Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!

Join the forum, it's quick and easy

Quán Thời Gian
Hân hoan đón mừng quý khách đến với Quán Thời Gian!
Quán Thời Gian
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM

2 posters

Go down

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Empty SÀI GÒN SỐNG ĐÊM

Bài gửi  friend Sat Apr 20, 2013 7:28 pm

Mua chỗ ngủ đêm

Hơn 1 tháng trời, trong nhiều vai khác nhau, nhóm PV Thanh Niên đã lang thang nhiều nơi trong đêm ở Sài Gòn để tận mắt khám phá TP về đêm với những nét đặc trưng và những điều thú vị bất ngờ...

Không yên giấc

Đã 6 năm gắn liền với những cảnh đêm tạm bợ, anh Hội đúc kết: “Ngủ ở đây không cảnh giác là tài sản dù nhỏ nhất cũng không cánh mà bay. Ai chả biết bọn làm gái kiêm trộm đồ nhưng có ai dám nói hay làm gì được đâu. Vì đằng sau họ là những đàn anh, đàn chị giang hồ. Vì vậy tự mình cứu mình thôi chú à!”. Rồi anh kể, mới đây một tiểu thương từ Đà Lạt xuống buôn bán tranh thủ chợp mắt trên võng, khi thức dậy đã thấy túi xách bên trong có hơn 20 triệu đồng, cùng nhiều giấy tờ quan trọng biến mất.

Dưới ánh đèn đường Sài Gòn, hàng trăm phận người buôn gánh bán bưng kết thúc một ngày mưu sinh vất vả để đi tìm chỗ ngả lưng. Họ không có chốn đi về, chỉ là những chỗ ngủ tạm bợ để chợp mắt vài tiếng đồng hồ. Đông đảo, ồn ào, hôi hám đã đành, họ còn phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập...

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Saigonsongdem
Đêm, tại các quán cà phê bên hông chợ đầu mối Thủ Đức, nhiều người nghèo mua chỗ ngủ vài tiếng đồng hồ - Ảnh: Công Nguyên

Nơi đâu cũng là chỗ ngả lưng

Chỉ với 10.000 - 15.000 đồng, những lao động nghèo đã có thể thuê được chiếc ghế bố, cái võng tại quán cà phê hay chui rúc trong các khu nhà chật hẹp để ngả lưng sau một ngày lao động cật lực. “Tụi tui có thời gian đâu mà ngủ, không có tiền ăn nói chi có tiền mướn phòng riêng” - cô Hai (quê Bình Định) bán bánh tráng trộn tại Công viên 23.9, bộc bạch.
Hằng ngày, có rất nhiều phụ nữ quê miền Trung giống như cô Hai, với đôi gánh trên vai, đi khắp các con phố, ngõ hẻm Sài Gòn để bán hàng rong. Về khuya, họ lại kéo nhau về khu vực Cầu Ông Lãnh (Q.1), nơi có nhiều căn nhà chuyên cho lao động nghèo mướn ngủ qua đêm.

Đồng hồ chỉ 1 giờ sáng, đường phố vắng bóng người qua lại, dưới những bóng đèn cao áp từng vai gánh nặng nề lần lượt kéo nhau về. Được sự đồng ý của chị Sáu Loan (quê Quảng Ngãi), tôi theo chị về những căn nhà như thế. Chị dặn tôi: “Ở đó ngủ rẻ lắm, nhưng phụ nữ là phần đông, hiếm khi có đàn ông. Em có CMND chắc bà chủ cũng cho ngủ thôi à”. Căn nhà ẩm thấp, bốc mùi gián, chuột rộng chưa đầy 30 m2 được chia làm 2 lầu cho người lao động thuê ngủ. Ngoài hành lang đã có hàng trăm phụ nữ trải chiếu nằm la liệt. Chị Loan phân bua: “Về giờ này hiếm có chỗ ngủ lắm, phải tranh thủ xí trước không tí nữa phải ngủ ngồi là chết”. Xí được một chỗ, chị Loan lách những bước đi nhẹ nhàng vào nhà vệ sinh, nơi có hàng chục người đang chờ tới lượt mình.

2 giờ sáng, chị Loan ngả lưng với một tiếng thở dài mệt nhọc. Xung quanh những tiếng ngáy, tiếng ho, tiếng thở dài... của những người phụ nữ tảo tần, tất cả chìm vào trong giấc ngủ về sáng.

4 giờ 30 phút, chị Loan thức giấc, tất tả chuẩn bị cho một ngày mưu sinh mới, những phụ nữ xung quanh cũng lục đục dậy. 5 giờ sáng, họ lần lượt rời khỏi căn nhà...

Bên hông các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ Bình Điền (TP.HCM), hằng đêm có hàng trăm lượt người tới thuê chỗ để ngủ qua đêm. Đa phần là những lái xe, bốc xếp và người buôn bán về đêm. 22 giờ, tại quán cà phê treo đầy võng nằm bên hông chợ Bình Điền đã kín chỗ. Thấy tôi bước vào, bà chủ đon đả: “Ngủ ghế hay võng chú em? Ghế tính theo nước uống, còn võng thì 10.000 đồng/chiếc”. Dưới ánh đèn leo lét, tiếng nhạc rộn rã, tiếng xe, tiếng người mua bán ồn ào... mọi người trong quán tranh thủ chợp mắt. Nằm cạnh tôi, chú Sáu Hạnh (60 tuổi, quê Đồng Tháp) trằn trọc: “Già rồi khó ngủ, ở đây lại ồn ào, muỗi con nào con nấy như ruồi làm sao chợp mắt?". Chú Sáu Hạnh là một lái buôn cá từ các tỉnh miền Tây lên chợ Bình Điền. Đã hơn 4 năm nay, sau khi bỏ cá cho bạn hàng, chú Sáu Hạnh phải ngủ lại chờ đến sáng lấy tiền rồi theo xe về nhà.

Nguy hiểm rình rập

Vừa ngả lưng xuống cái võng trong quán cà phê tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lúc 12 giờ đêm, tôi được chị chủ quán dặn: “Giấy tờ, tiền bạc, điện thoại cẩn thận nghen, nếu không, ngủ dậy là không còn gì nữa đó". 15 phút sau, có hai cô gái ăn mặc hở hang bước vào đến từng võng có đàn ông để chào mời. Anh Hội nằm kế bên tôi nói nhỏ: “Gái làm tiền đó, chào mời chỉ là cái cớ để trộm đồ thôi, ai mà ngủ quên là chết chắc với nó”.

Có khi bọn cướp còn táo tợn vào từng chiếc võng có người ngủ để trấn lột. Ông Nguyễn Văn Thành, một người chuyên chở khoai mì từ Đồng Nai lên đây, kể: “Một lần, giao hàng xong tui thuê chiếc võng để ngả lưng, đang thiu thiu thì có cảm giác lành lạnh xương sống, mở mắt ra thấy một tên mặt mày bặm trợn đang cầm con dao kề vào cổ rồi. Nghe hắn ra lệnh đưa cái túi tui đang ôm trong lòng, tui đành phải đưa. Xung quanh mọi người đã ngủ say, với lại dao đang kề cổ tui chẳng dám kêu. Bao nhiêu tiền vốn lẫn lời thu được ngày hôm đó coi như mất trắng. Khi kêu lên được thì hắn đã vọt ra xe của đồng bọn chờ sẵn và biến mất”.

Cũng đầy bất an khi mưu sinh về khuya, chị Sáu Loan kể mới đầu năm, chị gánh hàng về ngủ, khi đi qua ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (Q.1) thì có 2 thanh niên đi xe máy kêu lại mua xoài. Vừa tới gần, một tên chìa cây kim tiêm dính đầy máu dọa: “Bà có tiền đưa bọn này ít để chích ma túy, không thì...”. Khi chị Loan run rẩy rút tiền thì bị chúng cướp hết trên tay và bỏ chạy, chị chỉ biết nhìn theo vô vọng.

Công Nguyên
nguồn: thanhnien.com
friend
friend
Chạy bàn

Tổng số bài gửi : 243
Join date : 08/06/2012

Về Đầu Trang Go down

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Empty Re: SÀI GÒN SỐNG ĐÊM

Bài gửi  friend Sat Apr 20, 2013 7:34 pm

Thân phận dưới gầm cầu

Bên cạnh những người mua được chỗ ngủ để ngả lưng là những phận người không tiền, không nhà phải chọn gầm cầu làm nơi nghỉ ngơi tạm bợ - nơi được xem là "vùng đất làm ăn" của bọn xấu.

Những phận đời không nhà

Giữa đêm, dưới gầm cầu Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM), một người đàn ông trên 50 tuổi, đầu bạc trắng, nằm co ro trên chiếc ghế sa lon cũ nát chìm vào giấc ngủ. Lâu lâu, ông lại trở mình vì lạnh và muỗi đốt, mở mắt ra nhìn bâng quơ về một nơi nào đó rồi lại ngủ thiếp đi. Trên người ông chỉ mặc một chiếc áo sơ mi bạc màu cũ kỹ, chiếc quần không che nổi hai đầu gối gầy guộc ốm yếu. Lấy tay làm gối, mảnh áo mưa rách nát làm mền, trời Sài Gòn vào mùa mưa về đêm lạnh lẽo, muỗi nhiều, nhưng ông vẫn nằm ngủ ngon lành trước sự ồn ào của tiếng xe qua lại. Chúng tôi lại gần hỏi thăm, ông chỉ cười: “Làm gì có tên mà hỏi, mấy người bán nước hay gọi tôi là ông già thôi”.
Ông không nhớ mình tên gì, không biết mình sinh ra ở đâu, cũng không biết có anh em gì không nữa. Ông chỉ nhớ cách đây khoảng 10 năm lang thang lên Sài Gòn rồi đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy; không ai kêu thì ông đi lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Ngày nào kiếm được vài chục ngàn thì có cơm ăn, ngày nào kiếm không được thì đành nhịn đói hoặc mót thức ăn thừa tại các quán xá.

Ngoài trời mưa nặng hạt, nằm co ro trên chiếc xích lô cũ nát dưới gầm cầu Ông Lãnh (Q.1), ông Ba Phát (57 tuổi) liên tục trở người vì lạnh. Đã 15 năm qua, chiếc xích lô ban ngày là phương tiện mưu sinh, ban đêm làm giường ngủ và ông chọn gầm cầu làm nhà vào mỗi đêm. Ông nói tếu táo: “Người ta giàu có ngủ khách sạn 5 sao, tôi nghèo thế này mà ngủ được khách sạn tới ngàn sao đó!”. Mấy bộ đồ rách, tấm bạt cũ và cái chăn ông gói gọn vào hóc trên “ngôi nhà di động” của mình. Trước kia ông cũng có một gia đình êm ấm như bao người khác. Thế rồi, 2 đứa con trai lần lượt ra đi vì có AIDS, căn nhà cũng bán lấy tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho vợ. Vợ mất, tài sản lớn nhất của ông hiện là chiếc xích lô cà tàng.

Một cảnh đời khác ngày đi rong ruổi dọc xa lộ Hà Nội, kiếm từng cái lon, chai bán kiếm tiền mưu sinh qua ngày, đêm tới ông lại trở về dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) - nơi mà ông xem như là nhà đã hơn 5 năm nay. Gặng hỏi mãi, ông mới cho chúng tôi biết mình tên Phú, đã ngoài 55 tuổi, và cũng không nhớ quê mình ở đâu. Thân hình gầy guộc, tóc bạc màu, 2 con mắt sâu hõm, từ sáng sớm ông đã dậy, đi dọc xa lộ Hà Nội về đến Thủ Đức và Q.9 để lượm ve chai. Ông than: “Mấy năm nay, người ta đi lượm nhiều quá nên đâm ra cũng ít, chứ mấy năm trước một ngày tui lượm được nhiều lắm”. Đêm về khuya, với vài tấm nhựa cũ ông lại trở về gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để ngả lưng. Ông bảo: “Mấy năm trước, tui ngủ ở nhiều gầm cầu trong thành phố lắm, nhưng ở mấy chỗ đó có mấy thằng nhỏ đi bụi tới dành chỗ chích hút, tụ tập nên tui bỏ đi tìm nơi khác. May mà tìm được chỗ này chứ nếu không...".

“Thế giới ngầm” dưới gầm cầu

Gầm cầu về đêm là nơi những phận người trôi dạt chọn làm nhà, nhưng cũng chính nơi đây là bãi đáp lý tưởng cho gái bán dâm và những con nghiện "hành sự".
1 giờ 30 phút, chúng tôi vừa ghé lại chân cầu Bình Triệu (Q.Thủ Đức), dưới đường những dòng xe hối hả đi về, trên lề những cô gái ăn mặc hớ hênh đang đứng chờ khách. Một lát sau, hai thanh niên ngà ngà hơi men chạy tới. Chỉ cần vài câu ngã giá, cô gái nhảy tọt lên xe chạy đi mất hút. Thấy chúng tôi tò mò, một phụ nữ bán nước tại đây bảo: “Chuyện bình thường ở đây mà, đêm nào chả diễn ra”. Bà nói tiếp: “Đứa nào có tiền thì vào nhà nghỉ, còn không thì đưa xuống gầm cầu giải quyết. Nhanh, gọn”. Chỉ tay về dưới gầm cầu tối om, bà bảo: “Giờ này dưới đó phức tạp lắm, toàn là gái và mấy thằng nghiện dưới đó không à”.

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Kimtiem
Kim tiêm dưới chân cầu Chà Và - Ảnh: Sỹ Bình

Mỗi đêm thu dọn hàng chục kim tiêm
0 giờ 30 phút một đêm đầu tháng 7.2012, dưới gầm cầu Chà Và (Q.5) bóng tối bao trùm. Tại đây có chốt dân phòng, nhưng cửa khóa, không một bóng người. Một người quét đường cho biết: “Hồi chưa có chốt dân phòng thì ở đây còn phức tạp hơn nữa, giờ thì đỡ hơn rồi. Nhưng những đêm không có dân phòng là bọn nó lại xuất hiện chích hút. Bọn đó, không chỉ vứt kim tiêm ở góc mà vứt ra giữa đường, lối dành cho người đi bộ nữa nên rất nguy hiểm. Mỗi đêm tôi thu dọn vài chục cái là chuyện thường”.

Anh Hùng - một người có thâm niên 7 năm chạy xe ôm tại ngã tư Bình Phước, cho biết: “Đêm về dưới chân cầu An Sương, Linh Xuân dọc tuyến quốc lộ 1A là những nơi hoạt động sôi nổi nhất của người buôn bán ma túy, những con nghiện và gái bán dâm”.

1 giờ đêm, dưới gầm cầu vượt An Sương (Q.12), một người đàn ông dáng người cao gầy chốc chốc thập thò chạy ra giao gói hàng nhỏ xíu và nhận tiền từ những người đi xe gắn máy tấp vào lề và nhá đèn xi nhan. Cuộc giao dịch diễn ra nhanh chóng, nếu không để ý, thì khó nhận thấy những "cuộc giao dịch" này.

Nhắc tới các mối nguy dưới gầm cầu về đêm, ông Ba P. - một người thường ngủ tại gầm cầu vượt Tân Thới Hiệp (Q.12), ngán ngẩm: “Có chỗ nào lý tưởng hơn dưới gầm cầu để bọn xì ke chích, hút đâu". Chỉ tay về mấy cây kim tiêm vứt lăn lóc dưới gầm cầu này, ông bảo: “Đó! Bọn nó vừa tới làm xong đi rồi”. Ông P. kể thêm: “Có lần tôi đang ngủ ngon giấc thì bị mấy thằng nhóc tới lay dậy bảo: "Ông già dậy làm tí cho lên đời". Tôi không chịu, thì bọn nó đem kim tiêm gí vào người lục lấy 500.000 đồng mà tôi chắt bóp được bấy lâu”.

Công Nguyên - Sỹ Bình
friend
friend
Chạy bàn

Tổng số bài gửi : 243
Join date : 08/06/2012

Về Đầu Trang Go down

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Empty Re: SÀI GÒN SỐNG ĐÊM

Bài gửi  friend Sun Apr 21, 2013 4:09 pm

Chợ “âm phủ”

Sài Gòn vào nửa đêm về sáng có những khu chợ đông đảo người mua kẻ bán đủ loại hàng hóa. Tới tờ mờ sáng thì các chợ này biến mất, nhường chỗ lại cho cuộc sống tấp nập và hối hả.

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Cho-am-phu
Một góc chợ trái cây tại quận 5 - Ảnh: Công Nguyên

Tấp nập

Đồng hồ chỉ 1 giờ 30 phút sáng một đêm đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại chợ cua trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3. Khi đường phố bắt đầu vắng bóng người qua lại, dưới ánh đèn đường xuất hiện nhiều xe chở hàng của tiểu thương chờ sẵn. 2 giờ sáng, chuyến xe chở cua từ miền Tây đầu tiên tấp vào.

Một đội ngũ phân loại cua xắn tay vào việc. Từng bao cua lần lượt được đổ ra khay lớn bằng nhôm để phân loại cua sống và cua chết. Lúc này, mùi cua đồng bắt đầu lan khắp cả con đường. Người phân loại chỉ cần hai xẻng xúc một lượt những con cua chạy vòng vòng ở hai bên khay cho vào túi lưới. Cua chết bỏ riêng rồi làm sạch ngay tại chỗ, có thể đem xay nhuyễn để cung ứng cho các đầu mối ở chợ. Ngoài cua ra, khu chợ này còn mua bán hến, ốc. Cua ở đây chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh miền Tây lên thành phố, nhiều nhất là từ An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau.

Chợ mỗi lúc một đông, hàng trăm tiểu thương đến phân loại và mua cua rồi hối hả chở về các chợ nhỏ. Những cuộc trao đổi mua bán, những lời hỏi thăm rôm rả, tiếng cua lạo xạo bò ngang dọc tạo nên những âm thanh sống động trong đêm khuya. Anh Phú (quê Nhơn Trạch, Đồng Nai), một trong những tiểu thương đầu tiên có mặt, cho biết đã gần 10 năm nay, đêm nào cũng vậy anh đều thức dậy lúc nửa đêm, lặn lội từ Nhơn Trạch lên để lấy cua về bán tại chợ và bỏ mối cho các quán. Chị Liên (nhà Thủ Đức, TP.HCM) hối hả chất những bao cua nặng trĩu lên xe. Lau những giọt mồ hôi trên má, chị bảo: “Giờ này phải tranh thủ chạy về sớm để mờ sáng còn bán cho khách, không họ chờ tội nghiệp”. Thân gầy gò, mái tóc lấm tấm muối tiêu, hai mắt sâu hõm vì thức đêm, chị vội vã phóng xe đi vun vút.
Trời càng về sáng, chợ cua ngày càng tấp nập và ồn ào hơn. Đến 5 giờ sáng, những tiểu thương cuối cùng lên xe tỏa về khắp các chợ cho kịp ngày mới. Chợ cua cũng đã được dọn dẹp sạch sẽ, không để lại dấu vết, nhường chỗ cho những dòng xe cộ tấp nập.

Sài Gòn không chỉ có một chợ "âm phủ". 0 giờ khuya, tại chợ trái cây trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, Trang Tử và bên hông Chợ Lớn (P.14, Q.5) tấp nập và sôi động bởi những chuyến xe vận chuyển trái cây từ các nơi đổ về. Tiếng í ới gọi nhau của các tiểu thương, tiếng hô tránh đường của bốc vác, tiếng xe đẩy... tạo nên hơi thở nhộn nhịp trong đêm khuya. Anh Tiến cười: “Ở đây làm gì có giấc ngủ đêm. Ai cũng ngủ ngày làm đêm nên quen rồi”. Càng về sáng hoạt động của chợ trở nên gấp gáp hơn, ai cũng vội vàng mua bán và nhanh chóng chạy cho kịp buổi họp chợ đầu tiên. Trời sáng cũng là lúc chợ bắt đầu thưa thớt người, cả con đường được dọn dẹp sạch sẽ để nhường chỗ lại cho các hoạt động khác.

Lúc 2 giờ sáng, đông đảo tiểu thương các nơi cũng tập trung về chợ thủy sản bên hông phà Bình Khánh (H.Nhà Bè). Sau mỗi lần phà cập bến, những thùng cá, tôm, cua từ Cần Giờ được vận chuyển ngay vào chợ. Tiếng ghe máy nổ, tiếng trả giá của các tiểu thương phá tan màn đêm lạnh lẽo. Cảnh mua, bán, chọn lựa, ngã giá làm không khí luôn sôi động. Những thùng cá tôm, mực, cua nhanh chóng được cho lên xe, vội vã chuyển về khắp các chợ.

Ám ảnh trong đêm mưu sinh

0 giờ 30 phút, chúng tôi tấp vào quán nước trên đường Cách Mạng Tháng 8 để chờ chợ cua đêm họp. Một chị bán nước lâu năm nói nhỏ: “Mấy đứa bay đi đâu giờ này mà ba lô, túi xách nhiều vậy? Cẩn thận không bị giật đó”. Chị cho biết đường Cách Mạng Tháng 8 nằm giáp ranh giữa Q.10 với Q.3 nên khá phức tạp. Mấy tên giựt dọc, cướp của hay hoạt động trên tuyến đường này vào nửa đêm về sáng. Nạn nhân thường là các đôi nam nữ đi chơi khuya, các tiểu thương buôn bán lúc nửa đêm về sáng. Đang nói chuyện rôm rả, thấy hai thanh niên đi trên xe độ, không mũ bảo hiểm bước vào mua cà phê, chị nháy mắt: “Bọn nó đấy”.

Với gần 10 năm đi lại từ Nhơn Trạch lên TP.HCM và ngược lại lúc nửa đêm về sáng, anh Phú lắc đầu: “Phức tạp lắm em ơi! Đàn ông khỏe như anh mà bọn nó cũng hỏi thăm xin vài ba trăm nghìn để hút thuốc, nói chi phụ nữ đi trong đêm khuya”. Rít hơi dài thuốc lá, anh kể: “Có lần đang chở cua từ Sài Gòn về, đi ngang qua Lương Định Của, Q.2 bỗng đâu có mấy thằng đầu nhuộm xanh nhuộm đỏ tấp đầu xe chặn anh lại. Hai thằng xuống xe, gí dao vào cổ và bảo anh lấy hết tiền đưa cho bọn nó. May lúc đó vừa trả tiền hàng xong, chỉ còn mấy chục nghìn, anh bảo hết tiền rồi. Bọn nó không tin, giật lấy ví kiểm tra, lấy hết tiền trong đó rồi vứt xuống đất. Lấy xong bọn nó đi mất hút, anh cặm cụi tìm lại cái ví và chạy thẳng. Về đến nhà mà tim còn đập thình thịch”.

Với nhiều năm đi lại lúc nửa đêm về sáng, anh Phú kinh nghiệm: “Ra đường vào giờ đó, càng gọn nhẹ càng tốt. Tiền bạc nên đem ít, cái gì giá trị thì nên bỏ nhà để không tạo sự chú ý. Nếu tiền hàng thì nay có thể chuyển khoản, hay ban ngày lên thanh toán rồi về chứ không nên đem đi trong đêm vì rất nguy hiểm”.

Còn với anh Tiến những câu chuyện trấn lột giữa đêm khuya luôn là nỗi ám ảnh. Anh tâm sự: “Đêm nào cũng chở trái cây từ Đồng Nai lên Q.5 để bán, nửa đêm đi trên xa lộ Hà Nội, xe bị cán đinh đã là quá khổ. Những lúc như vậy, một mình hì hục đẩy xe trái cây tìm và năn nỉ mấy tiệm sửa xe thức dậy vá giúp. Khổ vậy nhưng vẫn không sợ bằng gặp phải dân lưu manh. Bọn nó gặp xin tiền, không có tiền thì cướp trái cây trên xe. Những lúc đó thật tôi không biết làm sao, bọn nó đi cả 5, 6 thằng, thôi nín lặng là giải pháp an toàn nhất”.

Chị Nga, một tiểu thương bán cá tại chợ Bình Khánh (Q.2), cho biết: "Cách đây một tháng, khoảng 2 giờ sáng, tôi đi xe một mình qua chợ cá bên phà Bình Khánh (H.Nhà Bè). Khi tới đường Huỳnh Tấn Phát, vừa đổ cầu Phú Xuân thì bị hai thằng đi xe máy chặn lại. Chưa kịp nói gì, bọn nó đã gí kim tiêm vào người và giật bóp lấy hơn 3 triệu đồng tiền tôi đi mua cá. Lấy xong bọn nó chạy như bay, tôi như người mất hồn, nhìn xung quanh không có ai để cầu cứu. Định đi báo công an, nhưng cũng không biết đi đường nào, giữa đường vắng không biết hỏi ai, đành mua cá nợ, mai qua trả lại”.

Công Nguyên - Thy Na
friend
friend
Chạy bàn

Tổng số bài gửi : 243
Join date : 08/06/2012

Về Đầu Trang Go down

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Empty Re: SÀI GÒN SỐNG ĐÊM

Bài gửi  friend Sun Apr 21, 2013 4:18 pm

Phận du ca

Sài Gòn vốn là mảnh đất của nhiều tâm hồn phóng khoáng và lãng tử, vì thế không thể thiếu tiếng đàn lời ca khi đêm xuống. Những nghệ sĩ đường phố đêm đêm mang lại cho thành phố một hơi thở đặc trưng và thơ mộng.

Tiếng hát thế thái nhân tình

Đêm chớm khuya, dọc hai bên bờ kênh Thị Nghè trời lộng gió.
Những quán nhậu ở đây “thức” đến sáng nên dân nhậu vẫn còn thong thả lai rai rất đông.
Người nghệ sĩ mù ôm cây đàn đã bóng lên vì mồ hôi bao năm tháng đi hát rong, vừa dò dẫm bước đi, vừa ca một bản bolero buồn buồn trên con đường đã vắng bóng người qua lại.
“Hát ơi!”, tiếng gọi từ một bàn nhậu bên đường vang lên.
Người nghệ sĩ như chỉ chờ tiếng kêu ấy, bước vội tới ngồi xuống ghế, nói lời giới thiệu trân trọng y như đang đứng trên sân khấu, trước mặt là hàng vạn khán giả.
Tiếng đàn, tiếng hát vang lên.
Lúc đầu một mình người nghệ sĩ hát, sau một vài ly bia mời nhau, cả bàn nhậu cất tiếng hát theo. Có người cao hứng vỗ tay, gõ chén bát để phụ họa.
Bao thế thái nhân tình, buồn vui cuộc sống cứ tuôn dài vào những lời ca.
Rồi những bàn nhậu khác nhấc ghế đến ngồi quây quanh người nghệ sĩ mù, hát theo bài ca mình ưa thích.
Những con người xa lạ tự dưng quen nhau qua tiếng đàn ghi ta và những bài ca giản dị.
Sống ở Sài Gòn, chỉ cần có thế đã quen nhau, đâu cần câu nệ nhiều làm chi!

Dọc hai bên bờ đường Trường Sa, Hoàng Sa, hằng đêm có vài chục người hát mưu sinh. Hát để bán kẹo, bán vé số, hoặc đơn giản là chỉ để mang lại không khí ấm cúng cho các hội nhậu. Trong số đó, "nghệ sĩ lãng tử" Mạc Nhân Thế được nhiều người biết đến. Dù đã ngoài 60 tuổi, tóc đã ngả màu, nhưng hằng đêm, những giai điệu trữ tình, bài ca tiền chiến của ông vẫn làm ngây ngất nhiều bạn nhậu. Ông bảo: “Tuổi cao, cầm đàn tới các quán để mang lại lời ca, tiếng hát cho mọi người như thế cho để nhớ nghề, cũng như thấy cuộc đời còn có niềm vui”. Những lời du ca trong đêm, dường như mang hơi thở cuộc sống thành phố, tạo thành một nét văn hóa Sài Gòn về đêm.

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Duca1
Nghệ sĩ Mạc Nhân Thế đang cất cao tiếng hát - Ảnh: Công Nguyên


Cảnh ấy, không khí ấy bao năm qua đã trở thành một nét đặc trưng ở “phố nhậu” dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Khi trời về khuya, những nghệ sĩ đường phố bắt đầu ôm đàn du ca trên những con đường quen thuộc ấy. “Khi đó những tay nhậu bắt đầu ngà hơi men, thấy đời bắt đầu phơi phới nên mới muốn hát, bọn tôi mới được ngoắc vô”, nghệ sĩ Phương “mù” bộc bạch.

Sau một liên khúc về tình yêu đôi lứa, nghệ sĩ Phương nhấp nháp ngụm bia rồi trầm ngâm chia sẻ đời mình với những người bạn mới quen qua mấy bài hát. Anh tên Nguyễn Phụng Phương (36 tuổi, quê Trà Vinh). Bị mù bẩm sinh, 11 năm nay anh lên Sài Gòn mưu sinh với đủ thứ nghề, thượng vàng hạ cám nơi phố thị Sài Gòn. Rồi như một cái duyên anh đến với nghề hát rong. “Trước kia, tôi vừa đi bán vé số, vừa cắp theo cây đàn để hát cho vui. Máu mình mê hát, có cây đàn trong tay, đi khắp thành phố không biết mệt là gì. Có khi vô quán nhậu bán vé số mà tui ngồi hát luôn, quên cả thời gian. Nhiều lần như thế, thấy không ổn nên bỏ luôn bán vé số để toàn tâm sống với nghề”, anh Phương tâm sự.

Công việc của anh bắt đầu từ 21 giờ và kết thúc thì tùy hứng. Chừng nào khách nhậu hát chán, quay về mái nhà thì anh cũng vác cây đàn về với căn nhà trọ nhỏ bé của mình ở Gò Vấp. Nơi ấy, vợ và hai đứa con nhỏ của anh đang ngủ say. Bao nhiêu năm trong nghề, cũng là ngần ấy năm vui buồn, tủi nhục anh đều trải qua. Lau những giọt mồ hôi trên mặt, anh nở nụ cười giòn tan: “Mình cứ làm hết khả năng, miễn sao khách vui vẻ và thoải mái là được rồi”.

“Nghệ sĩ” công viên

Thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc Công viên 30.4 vui nhộn với những bản tình ca. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng 18 giờ, vài nhóm bạn lại đến đây, cùng nhau vui chơi, đàn hát. Đa số họ là sinh viên, số ít đã đi làm, nhưng đều có chung sở thích hát ca, kết bạn và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống sau một ngày tất bật.

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Duca2
Một nhóm nhạc tại Công viên 30.4 - Ảnh: Thy Na

Chỉ với cây đàn ghi ta, những ca khúc thời tiền chiến cho đến những bản tình ca gây sốt đều được các bạn trẻ cùng nhau hát. “Nhiều lúc hát đến khàn cả giọng nhưng hôm sau vẫn đến chỉ vì quá vui”, Chúc Anh (20 tuổi, một sinh viên) chia sẻ. Trời càng tối, số người nhập vào nhóm càng đông hơn, âm thanh dường như sống động hơn và tiếng hát của những “ca sĩ nghiệp dư” lại vang vọng hơn.

An, một bạn nữ chơi trống thùng, luôn là tâm điểm của nhóm. Hầu như đêm nào cô bạn cũng đến đây, không ai ngờ đôi bàn tay mảnh dẻ của một cô bé hai mươi lại tạo nên những âm thanh sống động đến thế. Cô bạn này cũng được mệnh danh là “nam châm” hút bao ánh mắt hiếu kỳ và bao người bạn mới mỗi đêm cùng ngồi vui với nhóm. Ngoài ghi ta và trống thùng, các nhạc cụ như violon hay melodion cũng được các bạn chơi một cách thành thục. Thỉnh thoảng nhiều bạn trẻ hiếu kỳ nhanh chóng nhập vào nhóm khiến không khí thêm vui tươi, rộn ràng.

Bá Bách (24 tuổi) thành viên quen mặt của một nhóm du ca ở Bệt cà phê chia sẻ: "Mình đến Bệt cũng được 3 năm rồi, kể từ ngày mình còn là sinh viên đến khi đi làm. Lúc đầu, mình thấy một nhóm ngồi hát ca, có người chơi đàn, có người đánh trống thùng nên tò mò tham gia hát hò cho vui. Thế rồi thói quen đến Bệt hằng đêm để cùng nhau ca hát có từ lúc nào không hay. Mọi người ở đây đều vui vẻ và thân thiện, lúc đầu chẳng ai quen ai, nhưng cứ ngồi lại với nhau, cùng nhau ca hát. Âm nhạc tự nhiên sẽ kéo mọi người trở nên gần nhau hơn, chia sẻ những cảm xúc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống".

Công Nguyên - Thy Na




friend
friend
Chạy bàn

Tổng số bài gửi : 243
Join date : 08/06/2012

Về Đầu Trang Go down

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Empty Re: SÀI GÒN SỐNG ĐÊM

Bài gửi  minhthanh Fri Jul 05, 2013 7:13 am

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM X3gb
Đứng trên cầu Thủ Thiêm nhìn về phía SaiGon
minhthanh
minhthanh
Admin

Tổng số bài gửi : 969
Join date : 30/05/2012

Về Đầu Trang Go down

SÀI GÒN SỐNG ĐÊM Empty Re: SÀI GÒN SỐNG ĐÊM

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết