cổ thụ rậm như một khu rừng. Từ ngoài cỗng bước vào nhìn qua bên phải là một khu đất rộng dành cho rừng cây. Giữa cảnh ấy lại điểm thêm một vài ngôi tháp, một vài ngôi mộ cổ rêu phong thì không đâu sánh bằng. Quả là sơn lâm hóa thành thị, thành thị hóa sơn lâm.
Cổng tam quan của chùa quay về hướng bắc. Trước đây chùa Phước Tường ở trên khu đất rộng không rào, không cổng. Mãi đến năm 1990, Hòa thượng Thích Bửu Ngọc mới xây một chiếc cổng hình cổ lâu hai bên có một đoạn rào ngắn, vẫn còn trống trước trống sau. Cho đến nay, chùa đã được xây lại cổng tam quan và xây rào hoàn chỉnh.

Thủ Đức trong tôi! Chuaphuoctuong

Chùa được xây dựng theo chữ L ngược, có trục chính và trục phụ. Trục chính là một tập thể qui mô. Kiến trúc bao gồm: chánh điện, tổ đường, giảng đường, sân thiên tĩnh, tăng đường. Trục phụ gồm Đông lan nằm bên trái trục chính.
Quy mô chùa Phước Tường hiện nay, tuy được trùng tu vào năm 1930, nhưng vẫn còn giữ được nét truyền thống. Chùa có 3 nóc xếp đọi theo hình chữ “khẩu” . Phía trước là tiền điện, một ngôi nhà ba gian hai chái; giữa là chánh điện, sau là giảng đường, sau rốt là nhà Giám Trai và nhà kho. Các công trình này đều bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, rêu phong cổ kính. Đa số các công trình này đều thiết kế theo qui mô hình nhà tứ trụ, trừ các công trình phía phía sau, không cần thiết. Trước đây, vách chùa và cữa chùa đều bằng gỗ và cữa chùa đều bằng gỗ, mái ngói âm dương nhiều lớp, nên nội điện mát mẻ. Nhưng càng về sau, theo khuynh hướng chung của xã hội, vách ván được thay thế bằng vách gạch kiên cố, gỗ được sơn son, đẹp mắt hơn trước.
Tiền điện có bố trí tượng Hộ Pháp. Tại đây có thờ Hộ pháp Di Đà (giữa), hai bên là Thiện hữu, Ác Hữu.
Đại Hùng Bảo Điện tức là chánh điện rộng rãi. Bàn thờ chính thờ Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai), bộ tượng bằng gỗ, thếp vàng. Cũng tại bàn thờ này còn có thờ Di Đà Tam Tôn (Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí), Thích Ca thành đạo (phong cách Khmer), Tất Đạt Đa giáng thế, Di Lặc, Kim Cương, kể cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu.
Xung quanh chánh điện là bàn thờ Thập Điện Minh Vương, Quan Thánh Đế Quân, Phật Dược Sư, Long Vương,… Trên có tấm hoành phi khắc bốn chữ “Thôi tà phụ chính” (Đuối tà giúp chính).
Chùa Phước Tường cũng như các chùa ở Nam Nộ đều bày trí theo công thức “Tiền Phật hậu Tổ”. Thế nên, phía sau bàn thờ chánh điện là bàn thờ Tổ, thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và 10 vị cao tăng đã trụ trì chùa. Tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma chùa Phước Tường bàng gỗ, đã được Việt Hóa nhân chủng. Theo các nhà nghiên cứu, pho tượng này trước kia thờ bên phải bàn thờ chính, gần đây được đưa ra phía sau, để thay thế vào đó là tượng Long Vương,… Nơi đây có bức hoành phi và những câu đối hàng trăm năm tuổi.
Trước bàn thờ Tổ sư tiền bối là bàn thờ Chuẩn Đề Vương. Hai bên là bàn thờ Thập Phương bổn đạo quá vãng, mà lúc sinh thời họ thường đến thăm chùa.
Giảng đường( tức Bác Nhã đường) là ngôi nhà khá rộng. Giữa là tượng Chuẩn Đề Vương, vị Bồ Tát Mật Tông có 3 mắt, 18 tay. Phía sau là quá đường (nơi tổ chức trai tăng), hai bên là hai bộ phản, dùng làm nơi bày tiệc chay đãi chư tăng hoặc đãi khách quý. Giảng đường là nơi học tập của của chư tăng chùa.
Sau giảng đường là sân Thiên tĩnh, nơi đây giống như một cái giếng trời, ở dưới có Hòn non bộ, trên là khoảng trống giữa bốn bên mái ngói. Nơi đây nước chảy róc rách, thỉnh thoảng có vài tiếng chim kêu, giữa một không gian với những mái ngói rêu phong, lại thêm vào đó là những cặp liễn đối, bức hoành phi làm cho nơi đây đậm chất cổ kính thật không đâu sánh bằng.
Tiếp sau sân Thiên tĩnh là nhà Giám Trai. Nơi đây có bàn thờ Mẹ sanh – Mẹ Độ (bộ tượng có 7 nữ thần chính và 2 nữ thần bồng con đứng hầu). Tương truyền các vị nữ thần này rất thiêng, những gia đình hiếm muộn hoặc sinh con khó nuôi đều đến đây cầu khẩn. Đặc biệt, tại bàn thờ Mẹ Sanh – Mẹ Độ còn thờ một bức tượng nữ thần bằng sa thạch, có từ đời Phù Nam. Bức tượng này tìm được trong khuôn viên chùa Phước Tường, đào thấy trong lòng đất, khi đốn một cây cổ thụ, cách nay khá lâu. Vị thần này búi tóc trên đỉnh đầu có trang sức, mắt lộ, môi mỏng. Đối diện bàn thờ Mẹ sanh – Mẹ độ là bàn thờ Quan Âm Thị Kính bồng con (đứng), và tượng Giám Trai sứ giả Bồ Tát. Tương truyền ông Giám Trai là một nông dân chất phát, chỉ có sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” mà cũng không thuộc nổi. Thế nhưng với lòng chân thật, siêng năng công quả mà ông đã thành một vị hộ trì ngôi Tam Bảo.
Đặc biệt hai bàn thờ này được tương truyền là cho xăm rất linh. Khách thập phương đến đây xin xăm rất nhiều, để biết được điềm kiết hung cho mình.
Sau nhà giám trai là nhà bếp, công trình phụ, nhà kho. Bên tây nhà Giám Trai là Hội trường, nơi các giảng sư giảng dạy Phật học cho Phật tử. Hiện nay nhà chùa xây dựng thêm nhà Tịnh Độ đạo tràng để phục vụ cho Phật tử tu học trong các khóa tu Phật thất.
Hiện nay chùa Phước Tường có 53 pho tượng, 13 bức hoành phi, câu đối và nhiều bao lam, thần vọng, bài vị. Bao lam chùa Phước Tường chạm trong khoảng năm 1921, lấy đề tài tứ linh, chim hạc và cây tùng, chim trĩ và hoa mẫu đơn, chim phượng và hoa sen… Tượng thờ có nhiều loại. Có tượng bằng đá, bằng đất, nhiều nhất là bằng gỗ. Một số tương gỗ ở chùa tạc vào đầu thế kỷ XIX, còn nét thô phát nhưng có giá trị lớn của cổ vật niên đại hàng trăm năm.
Chùa Phước Tường đặc biệt còn có nhiều câu đối văn hay, chữ đẹp, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng rực rỡ. Có ba câu đối quán thủ hai chữ “Phước Tường”:

1.
Phước hải hồng thâm, bảo phiệt độ thông thiên giới ngoại
Tường vân ái đãi, quý hào phổ ích vạn nhân gian.
(Biển phước rộng sâu, bè báu độ thông ngoài ngàn cõi
Mây lành kín mịt, quý hào độ khắp cõi nhân gian)


2.
Phước chỉ trùng hưng, bổn tự viên thành đa tín thí
Tường cơ tái đạo, dã tri mỹ lệ thiện công phu
(Nền phước trùng hưng, bổn tự viên thành nhiều tín thí
Cuộc lành tái tạo, biết rằng đẹp đẽ giỏi công phu)


3.
Phước hải thâm ba, vạn cổ gia gia đồng nhuận trụ
Tường son tăng thúy, thiên thu xứ xứ cộng qui y
(Biển phước sông sâu, muôn thuở nhà nhà đều nhuận thắm
Núi lành thâm thúy, ngàn năm xứ xứ thảy qui y)


Tại chánh điện chùa Phước Tường có một câu đối rất đặc biệt:

Hiệu uông nhương, cần miễn lễ, động cù lao; quân sư phụ nhất ban kiệt lực.
Chí trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng; Nho Thích Đạo tam giáo đồng tâm.
(Lật đật hấp tấp, cố gắng siêng năng, nhớ ơn sinh dưỡng; quân sư phụ thảy đều gắng sức.
Chuẩn đích trung thứ, suy nghĩ từ bi, lo sợ cảm ứng; Nho Thích Đạo ba đạo đồng tâm)

Nội dung câu đối này bày tỏ quan niệm đại đức theo quan niệm Tam giáo đồng nguyên. Đặc biệt, nếu viết chữ Hán, thì câu “ Hiệu uông nhương, cần miễn lễ, động cù lao” đều có bộ “lực”. Câu “Chí trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng” đều có bộ “tâm”. Nội dung và hình thức đều thảy đẹp cả (có tâm thì làm việc hết mình à việc học do chính bản thân mình chứ không phải do thủ đoạn)
Theo Giáo sư Tiến sĩ Trương Ngọc Tường
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Wed Jul 04, 2012 8:26 pm

Chùa HỘI SƠN

Thủ Đức trong tôi! Image002ru

Chùa Hội Sơn tọa lạc ở số 1A1, ấp Cầu Ông Táng, hương lộ 33, phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, trên một ngọn đồi nhỏ cao 15m so với mặt biển, bên sông Đồng Nai. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa do Thiền sư Khánh Long dựng vào thế kỷ XVIII nên còn được gọi là chùa Khánh Long. Sách Gia Định Thành Thông Chí giới thiệu về chùa: “Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành...”
Chùa được trùng kiến, mở rộng vào thời Thiền sư Huệ Tấn (1875-1924). Đến năm 1933, ông Tri huyện Nguyễn Minh Giác tiếp tục trùng tu. Năm 1938, Ni sư Thích Nữ Như Thanh và đệ tử là Thích Nữ Như Tiên đã tổ chức trùng tu, xây dựng thêm nhiều công trình phụ.
Chùa đã trải qua 11 đời trụ trì : Tổ khai sơn Khánh Long, Tổ Đức Hội, Tổ Chân Truyền, Tổ Huệ Tấn, Tổ Đạt Biên, Tổ Như Quới, Tổ Hồng Đạo, Ni sư Thích Nữ Như Thanh, Sư cô Thích Nữ Như Tiên, Đại đức Thích Nhật Phát. Đại đức Thích Thiện Hảo, trụ trì ngôi chùa hiện nay đã tổ chức trùng tu nhiều đợt.
Sân chùa rộng rãi, tôn trí một số tượng Phật, Bồ tát. Trước ngôi chánh điện, đặt tượng đức Phật Thích Ca, hai bên ngôi chính điện đặt tượng Bồ tát Di Lặc giáng trần và Bồ tát Quán Thế Âm xuất sơn.
Chùa có nhiều công trình kiến trúc: Tiền đường, Điện Phật, Bát Nhã đường gồm nhà Tổ, giảng đường và một số công trình khác như : nhà trù, nhà túc, nhà tăng, nhà khách... để phục vụ chư Tăng Ni, Phật tử về chùa dự các đại lễ hằng năm.

Thủ Đức trong tôi! Image015gc
Khách đường

Trong chính điện có bốn cây đại trụ bằng gỗ quý, trên thân có cặp câu đối và hoa văn chạm liền một khối rất đẹp :
Di Đà kinh trung, Hồng Danh kinh trung; kinh kinh nguyện âm siêu dương thịnh,
Lăng Nghiêm hội thượng, Đại Bi hội thượng; hội hội cầu quốc thái dân an.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường dịch là :
Trong kinh Di Đà, trong kinh Hồng Danh; kinh nào cũng nguyện cho âm siêu dương thịnh,
Trên hội Lăng Nghiêm, trên hội Đại Bi; hội nào cũng cầu cho nước thịnh dân an.

Ở điện Phật, tầng trên tôn trí tượng đức Phật Thích Ca, tầng kế đặt thờ bộ tượng Di Đà Tam Tôn : đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Phía trước và hai bên vách hông, chùa đặt thờ nhiều tượng : Hộ Pháp Vi Đà, Tiêu Diện, La Hán, Minh Vương, Địa Tạng, Ngọc Hoàng ...
Chùa có 6 bức hoành phi cổ, trong đó có bức ghi chữ “Vạn Đức Hồng Danh” do vua Khải Định tặng, 30 pho tượng cổ, trong đó tượng đức Phật A Di Đà cao 1,2m, tượng Chuẩn Đề cao 1m và tượng Tiêu Diện cao 1m được tạo tác từ thế kỷ XVIII.
Chùa có hai khu tháp mộ cổ. Bên phải là tháp Tổ Khánh Long và Tổ Chân Truyền. Bên trái là tháp Tổ Huệ Tấn.
Bên trái ngôi chùa có đường dẫn lên điện thờ Quan Thánh.

Thủ Đức trong tôi! Image014kz
Điện thờ Quan Thánh

Khu đất chùa được xếp là 1 trong 26 di tích khảo cổ học (thuộc thời kỳ kim khí) ở thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà khảo cổ học đã tìm được rìu đá, đục đá, nhiều mảnh gốm... có niên đại khoảng 4000 năm.
Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Chùa Hội Sơn ngày nay là một danh lam thắng cảnh ở thành phố Hồ Chí Minh. Chùa thường xuyên đón tiếp nhiều du khách, Phật tử, sinh viên học sinh đến lễ bái, sinh hoạt, cắm trại, vui chơi trong không gian thoáng đãng, an lạc.
Bài và ảnh: Võ Văn Tường
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  minhthanh Thu Jul 05, 2012 6:04 pm

Tôi là một người hoài cỗ nên những gì tôi ghi lại trên đây là hình ảnh dấu yêu của quê nhà thời tôi mới lớn.Đó là những hoài nhớ khôn nguôi về những ngàn cây, ngọn cỏ,những con dốc nhỏ phố phường, những lối mòn quanh co trong xóm của những ngày thơ dại!
Nếu bạn có về Thủ Đức hôm nay chắc hẵn sẽ không còn nhận ra những nét kể trên. Thủ Đức ngày nay thay đổi nhiều lắm, phồn vinh hơn xưa! Nó sẽ rất đẹp với thế hệ sau nầy khi họ bằng tuổi tôi bây giờ, lúc nhớ đến hình ảnh Thủ Đức hôm nay! Vậy đó,ai cũng có riêng mình "một thời để nhớ" phải không?

Thủ Đức trong tôi! 6122803152683f71ea5ao
đường từ SaiGon về Thủ Đức
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

Thủ Đức trong tôi! Empty Re: Thủ Đức trong tôi!

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết